Châu Á cần giải quyết vần đề lao động sau khủng hoảng

Bà Ursula Shaefer-Preuss, hôm nay (30/9) kêu gọi các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cần thiết phải có các chiến lược bảo trợ xã hội để giải quyết thị trường lao động sau khủng hoảng đang trở nên khẩn thiết hơn với viễn cảnh tốc độ tăng trưởng chậm lại. 

>> Phụ nữ là nạn nhân đầu tiên của suy giảm kinh tế / Nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các mục tiêu xoá đói giảm nghèo

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị “Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với nghèo đói và phát triển bền vững tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương”, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), bà Shaefer-Preuss nói: “Trước cuộc khủng hoảng, chỉ có khoảng một nửa số lượng lao động trẻ trong khu vực có thể kiếm được việc làm chính đáng, trong khi phần còn lại phải nuôi sống bản thân và gia đình thông qua các công việc không chính thức.”

Tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu gần đây đã làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu, một chỗ dựa của các nền kinh tế Châu Á, buộc cho nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu phải cắt giảm việc làm và khiến thu nhập của hàng ngàn người dân Châu Á suy giảm. Nhiều người đang phải vật lộn để tìm kiếm những công việc thay thế.  

Trước đây, cũng trong tháng 9 này, ADB dự báo kinh tế của các nước đang phát triển ở Châu Á sẽ tăng 3,9% trong năm nay, giảm mạnh so với mức bình quân 8% trong 5 năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng. ADB dự kiến tăng trưởng của khu vực sẽ ở mức 6,4% trong năm tới. Mức tăng trưởng giảm đi so với mức tăng trưởng trước khủng hoảng đồng nghĩa với việc 60 triệu người dân Châu Á sẽ không thể thoát nghèo trong năm nay.  

Khác với cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998, chủ yếu tác động đến những người có mức thu nhập dưới chuẩn nghèo 1,25 USD/ngày, cuộc khủng hoảng mới đây đã tác động mạnh nhất lên những người “cận nghèo” ở Châu Á và Thái Bình Dương, có mức thu nhập trên dưới 2 USD/ngày. Đối tượng chịu tác động nhiều nhất bao gồm tầng lớp thanh niên sống ở đô thị và ở một vài quốc gia là phụ nữ trẻ, nhóm người chiếm một tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động của một số ngành xuất khẩu như may mặc và các lĩnh vực công nghệ cao. 

Các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện sự suy giảm môi trường sống của người nghèo trong khu vực. Áp lực lên tài nguyên thiên nhiên, đáng lưu ý ở khu vực nông thôn, cũng đang làm giảm chất lượng môi trường mà những nhóm người có thu nhập thấp đang sống dựa vào đó. Biến đổi khí hậu, kèm theo đó là mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện đang khiến vấn đề ngày càng trầm trọng hơn.

Các đại biểu cũng hối thúc các chính phủ cần hành động ngay lập tức để cải thiện an sinh xã hội bằng cách thực hiện có hiệu quả hơn các mục tiêu và hướng chi nhiều hơn cho những lĩnh vực chẳng hạn như cải thiện cơ hội giáo dục và đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Các chính phủ cần thúc đẩy việc làm chính đáng và cải thiện các điều kiện cho những người đang phải đứng ngoài thị trường lao động chính thức. Vì các thách thức khác nhau ở các quốc gia khác nhau, nên các chính phủ cần có những biện pháp phản ứng phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi nước. Chỉ có giải quyết được những vấn đề này, tăng trưởng của khu vực mới trở nên vừa toàn diện và vừa bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên