Các tỉnh miền Trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão số 9

Chủ động đối phó với bão số 9, các tỉnh miền Trung đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn; Mưa lớn làm nhiều người chết ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh...

Đến 16 h ngày 26/9, toàn tỉnh Phú Yên còn 193 phương tiện với 1.500 lao động đang hoạt động tại vùng biển Khánh Hoà, Ninh Thuận. Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên tổ chức 2 điểm bắn pháo hiệu báo bão, thường xuyên giữ liên lạc để hướng dẫn tàu thuyền vào bờ trú tránh an toàn. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các cửa sông, cửa biển , khu neo trú không cho tàu tuyền ra khơi. Ông Đỗ Hùng Thái, Trực ban Tác chiến- Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết, Bộ đội biên phòng triển khai 130 chiến sỹ và hải đội các trạm biên phòng khi đã vào rồi thì sẽ không được ra nữa, hướng dẫn tất cả bà con ngư dân sắp xếp phương tiện vào nơi trú ẩn an toàn nhất.

Cũng trong chiều nay Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi họp triển khai lực lượng chuẩn bị đối phó với bão số 9. Các đơn vị tổ chức kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển chủ động tìm đường tránh bão. Đến 16 giờ hôm nay, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn 794 phương tiện với hơn 7.400 lao động đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và các tỉnh phía Nam. Bộ đội Biên phòng tiếp tục liên lạc hướng dẫn tàu thuyền  về nơi neo đậu, bố trí sắp xếp các tàu thuyền vào bờ tìm nơi trú tránh, không để va đập, hư hỏng khi bão vào.

Cùng với việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị đang triển khai công tác đối phó với bão số 9. Đến nay, Quảng Trị mới có 15 tàu thuyền đánh bắt trên biển đã vào bờ, hiện còn  30 tàu với hơn 200 lao động đang  đánh bắt quanh khu vực huyện đảo Cồn Cỏ, 10 tàu đang hoạt động tại các tỉnh phía Nam. Bộ đôi Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị tiếp tục liên lạc hướng dẫn tàu thuyền vào bờ trú tránh.(PV)

* Mưa lớn ở Thanh Hóa làm 9 người chết, mất tích

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, mưa lớn trên địa bàn tỉnh kéo dài từ ngày 24/9 đến nay đã làm xuất hiện một đợt lũ lớn trên các sông, gây nhiều thiệt hại về người và của.

Lượng mưa đo được đến trưa 26/9 tại nhiều nơi ở Thanh Hóa phổ biến ở khoảng 150-200mm. Đặc biệt, đêm 25/9, một số nơi có mưa lớn như Như Xuân 350mm, Cửa Đạt 311mm, Nông Cống, 285mm...

Trên các sông, một đợt lũ đã xuất hiện, mực nước lớn nhất trên sông Chu tại Bái Thượng trên báo động II là 0,63m, trên sông Yên Chuối xấp xỉ báo động II.

Tính đến 17 giờ ngày 26/9, toàn tỉnh Thanh Hóa có 6 người chết, 3 người mất tích, 2 người bị thương nặng vì mưa lũ.

Khoảng 5.500 hộ bị ngập, trong đó có hơn 3.090 hộ bị ngập nặng; 1.700ha lúa mùa và 6.650ha cây vụ đông, gần 3.100ha rau màu cũng đang bị lũ nhấn chìm; gần 3.000 con gia súc gia cầm bị cuốn trôi.

Ngoài ra còn khoảng 62.000m3 đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập nặng, gây ách tắc giao thông.

Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, các ngành sớm khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với cơn bão số 9. Lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết đã và đang được chuyển đến các hộ dân bị ngập lụt với tinh thần không để dân bị đói.

Trước mắt các huyện đã hỗ trợ 3 triệu đồng/người cho gia đình có người chết.

Để hạn chế thiệt hại cho cây trồng, tỉnh cũng yêu cầu các huyện khẩn trương thu hoạch lúa và các loại cây màu vụ thu đã đến kỳ thu hoạch; tập trung tiêu úng cho các diện tích cây trồng vụ đông đang bị úng, ngập; chuẩn bị giống cũng như phân bón để gieo trồng lại trên các diện tích cây vụ đông bị hư hại.

Tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 880 tấn lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết để cấp phát kịp thời cho nhân dân vùng bị ngập lụt, mất tài sản; 15 cơ số thuốc và hóa chất, thiết bị phục vụ phòng chống dịch bệnh, xử lý nước uống và vệ sinh môi trường vùng ngập lụt…

* Nghệ An, Hà Tĩnh: Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt 

Sáng sớm nay (26/9), tại Nghệ An xảy ra lũ quét tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu làm sụt núi và cuốn trôi 2 nhà dân trong khe núi nhưng không thiệt hại về người.

Đến nay quốc lộ 48 còn ngập sâu 80 cm và nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị chia cắt, nên lực lượng chức năng chưa xác định thiệt hại cụ thể. Hiện mực nước các sông trong tỉnh còn cao. Chính quyền và ngành chức năng tập trung khắc phục hậu quả. Ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết ngành Y tế tỉnh đã cấp cứu kịp thời nhiều vụ tai nạn do lũ lụt tại huyện Thanh Chương và một số trường hợp bị đắm thuyền tại Cửa Lò. Ngành Y tế tỉnh cử anh em y tế ở huyện Quỳ Châu xuống chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh cho nhân dân, đưa đầy đủ cơ số thuốc, hoá chất xuống tập kết ở đó để khi nước rút đến đâu thì chỉ đạo vệ sinh môi trường tẩy rửa, phun thuốc phòng sốt rét. Hiện nay đang chuẩn bị mùa dịch sốt xuất huyết, ngành chỉ đạo để phun hoá chất diệt muỗi.

Về vụ 5 tàu đánh bắt cá xa bờ bị đắm và một người bị mất tích ở vùng biển Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Từ chiều qua đến sáng nay (26/9)  đã trục vớt được 4 tàu, hiện 2 tàu công suất 90 mã lực tiếp cận được một tàu ở ngoài khơi, nhưng do công suất nhỏ không trục với được. Trưa nay Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Diễn Châu điều động tàu NA 92543, công suất lớn 340 mã lực ra trục vớt.

Đến 14h30 chiều nay, tàu cứu hộ tiếp cận được tàu bị đắm NA- 2231 cách bờ biển xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu khoảng 2 km và đang tiến hành các biện pháp trục vớt. Tàu NA- 2231, công suất 90 mã lực trên đường chạy bão về thì bị chết máy. Trên tàu có 4 người, 3 người kịp thoát khỏi tàu và được cứu sống, còn anh Trần Văn Hiền đã chết. Trưa nay, lãnh đạo huyện Diễn Châu đến thăm, động viên và hỗ trợ gia đình bị nạn 4 triệu đồng.

Tại  Hà Tĩnh, mưa lũ cũng đã làm 3 người chết,  7 xã của huỵên Vũ Quang là Đức Liên, Đức Bồng, Đức Hương, Đức Lĩnh, Đức Giang, Hương Thọ, Hương Bích bị ngập sâu trong nước và cô lập hoàn toàn. Toàn bộ trường học ở huyện Vũ Quang đã tạm thời cho học sinh nghỉ học. Trước mắt, UBND huyện Vũ Quang chỉ đạo các xã phải sơ tán những hộ dân dọc sông Ngàn Sâu và những nơi có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất.

Tại huyện Hương Khê từ tối qua cho đến chiều nay, lượng mưa đo được trên 400mm; đỉnh lũ đo được tại Chu Lệ là 12 m.  Huyện Hương Khê có 3 người chết do lũ cuốn trôi. Hiện 5 xã bị nước lũ chia cắt, với khoảng 600 hộ bị ngập trong nước gần 1 m. Diện tích lúa và hoa màu của nông dân đang mùa thu hoạch và gieo vụ thu đông bị ngập úng, nhiều đoạn đường, cầu cống, nước lũ đã tràn qua gây khó khăn cho người và các phương tiện../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên