Cháy cao ốc văn phòng, cách nào để thoát hiểm?

VOV.VN - Khi có sự cố mọi người phải thoát khỏi tòa nhà đó một cách nhanh nhất, chống được ngạt khói và tác động về nhiệt.

Vào chiều 4/6, vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu vực tầng 9 tòa nhà 15 tầng của Đài PT-TH Hải Phòng trên đường Nguyễn Bình, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Vụ cháy đã gây mất điện, Đài PT-TH Hải Phòng phải dừng tạm ngừng phát sóng để tập trung khắc phục sự cố. Đến 19 giờ cùng ngày, một hệ thống điện được lắp riêng cho khu vực sản xuất chương trình nên việc phát sóng của Đài PT-TH Hải Phòng đã trở lại bình thường và ổn định. Riêng hệ thống điện cho các phòng làm việc của các ban vẫn chưa khắc phục được.

Các phòng làm việc tầng 9 được vệ sinh sau vụ cháy nhưng vẫn chưa có điện.

Theo Sở Cảnh sát PCCC Hải Phòng, nguyên nhân vụ hỏa hoạn bước đầu được xác định do điện mùa hè quá tải dẫn tới chập điện. Phóng viên Đài TNVN đã có cuộc phỏng vấn đại tá Phạm Viết Dũng – Phó Giám đốc Sở cảnh sát PCCC Hải Phòng xung quanh vấn đề phòng cháy cũng như thoát hiểm khi có cháy ở những tòa nhà cao tầng.

PV: Qua vụ việc đó ông đánh giá kỹ năng tự phòng vệ khi có cháy trong một tòa nhà?

Đại tá Phạm Viết Dũng: Vụ cháy ở Đài truyền hình là cháy từ hộp kỹ thuật của tòa nhà, và lan theo hệ thống các đường dây trong hộp kỹ thuật và tỏa khói ra một số khu vực trong tòa nhà đó.

Đối với các nhà cao tầng làm văn phòng thì yêu cầu các nhân viên văn phòng phải có kỹ năng hiểu về công tác phòng cháy chữa cháy, đặc biệt kỹ năng thoát nạn khi có sự cố xảy ra. Để làm sao khi có sự cố mình phải thoát khỏi tòa nhà đó một cách nhanh nhất, chống được ngạt khói và tác động về nhiệt.

Cho nên mọi nhân viên phải được học kỹ năng và thông thuộc sơ đồ thoát nạn của tòa nhà đó để mình tiếp cận ra cầu thang thoát nạn được nhanh nhất. Phải có ý thức từ bạn đầu để xác định ngay lối ra nhanh nhất để khi sự cố xảy ra thì mình đã được định hình trước. Và phải thoát bằng cầu thang bộ.

Đối với các tòa nhà thì phải có sự đảm bảo cho hành lang, nếu hành lang kín phải có quạt hút khói, hành lang hở thì phải bố trí cửa thông thoáng cho hành lang.

PV: Ngoài kỹ năng thoát nạn, hiện nay là mùa nắng nóng, lượng điện sử dụng nhiều đó cũng là nguyên nhân hay gây nên chập điện. Ông khuyến cáo việc này như thế nào?

Đại tá Phạm Viết Dũng: Đối với hệ thống điện trong tòa nhà, khi thiết kế phải tính toán đến chịu tải của thiết bị đó để lựa chọn dây dẫn có tiết diện phù hợp đồng thời phải có thiết bị ngắt khi có hiện tượng quá tải, chập mạch.

Phải phân nhánh cho các thiết bị điện đó, điện động lực riêng, điện chiếu sáng và thiết bị văn phòng riêng. Và không được đấu thêm thiết bị ngoài thiết kế.

Các thiết bị điện sau khi dùng xong phải được ngắt, trừ trường hợp những hệ thống phải lưu điện phải có hệ thống riêng cho khu vực này và phải có người trực, giám sát việc đó.

Việc duy tu bảo dưỡng cũng là vấn đề quan trọng để phòng chống cháy nổ có thể xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cháy tại trụ sở Đài PTTH Hải Phòng, một người tử vong
Cháy tại trụ sở Đài PTTH Hải Phòng, một người tử vong

Chiều 4/6, trụ sở cao 14 tầng của Đài PTTH Hải Phòng đã phát cháy, khiến một người tử vong và đài này phải dừng phát sóng nhiều giờ.

Cháy tại trụ sở Đài PTTH Hải Phòng, một người tử vong

Cháy tại trụ sở Đài PTTH Hải Phòng, một người tử vong

Chiều 4/6, trụ sở cao 14 tầng của Đài PTTH Hải Phòng đã phát cháy, khiến một người tử vong và đài này phải dừng phát sóng nhiều giờ.