Cấm xe để sửa chữa cầu Thăng Long, phương tiện đi theo lộ trình nào?

VOV.VN -Từ ngày 6/8 sẽ cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long để phục vụ thi công “đại tu” mặt cầu.

Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội vừa trình UBND thành phố Hà Nội phương án phân luồng, tổ chức giao thông phục vụ thi công Dự án sửa chữa cầu Thăng Long.

Từ ngày 6/8 sẽ cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long để phục vụ thi công “đại tu” mặt cầu. Ảnh Báo Lao động.

Theo đó, từ ngày 6/8, trong quá trình sửa chữa, cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông tại tầng 2 cầu Thăng Long. Tại tầng 1, tàu hỏa được phép lưu thông với tốc độ dưới 5km/h, các phương tiện như mô tô, xe máy, xe thô sơ lưu thông bình thường.

Từ hôm nay (15/7), các đơn vị bắt đầu lắp đặt hệ thống biển báo phân luồng giao thông và hoàn thành trước ngày 25/7. Từ ngày 25/7 đến ngày 5/8 sẽ tổ chức phân luồng tạm thời để theo dõi. Từ ngày 6/8 cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long để phục vụ thi công.

Về phương án phân luồng, xe tải từ 1,25 tấn, xe khách từ 16 chỗ đi từ các tỉnh phía Bắc có nhu cầu qua cầu Thăng Long đến khu vực phía Nam cầu Thăng Long đi theo các hướng: Từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5, quốc lộ 18, quốc lộ 1, quốc lộ 2, quốc lộ 2C, quốc lộ 3, đường Hồ Chí Minh đi qua cầu Thanh Trì hoặc cầu Vĩnh Thịnh, đi đường Vành đai 3 trên cao...

Từ ngày 15/7, các đơn vị bắt đầu lắp đặt hệ thống biển báo phân luồng giao thông và hoàn thành trước ngày 25/7. Từ ngày 25/7 đến ngày 5/8 sẽ tổ chức phân luồng tạm thời để theo dõi. Từ ngày 6/8 cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long để phục vụ thi công.

Xe tải từ 1,25 tấn, xe khách từ 16 chỗ đi từ các tỉnh phía Nam có nhu cầu qua cầu Thăng Long đến khu vực phía Bắc cầu Thăng Long đi theo các hướng: Đi từ quốc lộ 32, quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ 21 qua cầu Vĩnh Thịnh hoặc cầu Thanh Trì hoặc cầu Hưng Hà (đường nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) đi quốc lộ 2, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hoặc quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 5 kéo dài, quốc lộ 38, quốc lộ 39, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng...

Các tuyến buýt lộ trình đi theo hướng từ Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng đi cầu Thăng Long: Điều chỉnh theo hướng Phạm Văn Đồng rẽ đường DT1 (cổng phía Nam Công viên Hòa Bình) đi theo đường nội bộ Khu đô thị Tây Hồ Tây ra đường Võ Chí Công đi cầu Nhật Tân.

Các tuyến buýt đang hoạt động có điểm đầu cuối tại Nam Thăng Long: Điều chỉnh đi theo đường Đỗ Nhuận, đường nội bộ Khu đô thị Tây Hồ Tây ra đường Võ Chí Công đi cầu Nhật Tân. Riêng đối với các tuyến buýt có sức chứa nhỏ, đề xuất điều chỉnh lộ trình đi Phạm Văn Đồng rẽ vào Nguyễn Hoàng Tôn đi Võ Chí Công và cầu Nhật Tân.

Các tuyến buýt có lộ trình đang hoạt động trên đường Hoàng Quốc Việt rẽ Phạm Văn Đồng đi cầu Thăng Long: Điều chỉnh đi Hoàng Quốc Việt đến Võ Chí Công đi cầu Nhật Tân.

Các tuyến buýt có lộ trình đang hoạt động trên đường An Dương Vương, rẽ đường dẫn lên cầu Thăng Long: Điều chỉnh đi Âu Cơ - An Dương Vương rẽ Võ Chí Công đi cầu Nhật Tân.

Các tuyến buýt có lộ trình đi theo hướng từ Võ Văn Kiệt hoặc đường nội bộ Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đi cầu Thăng Long: Điều chỉnh đi theo đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân.

Các tuyến buýt có lộ trình đi theo đường Vân Trì - Hoàng Sa - đường 6km (Vĩnh Ngọc) - đường dẫn lên cầu Thăng Long - cầu Thăng Long: Điều chỉnh theo hướng đi Vân Trì - Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân.

Các tuyến buýt có lộ trình đi theo đường Hoàng Sa - Vân Trì - đường 6km (Vĩnh Ngọc) - đường dẫn lên cầu Thăng Long - cầu Thăng Long: Điều chỉnh theo hướng đi đường 6km (Vĩnh Ngọc) - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân.

Với xe khách tuyến cố định liên tỉnh, cấm tuyệt đối chạy xuyên tâm thành phố trên đường Vành đai 3 và cầu Thăng Long.

Với xe tải, cho phép lưu thông theo giờ trên đường Phạm Văn Đồng - Tân Xuân - An Dương Vương - cầu Nhật Tân và ngược lại.../.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11/1974 và hoàn thành vào tháng 5/1985.

Cầu chính vượt sông dài 1.680m gồm 15 nhịp giàn thép tạo thành 5 dầm liên tục, mỗi liên có dộ dày 112m/nhịp. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ.

Các nhịp cầu dẫn của đường sắt và đường bộ có kết cấu bằng các nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực chiều dài 33m/nhịp.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên