Bọ xít hút máu người lại xuất hiện ở Hà Nội

VOV.VN -Loài này có xu hướng sống gần con người, thời gian hút máu chủ yếu từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng.

Theo phản ánh của một số hộ dân trên địa bàn Hà Nội, thời gian gần đây, trong nhà của họ lại xuất hiện những cá thể bọ xít hút máu người, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Đoan, ở ngõ 354, đường Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, trong hai ngày qua (27 và 28/5), chị liên tục phát hiện trên người mình có vết đốt bị sưng phồng rất to, đau và ngứa rát. Khi lật giường ngủ lên chị tìm thấy khoảng 4 đến 5 cá thể bọ xít. Khi đập nó ra thấy nhiều máu. Không chỉ nhà chị Nguyễn Thị Đoan, một số hộ dân gần đó cũng phát hiện loài bọ xít này trong nhà.

Vết đốt của bọ xít trên người chị Nguyễn Thị Đoan

“Theo tìm hiểu, tôi thấy đây chính là loại bọ xít hút máu người, đặc biệt là trong gia đình tôi đang có cháu nhỏ nên tôi thấy rất lo lắng. Nhưng hiện tại chưa có thuốc gì phun trừ được con vật này” – chị Đoan nói.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, thời điểm cuối tháng 5 đến tháng 8, bọ xít hút máu bắt đầu sinh sản nhiều. Loại côn trùng này thuộc họ bọ xít ăn sâu, có màu nâu, cơ thể to và dẹt, có vòi cong, có cánh nhưng chủ yếu chúng di chuyển bằng cách bò.

Tuy nhiên, khác với những con khác trong họ, chúng không có mùi hôi và sống bằng máu người hoặc gia súc. Loài này có xu hướng sống gần con người, thời gian hút máu chủ yếu từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Đặc biệt, thời tiết khô và nắng nóng như hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi cho bọ xít hút máu sinh sản nhanh và nhiều hơn. Để có thức ăn, thông thường chúng phát tán vào nhà, trong các khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là trong phòng ngủ. Ban ngày chúng lẩn trốn, ban đêm ra hút máu người hay gia súc.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Xuân Lam, hiện vẫn chưa có loại thuốc nào thử nghiệm thật sự thành công để diệt trừ loại côn trùng này, mà ờ vẫn sử dụng các phương pháp thủ công để bắt vì các loại thuốc khi sử dụng trong nhà đều có độc tố.

Bọ xít được tìm thấy tại nhà chị Nguyễn Thị Đoan

Theo các nghiên cứu trên thế giới, loại bọ xít hút máu người này là loại trung gian truyền ký sinh trùng Trypanosoma cruzi, gây bệnh Chaga. Bệnh thường có triệu chứng sau một đến ba tháng, biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và ngủ vặt nhiều. Ở một số quốc gia ở Bắc và Nam Mỹ đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh ngủ Chaga do bị bọ xít hút máu người đốt.  

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Châu, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, loại bọ xít hút máu này ở Việt Nam không có khả năng truyền bệnh. Nó chỉ gây bệnh khi hút máu ở nguồn mang bệnh. Đến thời điểm này, nước ta chưa ghi nhận một trường hợp nào mắc bệnh Chaga.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Châu cho biết: “Từ trước đến nay, theo các nghiên cứu của y học Việt Nam cũng như thế giới, Việt Nam chưa có ký sinh trùng đường máu truyền bệnh Chaga như ở Nam Mỹ và Bắc Mỹ, mà chỉ gây tác hại như  sưng tại chỗ, có trường hợp sưng cả tuần, hoặc phát nóng phát rét. Muốn xử lý phải dùng các chất có nhóm kiềm như nước vôi hoặc thuốc đánh răng bôi vào vết đốt, hoặc ra hiệu thuốc mua thuốc chống côn trùng promitazin để bôi. Tuyệt đối không được gãi, nhất là trẻ con, nếu gãi sẽ bị xước dẫn đến bội nhiễm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên