Bão số 9 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên

Theo thống kê sơ bộ, bão số 9 đã làm 27 người chết, 4 người mất tích, 42 người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương nặng. Thiệt hại nặng nhất là tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum.

Tình người trong cơn bão dữ / Tan hoang khi bão đi qua / Miền Trung oằn mình trong bão số 9 / Thông tin từ Đài TNVN giúp dân thoát khỏi cô lập / Chùm ảnh: Đà Nẵng trong bão số 9 / Hàng chục vạn người sơ tán tránh cơn cuồng phong

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến lúc 20 giờ 30 tối nay (29/9), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tỉnh Kon Tum bằng mọi giá phải thông những tuyến đường quan trọng trong thời gian sớm nhất; kiên quyết ngăn chặn, không cho dân đi qua lại vùng nước chảy. Tỉnh cần tăng cường các biện pháp và thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ'' để tiếp tục phòng chống bão số 9, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ông Hà Ban, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 9, đến tối 29/9 toàn tỉnh Kon Tum có 13 người chết và 2 người bị mất tích, tập trung ở các huyện Tu Mơ Rông, Đắk Glei và Đắk Tô; trong đó riêng huyện Tu Mơ Rông có 10 người chết do bị sập nhà, bị lũ cuốn trôi và bị sạt lở núi vùi lấp. Huyện Đắk Glei đã tìm được thi thể của 4 công nhân bị núi sạt lở đè chết. Ngoài ra tại huyện Đắk Glei có 2 người là Hiệu trưởng và giáo viên trường THCS Đắk Choong đang bị mất tích. Các địa phương trong tỉnh đã di chuyển 121 hộ gia đình ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tuy nhiên do nước sông Đắk Bla lên nhanh nên hiện tại có hơn 20 người ở tổ 1, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum (phía nam sông Đắk Bla) đang ngồi trên nóc nhà kêu cứu nhưng phương tiện cứu hộ của địa phương không thể tiếp cận được vì nước sông dâng cao và chảy xiết.

Hiện tại lực lượng và phương tiện cứu hộ của Quân đoàn 3 đang trên đường hành quân về Kon Tum để trong đêm nay tổ chức cứu hộ những người đang bị nước lũ đe dọa. Cũng trong chiều nay, bất chấp nguy hiểm, 4 chiến sĩ Cảnh sát cơ động công an tỉnh Kon Tum đã vượt sông Đắk Cấm để cứu 7 người, trong đó có 2 trẻ em bị nước lũ đe dọa tính mạng. Tỉnh Kon Tum chỉ đạo các địa phương khẩn trương và kiên quyết di chuyển các làng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ven các con sông lớn trên địa bàn đến nơi ở an toàn.

Mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Những tuyến giao thông huyết mạch như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14 C và nhiều tuyến tỉnh lộ, nhiều đường giao thông từ trung tâm các huyện về xã bị ách tắc hoàn toàn do đất đá sạt lở và ngập nước. Hơn 40 cầu cống ngầm tràn bị nước lũ cuốn trôi. Bốn huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Đắk Glei, Tu Mơ Rông hoàn toàn bị cô lập. Nước lũ đã làm sập hoàn toàn 20 ngôi nhà và làm tốc mái 132 ngôi nhà khác. Nhiều trường học trong tỉnh bị hư hại nặng. Toàn tỉnh có 157 công trình và hàng chục Km kênh mương bị lũ cuốn. Hơn 1.100 ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp bị hư hại nặng. Hai nhà máy thủy điện Đắk Rơ Sa và Kon Đào (huyện Đắk Tô) ngập chìm trong nước. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính trên 100 tỷ đồng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc sơ tán dân lên đã hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người. Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương trong đêm nay tiếp tục đưa dân vùng nguy hiểm tới nơi an toàn và tìm kiếm những người mất tích. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành giao thông bố trí người cắm biển báo ở những nơi bị ngập sâu, sạt lở và nước chảy siết...

Tại cuộc họp Phó Thủ tướng Hoàng trung Hải cũng gửi lời hỏi thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới những người dân, các địa phương đang gặp nạn do bão số 9 gây ra.

Trước đó, chiều nay, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, Thủ tướng Chính phủ đã điện cho Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam thăm hỏi tình hình và động viên các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh dồn sức cho công tác đối phó với cơn bão số 9, thường xuyên giữ liên lạc với TW để phối hợp chỉ đạo một cách chủ động và có hiệu quả.

Thủ tướng cũng đã động viên các ngành, các cấp chủ động phòng chống, trước hết là bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước trước nguy cơ của cơn bão số 9 đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và làm việc với lãnh đạo và Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Tại buổi làm việc Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với bão số 9 đặc biệt công tác đảm bảo an toàn cho nhân dân khi bão số 9 đổ bộ vào triệt để sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Giám sát chặt chẽ không để dân rời khỏi nơi trú ẩn và đi lại trong lúc mưa bão, các lực lượng phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng túc trực 24/24, nhằm đối phó với những tình huống khẩn cấp bảo vệ các khu vực xung yếu như đê đập hồ thuỷ điện công trình thuỷ lợi.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, công tác chăm lo đời sống nhân dân trong thời gian bão đổ bộ vào và sau bão đảm bảo an toàn cho người và của trong bão, lương thực phải được chuẩn bị chu đáo đầy đủ cùng nhu yếu phẩm khác để phục vụ tốt đời sống nhân dân tránh bão trong 2 ngày 29 và 30/9.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp đi thị sát những điểm xung yếu trên địa bàn huyện Phú Lộc. Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão của tỉnh Thừa Thiên Huế đồng thời nhắc nhở không được chủ quan chủ động trong mọi tình huống thông tin và báo cáo kịp thời.

Các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khẩn trương ứng phó với lũ lớn

15 giờ chiều 29/9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã gửi Công điện khẩn tới Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa – Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kom Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Nội dung Công điện như sau:

Hiện nay bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền, tuy nhiên vẫn gây gió mạnh và mưa rất lớn trên địa bàn các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên. Lũ trên nhiều sông ở Trung Trung Bộ đã lên trên báo động 3 và còn tiếp tục lên, một số khu vực thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng đã bị ngập sâu.

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp đối phó với bão, lũ theo nội dung các công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ và các công điện của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tập trung vào một số công việc cấp bách sau:

1. Khẩn trương triển khai ngay các biện pháp ứng phó với lũ lớn.

2. Tiếp tục cứu hộ, cứu nạn nhân dân ở những khu vực đang bị ngập sâu; sơ tán những hộ dân sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối có nguy cơ bị ngập, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

3. Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông, cắm biển cảnh báo tại những nơi bị ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm qua suối để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngứng mọi hoạt động của các bến đò và nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.

4. Triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn các hồ chứa.

5. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ, nắm vững thông tin và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo PCLBTW và Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Đã xác định được một số danh tính những người chết tại các tỉnh, thành phố

Tại Thừa Thiên - Huế có 3 người chết là ông Nguyễn Quang Vinh (45 tuổi) và bà Kăn Vo (70 tuổi) và 1 người chưa rõ tên; tại Đà Nẵng có 3 người chết là Nguyễn Đăng Sâm (quận Cẩm Lệ), Vũ Hoàng Hà và ông Hùng (quận Sơn Trà) và 1 người mất tích là ông Văn Khánh (huyện Hoà Vang).

Tại Quảng Nam có 3 người chết là Huỳnh Văn Cơ, Bùi Thị Thuỷ và Nguyễn Văn Tám; tại Quảng Ngãi có 2 người chết là ông La Kỹ và một bé gái tại huyện Đức Phổ.

Tại Bình Định có 5 người chết và mất tích là bà Sưa, bà Sen (trú huyện Phù Mỹ bị lật ghe), Cao Sơn Hùng, Nguyễn Thành Linh (trú huyện Phù Cát bị lật ghe) và Dương Văn Bình trú tại thành phố Quy Nhơn.

Tại Kon Tum có 9 người chết hiện chưa xác định được nguyên nhân và nhân danh tính, con số bị thương đang đựơc thống kê. 

Gần 3.000 hành khách đi tàu bị kẹt tại vùng bão ở miền Trung

Trong ngày 29/9, trên tuyến đường sắt Bắc – Nam , Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phải hủy 4 chuyến tàu Thống nhất. Bên cạnh đó, tàu TN1 chạy đến Đồng Hới và tàu TN2 chạy đến Quảng Ngãi cũng phải quay lại để phục vụ hành khách đi những đoạn đường không bị ảnh hưởng bởi bão. Tùy vào tình hình thực tế của thời tiết Tổng Công ty sẽ đưa ra kế hoạch chạy tàu cho những ngày tiếp theo. Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng có công văn yêu cầu các nhà ga trên dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho hành khách đi tàu. Với những người đã mua vé đi trong những ngày bão, nếu không muốn đi nữa thì có thể đến ga trả lại vé mà không bị trừ tiền.

Quảng Nam chuẩn bị đối phó với lũ quét, sạt lở núi

Sau khi tâm bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền khu vực Quảng Nam và Quảng Ngãi, hiện tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp. Nhiều con đường, khu dân cư bị chia cắt, cô lập.

Huyện Đại Lộc nơi đầu nguồn sông Thu Bồn, Vu Gia là một trong những vùng rốn  lũ của tỉnh Quảng Nam. Trong đêm nay, cùng với việc xả lũ từ các công trình thuỷ lợi, nước lũ từ thượng nguồn đổ về mỗi lúc một cao gây nên ngập lụt trên diện rộng. Nhiều vùng trong huyện Đại Lộc bị cô lập hoàn toàn. Chính quyền và người dân huyện Đại Lộc đang đương đầu với lũ lớn.

Cùng với nhiều huyện đồng bằng, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 9. Chính quyền và người dân các huyện miền núi vừa tập trung khắc phục hậu quả bão, vừa tiếp tục chuẩn bị đối phó với lũ quét và tình trạng sạt lở núi.

Những trận mưa rất lớn, trút xuống liên tục khiến mực nước trên tất cả các sông suối đều dâng cao và chảy siết. Nước tại ngầm sông Trường huyện Bắc Trà My đã dâng cao gần 2 m làm tê liệt hoàn toàn hệ thống giao thông từ Nam Trà My đi các địa phương khác. Bão số 9 cũng đã gây ra những đợt gió mạnh làm đổ nhiều cây cối, hoa màu. Số liệu thiệt hại về người và hoa màu chưa được thống kê đầy đủ, nhưng theo quan sát, đã có hàng ngàn cây quế và nhiều loại cây ăn quả của nhân dân đã bị đổ. Tính đến 16 giờ ngày 29/9, bão số 9 tiếp tục càn quét trên địa bàn huyện Nam Trà My với lượng mưa lớn và gió mạnh vì vậy nguy cơ sạt lở núi và lũ quét rất dễ xảy ra. Đáng chú ý là trong mưa lớn, vẫn có hàng chục người dân ra sông Tranh vớt cá, vớt củi. Chính vì vậy, việc bảo vệ tính mạng cho người dân đang được đặt lên hàng đầu. Hiện 22 trường học trên địa bàn huyện Nam Trà My đã đóng cửa, lực lượng vũ trang và đoàn viên thanh niên được triệu tập để giúp nhân dân di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở và lũ quét.

Bão số 9 tàn phá nặng nề tại Quảng Ngãi

Đầu giờ chiều nay, bão số 9 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ngãi. Theo thống kê chưa đầy đủ, bão số 9 làm 2 người ở huyện Mộ Đức, Đức Phổ chết, 1 bé trai 10 tuổi ở huyện Sơn Hà mất tích, hơn 2.500 ngôi nhà bị tốc mái và đổ. Gió mạnh kèm theo mưa lớn kéo dài đã làm cho mực nước các sông Trà Khúc, Sông Vệ, Trà Bồng, Sông Thoa dâng cao, vượt báo động 3 từ 0,8 m đến hơn 1m.

Mưa lớn cũng làm sạt lở và chia cắt hoàn toàn các tuyến đường huyết mạch đi các huyện miền núi như Sơn Trà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà, quốc lộ 24 đi Kon Tum và nhất là các tuyến đường từ trung tâm huyện miền núi đi về các xã. Riêng huyện đảo Lý Sơn gió mạnh làm hơn 60% ngôi nhà dân sống trên đảo bị tốc mái. Ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi tập trung hỗ trợ ngay lương thực cho người dân, đặc biệt là huy động lương thực tại chỗ để nhân dân tạm sống qua những ngày lũ, bởi hiện lương thực dự trữ của người dân đã bị ướt hết. Chúng tôi quyết định xuất toàn bộ quỹ lương thực dự phòng của xã và của huyện để hỗ trợ cho người dân”.

Thừa Thiên Huế tiếp tục phát hiện thêm người chết vì bão

Tại Thừa Thiên - Huế đến chiều 29/9 có thêm 1 người chết, nâng tổng số người chết do bão số 9 lên 3 người (1 người ở TP Huế, 1 người ở Hương Thuỷ và 1 ở A Lưới), và 7 người bị thương. Thống kê sơ bộ toàn tỉnh có 72 nhà bị sập, 467 nhà bị tốc mái; trong đó riêng huyện Quảng Điền có 8 nhà bị sập, 180 nhà bị tốc mái; huyện Phú vang có 13 nhà bị sập, 82 nhà bị tốc mái.

Mưa lớn kết hợp với triều cường gây ngập lụt trên diện rộng. Huyện Hương Trà có 3.500 hộ dân bị ngập lụt sâu từ 0,2 đến 0,4m; các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thuỷ có hàng chục ngàn hộ bị ngập kụt. Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập nhiều đoạn, riêng đoạn qua thị trấn Lăng Cô ngập sâu 0,7m. Quốc lộ 49 đoạn qua Diên Trường, Phú Dương, Phú Thanh, Thuỷ Bằng ngập sâu từ 0,4 đến 0,7m. Đường Hồ Chí Minh bị sạt ta luy dương khoảng 1.290 m3 tại các điểm km 334+150; km 314+200; km 320+070 (đèo Pa Ke). QL 49A đHuế đi A Lưới sạt ta luy dương 1.600 m3 tại các điểm km 75+100, km 92+450, km 92+400. Nhiều tuyến đường ở thành phố Huế, nhất là khu vực nội thành gồm các tuyến đường Thánh Gióng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Xuân Ôn, Trần Quốc Toản, Lê Đại Hành... bị ngập sâu từ 0,5m đến 0,7m giao thong ách tắc, phải dùng thuyền làm phương tiện đi lại. Khu vực bờ biển xã Hải Dương (huyện Hương Trà) sạt lở sâu vào đất liền 30m, trên tổng chiều dài 500m.

Hiện có gần 900 hành khách đang kẹt lại ở các ga Lăng Cô, Cầu Hai, Huế; trong đó riêng ga Huế có 365 hành khách và ga Lăng Cô có 400 hành khách.

Hiện mức nước các con sông đang tiếp tục lên nhanh. Đến 15 giờ chiều nay, nước sông Hương tại trạm Kim Long đạt 4,25m, vượt báo động 3 là 1,25m; trên sông Bồ tại Phú Ốc là 3,78m, vượt báo động 3 là 0,78m. Có 13.961 hộ với 56.733 nhân khẩu di dời trú ẩn bão số 9 kết hợp với phòng tránh lũ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chỉ đạo Sở Công thương tiếp tục dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền phục vụ nhu cầu của nhân dân, đề phòng mưa lũ dài ngày.

Đắc Lắc có 11/15 huyện, thành phố bị thiệt hại do mưa lũ

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk, mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9, nhưng do mưa lớn trong những ngày qua, toàn tỉnh đã có hơn 1.800 ha lúa, 980 ha mía, gần 500 ha ngô bị ngập, ngã đổ; đặc biệt hơn 7.000 cây cao su ở hai huyện Krông Năng và Krông Búc bị gãy đổ. Hơn 6.700m kênh mương ở huyện Lắk bị xói lở nặng, bồi lấp. Toàn tỉnh có gần 800 nhà dân, 11 phòng học bị tốc mái, đã có ba người bị thương.

Tại huyện Chư M’Nga, 4 phòng học của trường tiểu học Lý Thường Kiệt bị tốc mái, hơn 50 ha lúa ở các xã Chư Suê, Cư M’nga, Ea H’đing, Ea M’nang, thị trấn Ea Pốc bị ngập trong nước. Đặc biệt, nước ngập tại ngã ba đi xã Ea H’đing và Ea Kpam trên tỉnh lộ 688 đã gây ách tắc giao thông, không đi lại được. Ông Ngô Xuân Biện, thành viên ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện Chư M’nga, tỉnh Đắc Lắc cho biết: “Trước mắt, huyện chỉ đạo cho các đơn vị bộ đội trực gác ở những vùng nước tràn qua đường gây khó khăn cho việc đi lại”.

Do ảnh hưởng của mưa bão, từ sáng 29/9 trên địa bàn huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk đã có mưa rất to, kèm theo gió lốc. Tính đến 3 giờ chiều 29/9, đã có 6 nhà dân bị sập hoàn toàn, trên 500 nhà khác bị tốc mái; gần 40 trường học các cấp bị tốc mái, sập tường. Học sinh các trường học đã được lệnh nghỉ học từ chiều qua nên không có thiệt hại về người. Trên 400 ha lúa hè thu và gần 100 ha mía của huyện cũng bị ngã đổ. Trên 700 ha diện tích hoa màu khác cũng bị ngập. Mưa bão cũng làm gãy đổ nhiều cây lớn, gây ách tắc nhiều tuyến đường từ huyện đi các xã. Đặc biệt, từ chiều qua 28/9, trạm biến áp 35 KV, cung cấp điện cho toàn huyện đã bị hỏng, gây mất điện trên toàn huyện. Hiện tại, trên địa bàn huyện M’Drắk vẫn có mưa rất to, gió giật cấp 10, cấp 11 nên việc khắc phục những thiệt hại do mưa bão vẫn chưa thể triển khai.

Bình Định 7 người chết và mất tích

Gió bão làm tốc mái, hư hỏng hơn 2.000 ngôi nhà, 8.300 ha lúa mùa đang làm đòng bị đổ ngã, 110 ha hồ nuôi tôm, cá bị ngập, sạt lở, 42 tàu thuyền của bà con ngư dân bị bão đánh chìm; 800 tấn lúa giống dự trữ phục vụ sản xuất đông xuân bị ướt, hư hỏng.

Hiện nay, tỉnh Bình Định tập trung khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra, chỉ đạo các địa phương khẩn trương chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho sản xuất đông - xuân 2009-2010.

Nghệ An khắc phục sạt lở, thông các tuyến đường

Đợt mưa lũ này làm hư hỏng nghiêm trọng các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã và các công trình đang thi công tại các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn... gây ách tắc giao thông. Quốc lộ 48 bị sạt lở gần 220 m chia cắt Quỳ Châu và Quế Phong, tỉnh lộ 532 ngập sâu hơn 10 m, đứt đường đầu cầu phía thị trấn Quỳ Hợp và sập cầu phía thượng lưu; thuỷ thống kênh Âu Vòm Cóc (Đô Lương) bị bùn đất bồi lấp trên 10.000 m3.

Ngay khi sự cố xảy ra, ngành giao thông vận tải Nghệ An chỉ đạo các đơn vị, địa phương hướng dẫn đảm bảo giao thông trên các tuyến đường bị ngập sâu và sạt lở, huy động mọi lực lượng nạo vét giải phóng đất đá ra khỏi nền đường để thông tuyến, mở các đường tạm khắc phục sạt lở trên các tuyến đường hư hỏng nặng.

Khắc phục xong một trong 2 sự sự cố mạch đường dây 500KV Bắc-Nam

Đến 16h 40' ngày 29/9, một trong 2 mạch đường dây 500 KV Bắc-Nam đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh cung cấp 25% sản lượng điện cho miền Bắc gặp sự cố từ tối 28/9 do ảnh hưởng của bão số 9 đã được khắc phục xong; dòng điện từ mạch đường dây này đã hòa vào lưới điện Quốc gia. Trong mưa to gió lớn, cán bộ kỹ thuật và công nhân truyền tải Điện khu vực miền Trung đang tập trung khắc phục mạch 2.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 9 với sức gió cấp 12, giật trên cấp 12 đổ bộ trực tiếp vào khu vực miền Trung đã gây sự cố 2 mạch đường dây 500 kV Bắc - Nam . Với sự cố này, khu vực miền Bắc phải hạn chế công suất ở mức 400-500 MW trong giờ cao điểm sáng và chiều ngày 29/9 cho đến khi khôi phục vận hành hoàn toàn hệ thống 500 kV liên kết.

Trên địa bàn các tỉnh miền Trung, bão số 9 đã gây sự cố nhiều đường dây 220, 110 kV (đường dây 220 kV Hòa Khánh - Huế, 220 kV Quy Nhơn - Pleiku, 110 kV Đà Nẵng - Hòa Khánh, Đà Nẵng - Liên Trì - Quận 3, Dốc Sỏi - Quảng Ngãi...) và nhiều trạm biến áp và đường dây trung và hạ thế. Do đó, đã ảnh hưởng cung cấp điện nhiều khu vực trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Phú Yên./.

Theo Trung tâm Khí tượngThuỷ văn Trung ương, hồi 19 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 30/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc, 105,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 30/9 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc, 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định đêm nay còn có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Kom Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Ở các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Định và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận – Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên