Cần chuyển đổi 100.000 ha rừng cao su nhưng đừng biến tướng trục lợi

VOV.VN - Phần cuối của loạt bài: “Được và mất khi chuyển đổi 100.000 ha rừng sang trồng cao su”.

Như đã đề cập ở 2 bài trước, do giá mủ cao su tụt sâu và không biết đến lúc nào mới phục hồi, nên các doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su ở hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai đã gặp khó khăn. Có doanh nghiệp buông xuôi phó mặc, có doanh nghiệp lại biến tướng chuyển sang trồng loại cây khác. Khi lập dự án đầu tư thì giá mủ cao su trên 100 triệu đồng mỗi tấn, nên cao su được trồng ở bất cứ nơi nào không hề quan tâm đến thổ nhưỡng, địa hình có phù hợp hay không. Nay giá cao su sụt xuống dưới 30 triệu đồng mỗi tấn thì một số vườn cao su đã bị chặt hạ để chuyển sang trồng loại cây khác.

Cao su rừng nghèo đang chết dần.
Thời điểm năm 2008-2010 giá mủ cao su lên đỉnh điểm, 1 tấn trên 100 triệu đồng. Nhờ cao su mà đã xuất hiện nhiều khu dân cư trù phú với những biệt thự hàng tỷ đồng, hệ thống giao thông, lưới điện, trạm y tế, trường học ở đây được đầu tư xây dựng khang trang. Hầu hết các tiêu chí của việc xây dựng nông thôn mới sẽ có được khi có vườn cao su. Năm 2009, tỉnh Gia Lai mạnh dạn quy hoạch 60 nghìn ha diện tích rừng nghèo, rừng trồng và đất lâm nghiệp để trồng mới 50 nghìn ha cao su. Có 16 doanh nghiệp, với 44 dự án thuê đất trồng cao su được tỉnh phê duyệt.
Ông Mai Ngọc Bình - Phó tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Chư Sê bộc bạch rằng: Đơn vị mừng hơn bắt được vàng khi có được dự án chuyển đổi 3.100 ha rừng ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông sang trồng cao su. Một nông trường mới thuộc Công ty Cao su Chư Sê ra đời, đó là nông trường Cao su Ia Lâu. Máy móc được huy động để phá rừng khai đất. 300 công nhân được tuyển mộ để lập vườn ươm giống và trồng cây. Công ty Cao su Chư Sê là doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế và có kinh nghiệm dày dặn trong việc trồng, khai thác chế biến cao su. Thế nhưng, với dự án ở Chư Prông, công ty đã chấp nhận thất bại, dừng đầu tư sau 7 năm triển khai.
Ông Mai Ngọc Bình nói: “Về vấn đề dừng đầu tư thì công ty cũng đã cân nhắc và tính toán rất kỹ lưỡng, khoa học. Đến thời điểm này chúng tôi thấy việc làm của chúng tôi là đúng đắn. Phương án tiếp theo, nếu được nhà nước cho phép chuyển các diện tích đất đã trồng cao su không thích hợp, không hiệu quả sang các cây trồng khác, công ty chúng tôi sẽ có giải pháp để sử dụng có hiệu quả diện tích đất đã được giao bằng các cây trồng phù hợp trên diện tích đất này; và đặc biệt chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần số công nhân, đồng bào dân tộc tại chỗ mà chúng tôi đã đưa vào làm công nhân từ năm 2010 đến nay có cuộc sống ổn định”.

Ông Hồ Phi Hùng, Giám đốc Nông trường Cao su Ia Lâu bên vườn cao su trồng 6 năm.
Công ty Cao su Chư Sê là doanh nghiệp có uy tín nên họ không biến tướng dự án bằng việc chuyển sang trồng loại cây khác khi chưa được phép.
Anh Trung Văn Đông, công nhân Tổ 2, Nông trường Ia Lâu cho biết, anh trở thành công nhân của nông trường từ năm 2010. Hiện nay cây cao su khắc khoải giữa sống và chết, nên anh và hàng trăm công nhân ở đây không mơ gì đến ngày khai thác mủ. Cuộc sống tất cả công nhân ở đây đều rất khó khăn.
“Em muốn Công ty với tập đoàn tạo điều kiện cải thiện đời sống công nhân để công nhân có thu nhập. Nhìn vườn cây phát triển kém nên công nhân rất chán nản” .
Những lô cao su 6 năm tuổi của Nông trường Ia Lâu khẳng khiu, còi cọc. Đây là vùng rừng khộp, tầng đất mặt rất mỏng, chỉ 20 đến 30 cm, bên dưới là sét và đá. Ông Hồ Phi Hùng, Giám đốc Nông trường Cao su Ia Lâu cho biết: Nhiều diện tích phải trồng đi trồng lại nhưng cây vẫn chết. Trong số 3.100 ha rừng chuyển đổi, nông trường đã trồng 2.180 ha cao su. Hiện tại đối với 1.540 ha cao su phát triển dưới trung bình, còn 940 ha phát triển kém và chết. Công ty Cao su Chư Sê đã thực hiện nhiều giải pháp, mời những chuyên gia hàng đầu về đất, về cây trồng đến thực địa để khảo sát, tìm hướng xử lý. Nhưng tất cả kết luận cây cao su không thể phát triển ở vùng đất này.
Ông Hùng nói: “Chúng tôi quản lý vườn cây nông trường 2.180 ha trong đó có gần 1 nghìn ha vườn cây phát triển rất kém. Khả năng sinh trưởng quá kém, dẫn đến suất đầu tư của chúng tôi quá thấp, hiện nay chỉ 1 triệu đồng/ha. Do rừng khộp chất đất, tầng đất mặt ngắn, rễ xuống đụng sét nên cây không thể sinh trưởng được”.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Gia Lai đã có 44 dự án với tổng diện tích 32.400 ha đất chuyển đổi sang trồng cao su. Tuy nhiên các doanh nghiệp chỉ mới trồng 25.200 ha. Hơn 1/3 số diện tích này cây kém phát triển và chết.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Dũng, Phó viện trưởng Viện Điều tra và Quy hoạch rừng, đánh giá: “Trong quá trình chuyển đổi sử dụng đất có một số chương trình lớn chúng ta chưa nghiên cứu kỹ khả năng thích ứng của loại cây trồng. Ví dụ mở rộng diện tích trồng cao su chẳng hạn. Hiện nay một số vùng, nhất là rừng khộp, rừng phát triển rất thưa, rừng rụng lá, đất rất xấu, một số nơi cho thấy sinh trưởng của cao su kém, không sinh trưởng được và một số phải chặt”.

Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án phát triển 50.000 ha cao su trên đất rừng nghèo ở Gia Lai không đạt mục tiêu đề ra. Không giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng dự án; chưa xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế- xã hội gắn với quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới.
Ông Nguyễn Đức Hoàn phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Tỉnh đã cho rà soát lại, và có đề xuất với hướng: đối với diện tích cây cao su chết hoặc kém phát triển do doanh nghiệp không đầu tư hoặc không có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh loại cây này, phải tiếp tục đầu tư chăm sóc, hoặc là trồng mới, bởi cây cao su là một cây dài ngày và chúng ta phaỉ chấp nhận giá lúc nó trồi, sụt. Riêng đối với diện tích cây cao su chết, kém phát triển do điều kiện đất đai không phù hợp thì lập dự án chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn”
Thực tế tại Gia Lai, một số doanh nghiệp đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá vỡ quy hoạch, tự ý trồng mía, trồng cỏ, xây dựng trang trại nuôi bò trên diện tích đất được giao để trồng cao su. Thế nhưng, trong một văn bản trả lời PV Đài TNVN, UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Tỉnh đang chỉ đạo các doanh nghiệp thuê đơn vị tư vấn, khảo sát, đánh giá cụ thể về nguyên nhân dẫn đến cây cao su kém phát triển và chết. Trường hợp xác định rõ do đất đai không phù hợp sẽ yêu cầu doanh nghiệp trồng lại rừng. Nếu diện tích này không phù hợp với các loài cây trồng rừng hiện nay, doanh nghiệp chủ động chọn lựa loài cây trồng khác, lập dự án đầu tư cụ thể. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, tổng hợp; báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo.”
Đã có 44 dự án với tổng diện tích 32.400 ha, trong đó có 29.188 ha rừng nghèo được UBND tỉnh Gia Lai giao cho các doanh nghiệp “cạo trọc” để trồng cao su. Giờ đây UBND tỉnh Gia Lai vạch đường “Doanh nghiệp chủ động chọn lựa loài cây trồng khác, lập dự án đầu tư cụ thể…” Liệu rằng điều đó có làm cho những dự án đã biến tướng rộng đường hơn trong việc hợp thức thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để trục lợi?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Được và mất” khi Tây Nguyên chuyển đổi rừng sang trồng cao su
“Được và mất” khi Tây Nguyên chuyển đổi rừng sang trồng cao su

VOV.VN - Việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc làm này còn những bất cập, biến tướng...

“Được và mất” khi Tây Nguyên chuyển đổi rừng sang trồng cao su

“Được và mất” khi Tây Nguyên chuyển đổi rừng sang trồng cao su

VOV.VN - Việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc làm này còn những bất cập, biến tướng...