Chia sẻ thông tin, cùng phát triển

Công nghệ thông tin (CNTT) kết nối cộng đồng để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giúp nhau cùng phát triển bền vững

Hôm nay (27/8), ngày làm việc thứ hai trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghệ Thông tin Thế giới lần thứ 4 (WITFOR 2009), các đại biểu họp phiên toàn thể thứ 3 và thứ 4 tại Hội trường chính, Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.       

Phiên họp toàn thể thứ 3 với chủ đề “Kinh nghiệm của các quốc gia trong việc xây dựng chính sách Công nghệ Thông tin”, do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, gồm các bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm của El Sanvador, Hàn Quốc và Việt Nam.    

Phiên họp toàn thể thứ 4 với chủ đề “Các khuyến nghị về Chính sách phát triển Công nghệ Thông tin trong tương lai”, do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Các đại biểu sẽ nghe một số phát biểu đề xuất một số giải pháp, chính sách phát triển CNTT vì mục tiêu phát triển bền vững.

Chiều nay, WITFOR 2009 tiếp tục diễn ra với các phiên họp chuyên đề của các Uỷ ban chuyên đề. Ngày mai (29/8), Diễn đàn họp phiên toàn thể thứ 5 và 6 trong buổi sáng và họp phiên toàn thể thứ 7 đồng thời là phiên bế mạc vào buổi chiều.

Bên lề phiên họp toàn thể, phóng viên VOVNews phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin Truyền thông.

PV: Thưa ông, chúng ta nói đến công nghệ thông tin (CNTT) vì sự phát triển bền vững, vấn đề này ở Việt Nam thể hiện ở những lĩnh vực nào?

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ TT-TT
Ông Nguyễn Thanh Tuyên: Phát triển bền vững là phát triển có tính đến yếu tố trung hạn và dài hạn. Tức là phát triển làm sao để vừa hỗ trợ cho thế hệ sống ngày nay, vừa không ảnh hưởng xấu đến thế hệ mai sau.

Việt Nam đã có Chiến lược Phát triển Thế kỷ 21. Theo Chiến lược đó, mục tiêu đặt ra là vừa phát triển vừa hòa hợp với môi trường thiên nhiên, song song phát triển kinh tế đảm bảo hài hòa với phát triển văn hóa, môi trường và xã hội. Để làm được điều đó, CNTT có vai trò rất quan trọng.

Trước tiên, CNTT là công cụ sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. CNTT tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới có giá trị cao hơn. Ví dụ như trước đây chúng ta sản xuất ra một cái đĩa của Bát Tràng, giá bán không cao lắm. Nhưng nếu chúng ta lồng vào trong đó trí tuệ mới, hoặc có thể qua Internet giới thiệu tới thị trường nhiều nước, thì giá trị nó đem lại rất cao. Như vậy, với cùng một nguồn tài nguyên, nhờ có CNTT, chúng ta có thể có được nhiều giá trị hơn.

Thứ hai, CNTT có thể kết nối cộng đồng với nhau để chia sẻ ý kiến phát triển bền vững là như thế nào, đâu là nguy cơ, biện pháp nào để giảm thiểu nguy cơ. CNTT không nên hiểu là chỉ có Internet. Chúng ta có thể sử dụng rất nhiều phương tiện CNTT như radio, TV, điện thoại di động... tạo ra những nhóm cộng đồng địa phương và quốc tế để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm.

Thứ ba, bản thân CNTT là một ngành kinh tế công nghệ cao, có thể đem lại  giá trị gia tăng lớn. Những ngành kinh tế dựa trên CNTT như thương mại điện tử, ngân hàng điện tử.v.v… cũng đem lại những giá trị lớn. Doanh thu từ CNTT hiện nay là gần 10 tỷ USD so với GDP là 90 tỷ USD, chiếm tỷ trọng không nhỏ.

PV: Thưa ông, khi ông nói đến phát triển bền vững là không làm ảnh hưởng xấu tới thế hệ sau này, tức là không làm hủy hoại môi trường sống trong tương lai. Vậy vai trò của CNTT với việc giữ gìn, bảo vệ môi trường như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Tuyên: Giữ gìn môi trường là một bài toán khó, bởi phát triển là phủ định của môi trường, càng phát triển thì môi trường càng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng ta có thể học hỏi ở những nước đã phát triển trước chúng ta, xem họ có những biện pháp gì để giảm thiểu tác động xấu của phát triển đối với môi trường, để làm sao có thể giữ được môi trường xanh, sạch, đẹp hơn.

CNTT giúp chúng ta có thể học hỏi những kinh nghiệm và giúp chia sẻ những kinh nghiệm đó cho cộng đồng, cho các doanh nghiệp. Những người gây ô nhiễm môi trường có thể tìm cách để giảm ô nhiễm môi trường. CNTT giúp nhà quản lý đưa ra thông tin, chính sách để kịp thời quản lý môi trường.

Hơn nữa, CNTT có thể được sử dụng để quản lý các nguồn tài nguyên, ví dụ như công nghệ GPS (Hệ thống thông tin bản đồ) để quản lý các nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên nước và dưới nước, đất đai… đưa vào các cơ sở dữ liệu để quản lý. Khi chúng ta quản lý thì chúng ta sẽ có cách để sử dụng hiệu quả hơn.

PV: Hiện nay việc ứng dụng CNTT trong việc quản lý nguồn nhân lực dường như mới chỉ ở bước quản lý cơ sở dữ liệu. Vậy thực tế CNTT có thể được ứng dụng ở việc quản lý và sử dụng nguồn nhân lực thực hiện như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tuyên: Hiện nay có CNTT ứng dụng trong nhà trường để giảng dạy đào tạo, chẳng hạn như thuyết trình bằng Power point, bằng máy đèn chiếu... CNTT cũng dùng để quản lý cơ sở dữ liệu, không chỉ để quản lý mà có thể để cung cấp thông tin cho giáo viên, học sinh.

Có thể thấy ví dụ rõ nhất, qua trang web của Bộ Giáo dục Đào tạo, sinh viên và phụ huynh dù ở đâu cũng có thể biết thông tin, điểm thi, điểm chuẩn vào các trường… Đó là CNTT phục vụ cho quản lý trong lĩnh vực GD-ĐT.

** Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên