Chủ tịch Quảng Nam quyết định chấm dứt đầu tư Dự án thủy điện Đăk Di 4

VOV.VN -Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vừa quyết định chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án thủy điện Đăk Di 4 do Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Di 4 làm chủ đầu tư

Đây là việc làm đúng luật, bởi chủ đầu tư đã chậm thực hiện các thủ tục cần thiết. Trong số 42 dự án thủy điện đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua, chỉ có thủy điện Đăk Di 4 lập “kỷ lục” về thời gian nghiên cứu đầu tư.

Việc chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án thủy điện Đắk Di 4 cũng là cách làm minh bạch về môi trường đầu tư, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng đối với các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương này.

Đại diện chủ đầu tư dự án TĐ Đăk Di 4 cho biết sẽ khởi kiện UBND tỉnh Quảng Nam ra tòa.

Năm 2003, dự án thủy điện Đăk Di 4 được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Công ty Cổ phần Cung ứng đầu tư và xây lắp, sau này là Công ty Cổ phần SIC và Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Di 4 nghiên cứu đầu tư tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.

Năm 2008, theo đề xuất của nhà đầu tư, UBND tỉnh thống nhất cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu phải khởi công công trình trong quý IV năm 2009 nhưng doanh nghiệp không thực hiện.

Năm 2014, sau khi rà soát, Bộ Công thương thông báo thủy điện Đăk Di 4 nằm trong danh sách các dự án thủy điện phải tạm dừng. Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ cho phép Công ty Cổ phần SIC được phép triển khai dự án trong năm 2015 và được Bộ này thống nhất.

Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho chuyển đổi chủ đầu tư từ Công ty Cổ phần SIC sang Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Di 4 và tiếp tục cho gia hạn thời gian thực hiện dự án, với yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết tiến độ, ký quỹ bảo đảm thực hiện nhưng doanh nghiệp này đã vi phạm cam kết.

Xét thấy doanh nghiệp không đủ năng lực, ngày 17/3/2017, UBND tỉnh Quảng Nam ra văn bản chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến dự án thủy điện Đăk Di 4, chấm dứt nghiên cứu đầu tư và thu hồi dự án này.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, dự án thủy điện Đăk Di 4 chưa có quyết định chủ trương đầu tư, chưa được giao đất theo quy định, chưa lập dự án đầu tư xây dựng, chưa có hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục của công trình nên chưa đảm bảo các điều kiện về khởi công xây dựng công trình. Trong lúc đó, chủ đầu tư đã xây dựng một số hạng mục như: mở đường, xây dựng công trình tạm… Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam khẳng định, nhà đầu tư đã vi phạm Luật Xây dựng và Luật Đất đai, khi dự án chưa có chủ trương đầu tư thì không thể nào thực hiện các bước tiếp theo được.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó phòng Hạ tầng, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết:  “Về công trình làm trên đó mà nói là công trình tạm thì muốn làm cũng không được. Bởi vì đã có thu hồi đất hay chưa? Có thỏa thuận địa điểm hay chưa? Có chủ trương đầu tư hay chưa? Có phê duyệt tất cả các điều kiện liên quan hay chưa và đặc biệt là thu hồi đất? Chưa có thu hồi đất thì các anh cũng không thể đầu tư xây dựng trên này, mặc dù đó là công trình tạm. Không phải công trình tạm là chúng ta ưng làm cái gì chúng ta làm mà phải có báo cáo với cơ quan quản lý về xây dựng tỉnh hay địa phương, tùy theo tính chất của dự án”.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, năng lực tài chính của nhà đầu tư rất hạn chế. Với mức đầu tư của dự án là 614 tỷ đồng và mức đầu tư hạng mục lưới đấu nối các nhà máy thủy điện khu vực Nam Trà My khoảng 200 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 814 tỷ đồng, nhưng tại thời điểm báo cáo, nhà đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu chứng minh vốn tự có để thực hiện dự án. Do nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết, chưa có giấy chứng nhận đầu tư, phương án thu hồi đất, thỏa thuận địa điểm đầu tư, hạn chế năng lực tài chính nên UBND tỉnh Quảng Nam thông báo chấm dứt nghiên cứu đầu tư đối với thủy điện Đăk Di 4 là đúng quy định.

Ngay sau khi tỉnh thông báo chấm dứt nghiên cứu đầu tư và thu hồi dự án, doanh nghiệp đã có đơn “kêu cứu” gửi UBND tỉnh, các bộ ngành Trung ương và Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên VOV về “số phận” của dự án thủy điện Đăk Di 4 tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này, tỉnh hoàn toàn chưa thu hồi một m2 đất nào để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án này. Vậy thì căn cứ vào đâu mà doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án? 2 nhà công vụ mà doanh nghiệp xây dựng tại khu vực dự án là trái phép. Con đường mà doanh nghiệp mở vào vùng dự án cũng trái phép.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp với chủ đầu tư Dự án thủy điện Đăk Di 4.

Ông Đinh Văn Thu nói chắc nịch, nếu doanh nghiệp kiện ra Tòa thì UBND tỉnh sẽ sẵn sàng hầu tòa: “Xâm phạm quyền lợi của anh cái gì thì anh cứ kiện ra tòa. Mà ra tòa thì hỏi ông có quyền gì trong thủy điện này mà ông kiện? Không có quyền chi hết! Chủ trương đầu tư chưa có, quyết định công nhận chủ đầu tư chưa có, đất đai chưa có, tự nhiên làm trái phép 2 cái nhà như vậy mà nói là đi kiện thì kiện cái chi. Tỉnh này có 42 thủy điện vừa và nhỏ, đây là thủy điện đầu tiên có công suất 19 MW, trong khi thủy điện A Vương 200 MW trong vòng 15 năm họ làm xong hết duy nhất chỉ có mình thủy điện này còn lại đây. Còn thiệt thòi quyền lợi cái gì thì doanh nghiệp không nói được. Hình như mấy mươi tỷ đầu tư vô đó rồi, hỏi đem hóa đơn chứng từ đến đây để nhà đầu tư tiếp theo họ trả lại thì cũng không chứng minh được đồng bạc nào đầu tư chính đáng vào trong này mà có giấy tờ hết.”

Hiện, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Công thương lập bộ tiêu chí để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tiếp tục triển khai đầu tư dự án thủy điện Đăk Di 4. Trường hợp Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Di 4 đáp ứng được các yêu cầu trong bộ tiêu chí, muốn tiếp tục đầu tư dự án thì vẫn được tham gia đấu thầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề nghị không xây dựng thêm thủy điện trên dòng chính sông Cả
Đề nghị không xây dựng thêm thủy điện trên dòng chính sông Cả

VOV.VN -Tỉnh Nghệ An vừa lập đoàn liên ngành, kiểm tra toàn diện tác động của các nhà máy thủy điện trên địa bàn và chỉ ra những tồn tại

Đề nghị không xây dựng thêm thủy điện trên dòng chính sông Cả

Đề nghị không xây dựng thêm thủy điện trên dòng chính sông Cả

VOV.VN -Tỉnh Nghệ An vừa lập đoàn liên ngành, kiểm tra toàn diện tác động của các nhà máy thủy điện trên địa bàn và chỉ ra những tồn tại