Các tỉnh Bắc Trung bộ phòng chống lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn

Một áp thấp nhiệt đới ở phía đông đảo Luzong, Philippines di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, đi vào biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão.

Mấy ngày qua, có một vùng áp thấp nhiệt đới gần bờ khoảng 200km gây mưa to đến rất to ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Các tỉnh ở Bắc Trung bộ đang khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ và chuẩn bị phương án ứng phó.

Dự báo, một hai ngày tới, ở khu vực Bắc Trung bộ tiếp tục có mưa vừa đến mưa to. Ông Trần Thế Kiêm, Phó trưởng phòng Dự báo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, tình hình mưa lớn ở khu vực này còn tiếp tục kéo dài ít nhất một đến 2 ngày nữa, cường độ mưa có giảm nhưng vẫn ở diện mưa rất to. Mực nước các sông suối có thể lên cao. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cảnh báo các tỉnh miền núi đề phòng lũ quét, đề phòng lũ lớn, đề phòng ngập úng ở các vùng trũng, ở cửa sông từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình.

Hiện, một áp thấp nhiệt đới ở phía đông đảo Luzong, Philippines di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, đi vào biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão. Tàu thuyền không nên hoạt động và nên dời khỏi khu vực phía Đông biển Đông để đề phòng rủi ro.

** Tại Hà Tĩnh, mưa lớn kèm theo giông sét, tố lốc làm gần 80 ngôi nhà ở các huyện Đức Thọ, Hương Khê, Cẩm Xuyên bị tốc mái, xiêu vẹo và hư hỏng nặng; hàng trăm hécta hoa màu và cây vụ đông, cây ăn quả ở các địa phương bị ngập úng, ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Trong đó, tại huyện Kỳ Anh mưa lớn cuốn trôi 1 người, đến nay vẫn chưa tìm được thi thể.

Ông Bùi Lê Bắc, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chính quyền địa phương chỉ đạo khắc phục bước đầu, để ổn định đời sống của nhân dân. Tỉnh chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án cấp báo động, đặc biệt là các huyện miền núi như Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh đề phòng lũ quét. Trước diễn biến thời tiết phức tạp, chúng tôi đang triển khai lực lượng thường trực nắm bắt tình hình, đôn đốc dân cư vùng lũ quét sơ tán đến nơi an toàn.

** Ba ngày qua, tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình có mưa to, khiến mực nước các sông dâng cao. Trên 3.000 nhà dân ở 9 xã là Văn Hóa, Châu Hóa, Tiến Hóa, Đức Hóa Mai Hóa, Phong Hóa, Đồng Hóa, Thạch Hóa, Thuận Hóa huyện Tuyên Hóa bị ngập sâu trong nước. Nước lũ đã cuốn trôi ông Trương Văn Hiền, 53 tuổi trú ở bản Trầm, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa khi có việc đi qua suối. Đến 11 giờ trưa qua (24/9) mới tìm thấy thi thể. Các cấp, các ngành tỉnh Quảng Bình huy động lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ, chủ động đối phó với các đợt lũ tiếp theo.

** Còn ở Thanh Hóa, 2 ngày qua có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được ở huyện Thạch Thành là 44mm, Tĩnh Gia là 125mm, huyện Nông Cống 90mm. Tỉnh Thanh Hóa chủ động triển khai phương án đối phó với lũ ống, lũ quét ở các huyện miền núi; vận động nhân dân thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa tránh ngập úng. Ông Đỗ Lương Lộc, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hoá khẳng định tỉnh ban hành công điện gửi cho 11 huyện miền núi chuẩn bị phương án phòng chống lũ quét, sẵn sàng các phương án khi tình huống xấu xảy ra. Các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh xuống địa bàn được phân công cùng với địa phương chỉ đạo các huyện tiếp tục diện tích gặt lúa còn lại với phương châm xanh nhà còn hơn già đồng.

Miền Trung - lũ các sông dâng trên báo động 3

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, từ Quảng Bình đến Quảng Trị đã có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa từ 19 giờ ngày 23/9 đến 19 giờ ngày 24/9 phổ biến từ 120mm đến 170mm, một số nơi mưa trên 180mm, lũ ở các sông trên khu vực dâng lên xấp xỉ mức báo động 3.

Những nơi có lượng mưa trên 180mm là: Tuyên Hóa 330mm, Ba Đồn (Quảng Bình) 296mm, Gia Voong 187mm, Hiền Lương 236mm, Tân Lâm 194mm, Cửa Việt (Quảng Trị) 233mm. Do mưa lớn nên hầu hết các sông ở Quảng Bình nước đang lên, các sông ở Quảng Trị đang dao động ở mức cao. Mực nước lúc 4 giờ ngày 25/9 trên sông Gianh tại Mai Hóa 7,05m, trên báo động 3 là 1,05m; tại Đồng Tâm 14,38m, dưới báo động 3 là 1,62m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 1,95m dưới báo động 2 là 0,25m...

Tính đến sáng 25/9, tỉnh Quảng Ngãi còn có 896 tàu và 8.112 lao động; Quảng Nam còn 90 tàu và 1.557 lao động đang hoạt động trên biển.

Trung tâm Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn khu vực miền Trung - Tây Nguyên chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bộ đội biên phòng và các huyện vùng ven biển tiếp tục liên lạc, thông báo thường xuyên và liên tục đến các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi trú ẩn. Các đơn vị chức năng tổ chức cảnh giới, không để người dân đi lại ở những vùng ngập sâu, nước chảy xiết; cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cho người dân ven sông, miền núi. Tổ chức trực ban 24/24 giờ để có phương án xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên