Bảo tàng trong dân về Bác Hồ

Bác Hồ đã để lại trong lòng đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hi… ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế những kỷ niệm và kỷ vật khó phai. Những kỷ vật có liên quan đến Bác Hồ trong thời gian kháng chiến, bà con luôn mang theo bên mình.

Mỗi kỷ vật là một câu chuyện xúc động

Suốt 10 năm dạy học ở trường THPT A Lưới, huyện A Lưới, thầy giáo Trần Nguyễn Khánh Phong đã sưu tầm được khá nhiều kỷ vật về Bác Hồ mà bà con đồng bào Tà Ôi, Cơ Tu trân trọng giữ gìn.

Thầy giáo Khánh Phong kể, trong suốt quá trình đi tìm hiểu, sưu tầm văn hoá của người Tà Ôi, Pa Cô, anh được nghe bà con kể rất nhiều câu chuyện và kỷ vật về Bác Hồ. Từ đó, anh nảy ra ý định sưu tầm kỷ vật về Bác để sau này có điều kiện sẽ xây dựng một phòng trưng bày nhỏ ở huyện A Lưới.

Nghĩ là làm. Trong một lần đi sưu tầm văn hoá, anh xin nghỉ trưa tại nhà ông Lê Xuân Rắc ở xã Hồng Quảng. Trong nhà ông Rắc có một bức tượng bằng đá tạc chân dung Bác rất đẹp. Do ông Rắc đi làm nương rẫy lâu ngày ở trong rừng, nên anh chưa gặp được gia chủ.

Trước kỳ nghỉ hè năm 2008, anh quay lại gặp ông Rắc. Khi biết công việc của anh Phong đang làm, ông rất phấn khởi trao lại bức tượng đó cho Phong. Ông Rắc kể, ông có được bức chân dung Bác Hồ bằng đá này là do một người bạn làm ở bưu điện A Lưới tặng lại. Năm 1971, một đoàn cán bộ quân bưu miền Bắc hành quân qua A Lưới nghỉ lại một đêm tại xã Hồng Trung. Trong đoàn có một chiến sĩ biết nghề điêu khắc và đã sử dụng đá tại A Lưới tạc một bức tượng chân dung Bác tặng đồng bào. Đồng bào rất vui. Những người làm quân bưu của A Lưới đã gìn giữ bức tượng này. Từ năm 1981 đến nay, gia đình ông Rắc đặt bức tượng ở chỗ trang trọng nhất trên bàn thờ. 

Một lần khác, anh Phong đến nhà ông Vỗ Rơi ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đắk Krông (Quảng Trị). Nghe câu chuyện Phong đi tìm kỷ vật về Bác, ông Rơi khoe: “Nhà tôi cũng có một kỷ vật về Bác Hồ đấy”. Nghe ông nói vậy, Phong rất nóng lòng muốn xem hiện vật đó. Trước khi trao kỷ vật, ông Rơi ra suối tắm rửa, rồi ăn mặc chỉnh tề. Sau đó, ông thành kính lấy từ chiếc ống nứa trên bàn thờ một bức ảnh chân dung Bác Hồ. Ông kể: “Khi Bác Hồ mất, đồng bào vô cùng thương tiếc. Huyện uỷ Hướng Hoá tặng cho đồng bào nhiều tấm ảnh Bác Hồ để thờ. Suốt mấy chục năm qua, bức ảnh này đã gắn bó với gia đình tôi. Bác là nguồn động viên vô tận với gia đình tôi. Mỗi khi bọn trẻ trễ nải chuyện học, tôi lại bảo, các con phải học hành cho tốt, để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Bác đã hy sinh cả đời mình để giải phóng cho dân tộc, cho đồng bào, giờ các con không chịu khó học là có lỗi với Bác”, ông Rơi nói.

Một lần khác, anh sưu tầm được một cuốn sách nhỏ loại bỏ túi có tên “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nội dung là toàn văn Di chúc của Bác. Xuất xứ là của ông Quỳnh Hiền ở thôn Hợp Thành, xã A Ngo. Khi Bác mất, ông được chính quyền địa phương gửi tặng cuốn sách này. Nó trở thành kỷ vật gối đầu giường, được ông gìn giữ, nâng niu từ năm 1969.

Một hũ đựng "muối của Bác Hồ" gửi cho đồng bào cũng là một kỷ vật thiêng liêng. Bác chỉ gửi muối vào, còn đồng bào mua hũ để bỏ muối vào đó. Năm 1963, trong thời kỳ kháng chiến ác liệt, Bác Hồ vẫn gửi muối vào cho đồng bào. Năm đó, gia đình ông Hồ Phờn, thôn A Vin, xã Hồng Thái cũng mua một cái hũ để đựng muối của Bác Hồ. Sau khi Bác Hồ mất, cái hũ đó được ông Hồ Phờn gìn giữ cẩn thận. Giờ gia đình ông Phờn cũng giao lại vật báu này cho anh Phong. 

Bác Hồ là vị cha chung 

Suốt những tháng năm lặn lội khắp bản làng huyện A Lưới đến nay, thầy giáo Khánh Phong đã sưu tầm được hàng chục kỷ vật về Bác Hồ. Từ bức ảnh đến cuốn sách, rồi cả những bức tượng tạc hình Bác… Ngoài ra, thầy giáo Phong cũng ghi lại được nhiều câu chuyện cảm động về Bác. Thầy giáo Phong bảo: “Nó là tài sản vô giá của tôi và cũng là tình cảm chân thành nhất mà bà con dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta”.

Thầy Khánh Phong kể: “Tình cảm của đồng bào với Bác Hồ đã được chắp mối từ hơn nửa thế kỷ rồi”. Người có công nối sợi dây tình cảm này thêm bền chặt cũng là một thầy giáo. Đó là ông Hồ Ngọc Mỹ (tức Ku Nô, tên do đồng bào đặt). Năm 1959, ở A Lưới có bản tin tiếng Tà Ôi, do thầy Ku Nô dùng bộ chữ Tà Ôi để viết khẩu hiệu, đặt bài hát, hò vè... phục vụ và tuyên truyền cách mạng trong đồng bào và cũng nhờ vậy, nhận thức về Đảng, về cách mạng, về Bác Hồ trong đồng bào được nâng cao. Khi Bác Hồ mất, nhiều nơi đã tổ chức lập bàn thờ Bác, dựng ảnh Bác... để thờ.

Việc đồng bào Tà Ôi, Pa Cô mang họ Bác Hồ cũng xuất phát từ tình cảm chân thành và lòng ngưỡng vọng của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời chống Mỹ, ở A Lưới có 2 đại biểu ưu tú của dân tộc Tà Ôi, Pa Cô là Anh hùng Hồ Vai, anh hùng Kan Lịch được ra Bắc gặp Bác Hồ, được Bác ân cần hỏi han và nhận được những lời động viên tinh thần để người Tà Ôi, Pa Cô hăng hái đánh đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến giờ, Hồ Vai và Kan Lịch vẫn sống theo lời Bác Hồ dạy, tiếp tục làm việc tốt để góp phần xây dựng quê hương.

Suốt những năm tháng đi sưu tầm kỷ vật về Bác, thầy giáo Trần Nguyễn Khánh Phong ước mơ sẽ xây dựng một bảo tàng nhỏ. Bảo tàng này sẽ dành riêng một gian để trưng bày những kỷ vật về Bác, để thế hệ trẻ người Cơ Tu, Tà Ôi ở miền Tây Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị có dịp hiểu hơn về tình cảm, và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào nơi đây, cũng như tấm lòng son sắt, thủy chung của đồng bào các dân tộc phía Đông Trường Sơn đối với Đảng, với Bác Hồ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên