Công trình đê chắn sóng kết hợp bến cập tàu Cô Tô (Quảng Ninh):

Chạy nước rút để về đích sớm

Được khởi công năm 2008, dự kiến hoàn thành tháng 11/2011 nhưng đến thời điểm này, đơn vị thi công đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc

Đã sang tháng 3, Cô Tô vẫn còn lạnh. Sóng vẫn vỗ ầm ào bên bờ đá. Trên công trường xây dựng đê chắn sóng, những chiếc cần cẩu vẫn cần mẫn nâng từng cấu kiện Tetrapod nặng từ 4 - 6 tấn lắp đặt mặt ngoài của đê.

Huyện đảo Cô Tô nhìn từ cầu cảng

Thi công trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, mùa nắng thì thiếu nước, mùa mưa bão thì biển động sóng to, muốn đảm bảo tiến độ, cán bộ, công nhân trên công trường phải tận dụng mọi thời gian có thể để thi công, Nhất là khi thi công phần chân đê còn ngập dưới nước, lợi dụng đêm khuya thủy triều rút xuống mới có thể đưa máy móc ra làm. Tuy có nguy hiểm nhưng lại rất hiệu quả. Với anh em công nhân trên công trường, mục tiêu hoàn thành tiến độ là rất quan trọng.

Anh Trần Quang Trung, lái máy cẩu đang thi công lát mái đê cho biết: “Chúng tôi thường làm theo con nước, cứ thời tiết đẹp, con nước thấp thì xuống dưới bãi đá làm được. Chúng tôi làm việc bất kể ngày đêm, giờ giấc vì phụ thuộc vào thiên nhiên nhiều hơn. Tiến độ công trình cũng nhanh, máy móc thiết bị hỏng hóc phải sửa chữa ngay để có máy làm”.

Kè lát mái đê bằng cấu kiện bê tông để chắn sóng

Đê chắn sóng kết hợp bến cập tàu Cô Tô có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, thuộc Dự án xây dựng khu hậu cần nghề cá Cô Tô cấp Vịnh Bắc Bộ. Công ty Cổ phần xây lắp Thành An 96 trúng thầu thi công. Đê dài 900m, có chức năng chắn sóng cho khu neo đậu tàu thuyền rộng 26ha. Trên tuyến đê bố trí bến cập tàu 600 mã lực, dài 150m. Âu tàu có thể tiếp nhận cùng lúc 600 tàu cá ra vào. Sau hơn 2 năm thi công, nhà thầu đã thực hiện hơn 80% khối lượng công việc. Cụ thể, đã cơ bản hoàn thành thi công phần lắp đặt các cấu kiện Tetrapod, bến cập tàu. Việc vận chuyển đá từ trong bờ ra đắp đê chắn sóng đã đến lý trình 900m, phần mặt đê đang được nhà thầu khẩn trương nâng cao và đổ bê tông dày 80cm, thi công theo kiểu cuốn chiếu, đắp đến đâu, đổ bê tông và lắt mái hoàn thiện đến đó nhằm hạn chế tác động do thiên tai gây ra.

Trong quá trình thi công trên đảo, nhà thầu gặp nhiều khó khăn về mặt bằng tập kết nguyên vật liệu, đá tảng. Nguyên vật liệu phải vận chuyển 24 hải lý từ bờ ra nên chi phí phát sinh lớn; thiếu nguồn nước ngọt phục vụ thi công… Đặc biệt, thời tiết khắc nghiệt, bất thường làm ảnh hưởng đến kế hoạch của công trường khi phải thi công ở mực nước thấp.

Đúc cấu kiện bê tông Terapod ngay tại công trường

Lãnh đạo và công nhân trên công trường luôn đoàn kết, thống nhất vượt qua để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Tháng 5/2010, chỉ huy công trường đã mạnh dạn quyết định đúc cấu kiện từ đất liền chuyển ra đảo để tập trung thi công, khoan thăm dò và tìm nguồn nước ngọn trên đảo phục vụ thi công.

Ông Nguyễn Khắc Xuyên, Giám đốc chi nhánh Công ty Thành An 96 - đơn vị trực tiếp thi công công trình cho biết: “Chúng tôi không đơn thuần chạy theo tiến độ, số lượng. Riêng về vận dụng chế độ thủy văn trong thi công biển đảo nếu tốt đã là một thành công rồi. 12 giờ đêm mới là đáy triều, có thể làm những công trình ngầm. Tuy nhiên, tổ chức làm việc ở thời điểm đó không dễ, nhưng chúng tôi đã làm được. Về chủ quan, chúng tôi có thể thực hiện được về lời cam kết tiến độ”.

Công trình đê chắn sóng kết hợp bến neo đậu tàu thuyền Cô Tô khi hoàn thành sẽ đảm bảo dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp dầu máy, nước đá, nước ngọt, ngư cụ cho ngư dân, tạo điều kiện cho khoảng 2.000 tàu cá trong khu vực bám ngư trường khai thác dài ngày. Đây là công trình trọng điểm giúp huyện đảo Cô Tô phát triển mạnh kinh tế thủy sản.

Việc đắp đê bằng đá tảng đã đến lý trình 900m

Ông Mai Tuấn Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô lạc quan cho biết: “Hiện trên địa bàn chúng tôi có hơn 500 phương tiện đánh bắt hải sản. Việc xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc bộ, do công ty Thành An 96 đang thi công sẽ đảm bảo phục vụ nhu cầu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là điểm nhấn để chúng tôi phát triển kinh tế biển”.

Những ngày này, trên công trường thường xuyên có hơn 100 kỹ sư, công nhân thi công liên tục. Đắp đá đến đâu, thi công đổ bê tông lát mặt, lắp ráp cấu kiện Tetrapod đến đó. Con đê 900m đang vươn dài ra biển, trở thành con đê vững chãi che chắn cho cả khu dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại giữa trùng khơi, là điểm tựa vững chắc để ngư dân Cô Tô, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trên vùng biển Vịnh Bắc bộ nói chung phát huy hết khả năng của mình, bám biển dài ngày làm giàu cho đất nước. Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 10/2011, về đích trước 1 tháng so với kế hoạch đề ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên