Bà giáo Pháp luôn tin mình là người Việt

Trong tâm tưởng, vị Giáo sư Luật Joelle Nguyễn Duy Tân luôn tin rằng mình là người Việt Nam trong một kiếp nào đó.

Nói đến tên của bà Joelle Nguyễn Duy Tân, giới học giả tại Pháp đều biết đến một Giáo sư Luật nổi tiếng, người thường xuyên có mặt trong các buổi hội thảo lớn về luật quốc tế. Nhưng với các sinh viên Việt Nam tại Pháp, vị Giáo sư đáng kính này hết sức gần gũi và cánh cửa nhà bà luôn mở rộng đón những bạn trẻ cần sự giúp đỡ khi mới bỡ ngỡ đặt chân đến nước Pháp. Đơn giản vì bà có tình cảm sâu nặng với Việt Nam và với những người Việt Nam mà bà gặp ở bất cứ nơi đâu.

Phiên họp lần thứ 18 của Uỷ ban định hướng Nhà Pháp luật Việt-Pháp được tổ chức tại Paris
Sống trong khu Cachan - nơi có rất đông người Việt, ngôi nhà của ông bà Joelle Nguyễn Duy Tân thường xuyên tấp nập những gương mặt trẻ học sinh, sinh viên Việt Nam. Người này giới thiệu người kia tới hỏi vị Giáo sư Luật nổi tiếng trường Paris 2 nhiều vấn đề từ học thuật đến các thủ tục thực tế về luật pháp vô cùng phức tạp tại quốc gia Châu Âu này.

Mỗi tháng, bà Joelle Nguyễn Duy Tân có một vài buổi trò chuyện với cộng đồng người Việt, sinh viên trong khu vực bà sinh sống hoặc trong trường về những quy định luật mới liên quan trực tiếp đến họ như cấp thẻ cư trú, mở tài khoản ngân hàng hay đến cả làm giấy tờ liên quan cho người thân của đối tượng học thạc sỹ, tiến sỹ sang sống cùng tại Pháp…

Như một thói quen vừa mang tính nghề nghiệp nhưng cũng là vì tấm lòng, vợ chồng ông bà hay sưu tập các quy định luật pháp mới và gửi cho một mạng lưới bạn bè, học sinh để họ có thông tin hữu ích. Và cũng không ít lần bà trực tiếp đi gặp các cơ quan chức năng của Pháp để đấu tranh quyền lợi giúp cho một số bạn trẻ Việt Nam.

Không thích nói nhiều về những gì mình đã làm cho các sinh viên Việt Nam, bà khéo léo lý giải tất cả bằng cách nói về tình yêu của mình với Việt Nam. Chính tình yêu đó thôi thúc bà cùng chồng giúp đỡ các bạn trẻ.

"Việt Nam là đất nước của tôi. Tôi không biết nói thế nào, nhưng tôi theo đạo Phật và luôn tin rằng mình là người Việt Nam trong một kiếp nào đó. Bố tôi từng là bác sỹ trong chiến tranh ở Điện Biên Phủ và ông căm ghét cuộc chiến đó. Sau này, tôi đã quen, yêu và lấy một người Việt Nam. Anh ấy thường xuyên kể cho tôi về đất nước mình, tôi hòa nhập rất nhanh với cuộc sống gia đình nhà chồng. Đặc biệt khi tôi nghiên cứu và làm việc nhiều về Việt Nam, tất cả tạo nên mối ràng buộc sâu sắc giữa tôi với đất nước này", bà Joelle Nguyễn Duy Tân nói.

Đúng là Việt Nam đã gắn bó với bà Joelle Nguyễn Duy Tân cả trong cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy. Luận án Tiến sỹ của bà nghiên cứu về khía cạnh luật quốc tế trong cuộc chiến tranh phi nghĩa của Pháp và Mỹ tại Việt Nam được thông qua đúng vào ngày lịch sử của dân tộc Việt Nam 30/04/1975 và đã được công nhận là bản luận án xuất sắc nhất trên toàn nước Pháp trong năm đó. Bà là một trong những người nỗ lực không ngừng, đặt nền móng gây dựng Nhà Pháp luật Việt Pháp - nơi đào tạo nhiều cán bộ pháp luật giỏi cho Việt Nam, với sự hỗ trợ của Pháp. Bà thực sự là người thầy lớn của nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam học và nghiên cứu về luật quốc tế.

"Lúc đó, có những mong muốn thúc đẩy hợp tác từ cả hai phía Việt Nam và Pháp. Chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn, kết nối các nhà chức trách hai bên cùng với nhiều đồng nghiệp Việt Nam thiết lập thành công Nhà Pháp luật Việt Pháp. Đã có nhiều thế hệ cán bộ pháp luật được đào tạo trong khuôn khổ đó. Nhưng cho đến giờ, tôi vẫn chưa thực sự hài lòng về kết quả hợp tác pháp luật giữa hai nước, tiềm năng phát triển còn rất lớn mà chúng ta cần phát huy hơn nữa", bà Joelle Nguyễn Duy Tân nhớ lại những nỗ lực tạo cầu nối hợp tác pháp luật Việt - Pháp.

Giáo sư  Joelle Nguyễn Duy Tân

Đến nay, dù tuổi đã khá cao, bà vẫn đau đáu nhiều kế hoạch thúc đẩy hơn nữa hợp tác pháp luật Việt – Pháp, cũng như trăn trở về những vấn đề của giáo dục tại Việt Nam cũng như ở Pháp trước xu thế toàn cầu hóa, thương mại hóa. Bà tâm sự: "Dù vẫn biết đó là lẽ tất yếu của thương mại trong thời buổi hội nhập, toàn cầu hóa, nhưng tôi vẫn cho rằng, các mô hình giáo dục tư nhân là một thất bại. Phải đảm bảo rằng, các tầng lớp thanh niên được giáo dục cơ bản một cách công bằng và miễn phí nhiều nhất có thể, không để sự chênh lệch giàu nghèo phản ánh trong giáo dục. Phải làm như vậy để con cái trong những gia đình nghèo không còn bị nghèo hơn, vì các em không được hưởng giáo dục đầy đủ".

Chia tay giáo sư Joelle Nguyễn Duy Tân, chúng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh bà giáo dáng người nhỏ nhắn nhưng giọng nói hào sảng đầy tâm huyết và nặng nghĩa tình. Chúc cho bà luôn khỏe để mỗi năm vẫn đi về Việt Nam vài bận, vẫn nhận hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh Việt Nam, vẫn giúp đỡ hàng ngày cho các bạn sinh viên mới và làm cầu nối thúc đẩy sự nghiệp hợp tác giáo dục Pháp - Việt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên