Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả của thiên tai

Mưa lớn trong hai ngày qua gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại thành phố HCM, tối 21/9, triều cường dâng cao 1,4 mét tiếp tục gây ngập nhiều tuyến đường.

Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả.

Tại tỉnh Bắc Cạn, mưa lớn làm nhiều tuyến giao thông bị ách tắc, Trường trung học cơ sở Bắc Kạn bị ngập sâu trong nước 1,5m; học sinh phải tạm nghỉ học. Huyện Chợ Đồn và thị xã Bắc Kạn bị thiệt hại nặng nề nhất. Tuyến đường 257 và 254 B khối lượng đất đá sạt lở là 1.500 mét khối và trôi 1 cầu treo ở thôn Pác Là xã Yên Nhuận, huyện Chợ đồn, 90 héc ta lúa bị vùi lấp, ước thiệt hại cả 2 khu vực này là khoảng 1,5 tỷ đồng. Có 4 trường học hôm qua bị ngập trong nước trong đó có 2 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông bị nặng nhất. Hiện nay các cơ quan chức năng huy động nhân lực giúp 4 trường học khắc phục những hậu quả mưa lũ như là quét dọn bùn đất, lau dọn bàn ghế để các em học sinh có thể vào học trong 2 ngày tới. Ngoài ra, tuyến đường 257 và 254 B bị đất đá vùi lấp nhiều đoạn, đến nay cơ quan chức năng đã tiến hành khắc phục kịp thời và thông tuyến. Ngành y tế phun thuốc khử trùng để tránh các dịch bệnh có thể xảy ra ở trong vùng bị lũ. Ở xã Yên Nhuận, huyện Chợ Đồn cơ quan chức năng đang giúp bà con khắc phục những diện tích lúa bị hư hại. Giá các loại thực phẩm như thịt, cá, các loại rau trong vùng bị lũ cũng có nhích lên tuy nhiên không đáng kể. Tình hình bà con trong vùng bị lũ đến nay đã ổn định.

Còn tại Thái Nguyên, mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa đo được ở các địa phương trung bình từ 55 đến 80 mm. Nhiều tuyến đường ở thành phố Thái Nguyên bị ngập sâu trong nước. Mưa lớn cũng ảnh hưởng đến các trà lúa mùa đang chuẩn bị cho thu hoạch ở các huyện Phú Lương, Đại Từ, thành phố Thái Nguyên... Các địa phương đang khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả.

Tình hình thời tiết còn nhiều diễn biến bất thường. Theo ông Lê  Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng mưa lớn cục bộ có thể xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, lở núi. Từ nay đến cuối năm, mưa lũ sẽ tập trung ở Bắc Trung bộ và miền Trung - Tây Nguyên. Ông Lê Thanh Hải cho biết: “Các tỉnh Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ mùa mưa chính thức bắt đầu từ tháng 9 này, cao điểm của mùa mưa sẽ vào tháng 10, tháng 11, dễ xảy ra nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, chính quyền và người dân phải hết sức đề phòng”.

TPHCM đối phó với triều cường

Tại thành phố Hồ Chí Minh, tối qua (21/9), triều cường dâng cao 1,4 mét tiếp tục gây ngập nhiều tuyến đường. Theo Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, từ nay đến cuối năm là mùa cao điểm của triều cường. Cứ mỗi tháng xuất hiện hai đợt triều cường vào giữa và cuối tháng âm lịch, và đều ở mức cao hơn các tháng trước trong năm. Theo bà Nguyễn Lê Hạnh, Phó phòng Dự báo khí tượng thuỷ văn, Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho biết, ảnh hưởng của triều cường bao giờ cũng là những vùng trũng dọc 2 bên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, tức là thuộc các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, những xã ven sông. Nhưng cụ thể như thế nào thì lại phụ thuộc vào hệ thống công trình cống, hệ thống đê bao ở trong thành phố nữa. Nếu mà các hệ thống đó hoạt động bình thường và không có sự cố gì xảy ra thì tôi nghĩ cũng ở mức như thời gian vưa qua thôi, còn có thể lường trước được trong thời kỳ triều cường. Chỉ sợ là trong trường hợp đặc biệt xảy ra như đê bao sạt lở thì ngoài những điểm ngập từ xưa đến nay thì có thêm rất nhiều điểm ngập khác nữa.

Đối phó với triều cường không khó bởi vì triều cường có quy luật rồi, nó sẽ chỉ cao hơn, hoặc thấp hơn khoảng 20, 30 cm, còn thời gian xảy ra gần như những tháng trước rồi. Người dân chỉ cần theo dõi sát các bản tin triều hàng ngày, sẽ cập nhật được thông tin chi tiết hơn, cụ thể hơn thì lúc đó sẽ có những biện pháp phòng tránh tốt hơn. Ngành chức năng, Uỷ ban nhân dân các cấp nắm vững các công trình, điều kiện địa hình của địa phương của mình thì sẽ có những quyết định hợp lý hơn và hiệu quả hơn đối với người dân, cụ thể đến từng địa phương, từng xã, từng ấp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên