Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời về quản lý xuất bản

(VOV) -Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời về vấn đề quản lý, xử lý sai phạm trong xuất bản.

Tuy không nằm trong chương trình giáo dục chính thức nhưng sách tham khảo cho học sinh lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp thêm thông tin, kiến thức cho người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên và các em nhỏ.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người dân gọi điện thoại và gửi thư tới chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời cho biết, thực trạng một số cuốn sách đã được xuất bản không đúng với mục tiêu giáo dục và thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Vậy cụ thể tình hình này như thế nào, trách nhiệm của Bộ chủ quản và các Bộ ngành liên quan đến đâu cũng như những chế tài quy định trong Luật Xuất bản 2012 đối với những sai phạm này? Đây là những vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời".

PV: Thưa Bộ trưởng, qua phản ánh của người dân, hiện nay công tác xuất bản đang có những kẽ hở như: khâu kiểm duyệt, biên tập, in ấn và phát hành, nhất là đối với sách tham khảo. Những sơ hở này có thể sẽ tạo điều kiện để đối tượng xấu nhồi nhét những nội dung không phù hợp thậm chí là sai trái vào các trang sách tham khảo. Vậy cụ thể những sai sót này là như thế nào và nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Cùng với sự phát triển của đất nước, hoạt động xuất bản cơ bản đã thực hiện đúng theo định hướng tư tưởng của Đảng ta. Tuy nhiên, trước những tác động của kinh tế thị trường, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế và trước sự thiếu rèn luyện của một số cán bộ hoạt động trong lĩnh vực xuất bản dẫn đến những sai phạm như nhân dân đã nêu.

Trong năm 2012 và quý I năm 2013, Cục xuất bản - Bộ Thông tin Truyền thông, đã xử lý sai phạm của 51 xuất bản phẩm của 27 nhà xuất bản có sai phạm. Số này tuy chiếm tỷ lệ ít, chỉ bằng 0,28% so với trên 28.000 đầu sách được xuất bản trong năm 2012, nhưng đây là những ấn phẩm rất quan trọng trong giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước.

Những sai phạm này chủ yếu là viết không đúng về thời gian, sự kiện hoặc có đánh giá về nhân vật lịch sử theo cảm tính mà chưa được kiểm chứng. Sách có những hình ảnh, nội dung phản cảm không đúng với nội dung, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Những cuốn tự truyện, hồi ký viết không mang tính khách quan chính xác, thậm chí đề cao quá vai trò cá nhân.

Có những cuốn sách có nguồn gốc nước ngoài nhưng dẫn chứng những hình ảnh minh họa không phù hợp. Nguyên nhân dẫn đến những sai phạm này xuất phát từ khâu xuất bản, in ấn, phát hành.

Luật Xuất bản hiện hành ghi rất rõ trong hoạt động liên kết chỉ được liên kết khâu in và phát hành không được liên kết khâu xuất bản, đặc biệt là khâu biên tập. Nhưng trong thời gian vừa qua có một số Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản không thực hiện đủ quy trình này, dẫn đến việc có đối tác liên kết lấn sân vai trò trách nhiệm. Hoặc sai sót trình độ hạn chế của Biên tập viên, trước những vấn đề nhạy cảm không bóc tách được.

Một vấn đề nữa là cơ quan chủ quản của nhà xuất bản cũng chưa nêu cao được trách nhiệm, gần như là khoán trắng cho các nhà xuất bản, trong khi pháp luật quy định những cơ quan chủ quản cũng phải có trách nhiệm trước những thành công, kể cả không thành công của tác phẩm.

Nguyên nhân nữa là Bộ thông tin và Truyền thông cũng có lúc chưa thể hiện được vai trò trong thanh tra, kiểm tra giám sát kịp thời dẫn đến những sai sót đáng tiếc như vừa qua trong xuất bản.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những biện pháp xử lý như thế nào với những sai phạm trong công tác xuất bản, nhất trong xuất bản sách tham khảo đang được dư luận và các bậc phụ huynh hết sức quan tâm?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Có thể nói trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông qua bộ máy quản lý Nhà nước đã phát hiện ra các sai phạm trong các ấn phẩm nói chung và sách tham khảo cho học sinh các trường phổ thông nói riêng.

Ví dụ như vừa qua có các ấn phẩm tiếng Hoa dành cho trẻ em của nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh hoặc sách phát triển trí thông minh cho trẻ em của nhà xuất bản trí thức hoặc "Bé làm quen với chữ cái" của nhà xuất bản Đại học sư phạm.

Đây là những ấn phẩm có sai phạm theo quy định của Luật xuất bản. Khi xảy ra thì Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời chỉ đạo có những biện pháp xử lý kịp thời theo đúng qui định của pháp luật.

Cụ thể là yêu cầu các nhà xuất bản phải báo cáo, giải trình về những sai phạm và đưa ra những giải pháp để khắc phục. Mặt khác, chỉ đạo thanh tra của Bộ cùng với thanh tra các Sở, ngành các địa phương để kịp thời phối hợp xử lý theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Đồng thời Bộ cũng có khuyến cáo để các cơ quan chủ quản của các nhà xuất bản có sai phạm kịp thời xem xét, xử lý, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể cũng như của cá nhân, của biên tập viên để dẫn đến những sai phạm.

Bộ Thông tin-Truyền thông cũng chỉ đạo Cục xuất bản kịp thời xem xét tất cả các ấn phẩm đang trong kế hoạch chuẩn bị xuất bản để đảm bảo cho đúng nội dung, đúng định hướng chính trị, tư tưởng; xem xét nội dung các ấn phẩm chuẩn bị xuất bản có nguồn gốc từ nước ngoài để đảm bảo đúng thuần phong mỹ tục, đảm bảo phù hợp với quy định của chúng ta.

Chúng tôi cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, các Sở Thông tin-Truyền thông cùng với Bộ để chỉ đạo các nhà xuất bản thu hồi những ấn phẩm sai trái và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để ngăn chặn tất cả những sai phạm đó nhất là những sai phạm trong xuất bản những sách tham khảo dành cho học sinh trong các trường phổ thông.

PV: Trong công tác quản lý xuất bản, cụ thể là với sách tham khảo thì trách nhiệm thuộc vê Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên để tránh những vi phạm, sai sót đáng tiếc, nhiều người dân cho rằng cần phân định rõ trách nhiệm của từng Bộ. Vậy trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông là gì thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Năm 1999, Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết phối hợp thực hiện Thông tư liên tịch số 35 về quy định việc xuất bản và phát hành sách tham khảo cho học sinh.

Thông tư này quy định rất rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chỉ đạo về nội dung, thẩm định và hướng dẫn sách tham khảo bổ trợ cho sách giáo khoa. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa Thông tin trước đây và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông phải thực thi nhiệm vụ Nhà nước trong hoạt động xuất bản sách tham khảo cho học sinh các trường phổ thông.

Trong thời gian vừa qua, hai Bộ có sự phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên những chế tài của Thông tư 35 cần có sự thay đổi trước phát triển chung của đất nước.

Thời gian tới ngoài việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau để quản lý nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản nói chung trong đó có hoạt động xuất bản sách tham khảo, chúng tôi sẽ xem xét bổ sung những yêu cầu mới theo hướng thay đổi Thông tư số 35 bằng một thông tư mới. Như vậy, trách nhiệm thẩm định nội dung, chỉ đạo định hướng về khai thác sử dụng tác phẩm in ấn nhất là sách tham khảo thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn chỉ đạo về việc in ấn, xuất bản, phát hành những ấn phẩm đó thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông

PV: Hiện nay, dư luận rất quan tâm tới việc thực thi Luật xuất bản 2012 vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ tháng 7 tới. Bộ trưởng có thể cho biết Luật xuất bản 2012 có điểm mới nào nhằm quản lý chặt chẽ hơn công tác xuất bản, hạn chế tối đa những sai sót đáng tiếc có thể xảy ra?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Trong Luật Xuất bản 2012 xác định rõ, Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản. Chính vì vậy vai trò trách nhiệm của nhà xuất bản hay của Giám đốc, Tổng biên tập rất quan trọng trong việc quyết định cho ra đời một tác phẩm.

Một số điểm mới so với Luật cũ là quy định rất rõ tiêu chuẩn, quyền hạn, trách  nhiệm của Giám đốc, Tổng biên tập cũng như biên tập viên các Nhà xuất bản. 

Quy định cấp chứng chỉ, thu hồi chứng chỉ đối với biên tập viên để nâng cao vai trò trách nhiệm của biên tập viên trong thực thi hoạt động xuất bản.

Điểm mới thứ 2, trong hoạt động liên kết, nội dung liên kết, hình thức liên kết và trách nhiệm của các bên liên kết đối với các hoạt động in xuất bản, phát hành. Đặc biệt là trách nhiệm pháp lý trước pháp luật rất rõ ràng khi để xảy ra những sai phạm trong hoạt động xuất bản.

Trong luật mới đưa ra những quy định về in, đặt in nhận in những xuất bản phẩm, quy định về đăng ký, hoạt động phát hành. Các công ty phát hành phải đăng ký với các cấp chính quyền theo quy định.

Một hoạt động nữa là các xuất bản phẩm đều phải đăng ký mã số theo quy định của quốc tế và mã số Việt Nam đối với từng ấn phẩm. Ngoài việc nâng cao hình thức phạt hành chính, bổ sung thêm hình phạt ngừng hoạt động, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với tổ chức, cá nhân khi có sai phạm trong hoạt động xuất bản.

Khi phát hiện ra hoạt động in lậu, in nối bản không đúng quy định của pháp luật nếu ở mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Với những nội dung mới này, chúng tôi tin tưởng sẽ góp phần làm cho hoạt động xuất bản đi vào nề nếp hơn. Trong thời gian này Bộ thông tin Truyền thông đang cùng các Bộ ngành liên quan tích cực chuẩn bị các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các Nghị định cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật xuất bản có hiệu lực từ 1/7/2013./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên