Hành vi đồi bại với học trò nữ

Cần lên án mạnh mẽ

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, đây là một hiện tượng làm hoen ố hình ảnh của người lớn trong mắt trẻ em, hoen ố hình ảnh người giáo viên trong mắt học sinh, phụ huynh và xã hội

Dư luận đang hết sức bất bình trước thông tin về một số vụ việc xảy ra trong trường học gần đây, như vụ việc một sinh viên trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tạt axít vào thầy giáo, và mới đây là việc hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang có hành vi đồi bại với nhiều học trò nữ. Từ những vụ việc này đặt ra vấn đề về đạo đức trong trường học và mối quan hệ thầy trò hiện nay. Phóng viên VOV phỏng vấn GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục và thanh, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

PV: Thưa ông, dư luận đang hết sức bất bình trước hành vi mua dâm học trò của một giáo viên ở Hà Giang, mà đó lại là một hiệu trưởng, suy nghĩ của ông như thế nào khi biết thông tin về vụ việc này?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cũng như nhiều nhà giáo khác là bị sốc trước thông tin này. Chúng tôi không thể nghĩ, một người lớn, và ở tuổi ấy thì chắc chắn đã có con có cái, lại là giáo viên, hiệu trưởng trường trung học phổ thông, có đầy đủ tri thức hiểu biết về pháp luật mà lại hành xử như vậy. Chúng tôi hết sức phẫn nộ, lên án tội ác của ông Xương. Đây là một hiện tượng làm hoen ố hình ảnh của người lớn trong mắt trẻ em, hoen ố hình ảnh người giáo viên trong mắt học sinh, phụ huynh và xã hội. Dĩ nhiên đây cũng là trường hợp cá biệt nhưng cần phải lên án mạnh mẽ.

Cảm giác thứ hai của tôi là đau xót. Không phải chỉ là đau xót vì các cháu nữ sinh ở tuổi nhỏ như vậy bị xâm hại mà còn đau xót vì không hiểu sao các cháu có thể dễ dàng sa vào cạm bẫy của ông Xương như vậy.

Chúng tôi cũng thấy rất lo lắng về sự quan tâm của cha mẹ đối với các cháu, về hành vi của các cháu, về sự quan tâm của chính quyền địa phương, của người lớn ở xung quanh các cháu.

Bao giờ nỗi đau của nạn nhân này nguôi ngoai?

PV:

Thưa ông, liên tục gần đây có những vụ việc đau lòng như một sinh viên tạt axít vào thầy giáo khi thầy không nâng điểm cho mình hay vụ việc mua dâm học trò. Rõ ràng là qua các vụ việc này rất cần đặt ra vấn đề về đạo đức trong nhà trường, về mối quan hệ thầy trò hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Dĩ nhiên là những vụ việc được thông tin nhiều và liên tục như vậy sẽ làm cho xã hội hết sức lo lắng về mối quan hệ giữa thầy trò hiện nay.

Hiện có những sự việc rất cần được quan tâm, chấn chỉnh bởi rõ ràng trong xã hội hiện nay, người lớn thiếu gương mẫu, cũng làm cho trẻ con hư. Từ đó xảy ra nhiều hành động đáng lên án, đáng xấu hổ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu rằng đạo đức xã hội, quan hệ thầy trò đang bị suy thoái nghiêm trọng là hơn quá. Trong xã hội, bên cạnh những mặt tích cực bao giờ cũng có những mặt tiêu cực. Bên cạnh phần đông những người dân sống một cách lương thiện, có đạo lý thì cũng không tránh khỏi những con người sống một cách vô luân, không có đạo lý. Điều quan trọng là chúng ta phải phân tích để thấy được những thiếu sót của xã hội, của nhà trường để tìm biện pháp khắc phục.

PV: Ở đây không chỉ đặt ra vấn đề lương tâm mà rõ ràng cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương, cũng như của ngành giáo dục vì hành vi này khi bị phát hiện thì đã xảy ra rất lâu và nhiều lần rồi?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng bên cạnh nhân vật chính là ông Xương và những người đồng lõa phải chịu trách nhiệm, chúng ta cũng phải đặt vấn đề trách nhiệm của nhà trường của đoàn thể, của cha mẹ trong việc quan tâm giáo dục học sinh như thế nào, vì sao tổ chức không kịp phát hiện mà lại sử dụng ông ta vào một cương vị quan trọng như vậy?

Vì sao cha mẹ không phát hiện được những biểu hiện bất thường của con em mình ví dụ như vì sao các cháu có tiền để mua điện thoại di động, ăn mặc khác với các nữ sinh khác, tiền ở đâu ra, các cháu đi chơi hay đi học?

Đặc biệt ở đây cũng phải tính đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, của những người có liên quan. Không ai đặt câu hỏi, vì sao ở lứa tuổi này các cháu vào và ở lại khách sạn làm gì khi không có người lớn đi kèm, mà lại cho rằng đó là chuyện bình thường.

Cuối cùng tôi muốn nói đến trách nhiệm của chính các em học sinh. Các em phải thấy rõ được mình phải có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, dòng họ với đất nước thì các cháu sẽ hành xử khác.

PV: Từ câu chuyện đau lòng này, có thể thấy rằng nhà trường không chỉ là nơi cung cấp kiến thức cho học sinh mà quan trọng hơn là phải giáo dục cho các em kỹ năng sống?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Nếu nói rằng nhà trường không quan tâm đến việc giáo dục mục đích lối sống cho học sinh là không đúng. Vì thực ra trong chương trình học, các em có được học những môn học về vấn đề này, và ở bất cứ môn nào nếu có điều kiện liên hệ để dạy học sinh lý tưởng, lối sống người thầy đều có thể làm.

Tôi cũng cho rằng, nếu muốn học sinh của mình có bản lĩnh sống, có kỹ năng sống cần phải giáo dục cho các em thông qua tổ chức hành động cho các em chứ không phải chỉ thông qua việc kể cho các em những câu chuyện hay thuyết giảng cho các em những các điều các em cần làm.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên