Bão số 8 gây nhiều thiệt hại tại một số tỉnh ven biển

(VOV) - Theo thông tin ban đầu, bão số 8 đã làm tốc mái nhiều nhà cửa, điện bị cắt trên diện rộng ở 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình.

Đêm qua và rạng sáng nay (29/10), bão số 8 (bão Sơn Tinh) tiếp tục hoành hành sát bờ biển các tỉnh Nam Định, Thái Bình và thành phố Hải Phòng. Công tác ứng phó cơn bão đã và đang các địa phương khẩn trương triển khai nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. 

Người già và trẻ em ở làng chài Ba Hang, Quảng Ninh được đưa vào trong đất liền (Ảnh:Báo Quảng Ninh)


Theo thông tin ban đầu, bão số 8 đã gây tốc mái nhiều nhà cửa, cây cối ngã đổ ngổn ngang, điện lưới bị cắt trên diện rộng ở 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình, hàng nghìn người dân đã phải sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn.

Trực tiếp chỉ đạo chống bão ở huyện ven biển Giao Thủy, ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cho biết, đây là cơn bão mạnh nhất từ năm 2005 đến nay ảnh hưởng đến các địa phương ven biển của tỉnh. Mặc dù bão chưa cập bờ nhưng tại các huyện có đê biển như: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng gió mạnh tới cấp 11, 12, giật cấp 13.

"Hiện trên địa bàn gió rất to, cây cối đổ nhiều, những sự cố về đê điều chưa thể nắm được. Theo các địa phương báo cáo thì chưa xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng. Công việc tiếp theo là sau khi gió ngừng, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá thiệt hại", ông Lê Xuân Thủy cho biết.

Do ảnh hưởng của bão nhiều khu vực trong thành phố và các vùng lân cận trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã bị mất điện. Các lực lượng tham gia phòng chống bão đã sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống. Người dân cũng được khuyến cáo không nên ra đường. Mưa gió và cây đổ đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng chống bão đi kiểm tra các khu vực xung yếu.

Ông Lê Văn Thăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: "Hiện Chưa thể thống kê thiệt hại bởi bão đang lớn, các tàu thuyền đã được đưa vào nơi trú tránh bão. Tuy nhiên, với sức gió lớn như thế này, ngay cả những tàu thuyền đã được neo đậu cũng có thể bị chìm và đứt dây neo".

Đêm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố Hải Phòng cũng đã huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện để cứu hộ các ngư dân trên 1 thuyền nan bị hỏng máy bị trôi dạt và tìm kiếm 6 container hàng trên tàu vận tải VISCO bị rơi xuống biển. Thượng úy Bùi Mạnh Hà, Bộ đội biên phòng thành phố Hải Phòng cho biết: "Khi cơn bão đang đổ bộ và sóng gió to như hiện nay, không thể ra khơi cứu nạn được mà chỉ thông báo cho ngư dân quan sát phát hiện. Căn cứ vào thời tiết, khi sóng giảm bớt, các phương tiện mới tiếp tục ra khơi để tìm kiếm".

Đến rạng sáng nay các lực lượng cứu hộ cứu nạn của huyện đảo Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng mới chỉ tiếp cận và vận động di dời được gần 200 người trong tổng số 1.000 nghìn người trên các thuyền nhỏ neo đậu tại âu thuyền, số còn lại bất chấp khuyến cáo và cưỡng chế của cơ quan chức năng tiếp tục tìm cách ở lại trên thuyền tại nơi neo đậu.

Ông Đào Trọng Tuệ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ lo ngại: Chúng tôi đang tìm mọi cách và mọi phương tiện và phương án để tiếp cận các tàu này để di dân vào. Ngư dân chủ yếu là từ các địa phương khác đến nên hầu hết đều không chấp hành di dời, cơ quan chức năng đã phải cưỡng chế. Công tác tuyên truyền chúng tôi đã tiến hành, nhưng họ không tự giác, tàu ở đâu là người ta ở đó nhất quyết không di dời, có những trường hợp cưỡng chế lên bờ thì đêm lại lén lút xuống thuyền"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên