Dấu ấn Võ Văn Kiệt nơi vùng đất chín rồng

Chọc thủng “túi phèn” Tứ giác Long Xuyên

(VOV) -Nhờ tầm nhìn xa, trông rộng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, "vùng đất hoang" Tứ giác Long Xuyên đã trở thành những đồng lúa bạt ngàn.

Tại khu vực xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang - nơi đầu nguồn kênh T5 nay là kênh Võ Văn Kiệt, người dân đã có thể yên tâm sản xuất lúa từ 2 - 3 vụ lúa/năm. Sản xuất lúa thuận lợi đã tạo cơ hội cho người dân thoát nghèo, có cuộc sống ấm no.

Ngồi bên bờ đê mát rượi đang chuẩn bị làm vụ lúa mới, ông Chau Oanh, một người dân sinh sống lâu đời nơi đây đã nhắc lại những khó khăn, đói khổ khi mới vào vùng “đất chết” này.

Hơn 20 năm về trước, nơi đây đất hoang vu, phèn cháy, phần lớn người dân đến đây đều không nghĩ rằng mảnh đất này có thể sinh sống. Thế mà tất cả từ khi có dòng kênh Võ Văn Kiệt, vùng đất này đã tươi xanh màu lá, bát ngát cánh đồng.

Bây giờ, dân ở đây trồng lúa đông xuân cầm chắc 7,5 - 8 tấn/ha. Trước khi đào kênh kênh Võ Văn Kiệt, năm 1997, toàn xã Lạc Quới chỉ có hơn 1.500 ha đất nông nghiệp. Sau khi kênh hoàn tất, người dân mạnh dạn đầu tư khai hoang, nâng diện tích đất sản xuất lên 20.000ha. Hàng trăm hộ dân địa phương trước đây trong cảnh nghèo khó giờ trở nên khấm khá.

 

Năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giữa) đi thị sát vùng tứ giác Long Xuyên (khu vực đầu nguồn An Giang). Nơi ông đứng (trong ảnh) cũng là nơi ông quyết định khởi công xẻ tuyến kênh T5 và cả hệ thống kênh thủy lợi thoát lũ ra biển Tây (Ảnh: Tuổi trẻ)

Ông Chau Oanh nói: “Trước người dân làm được 1 vụ/năm thôi. Bây giờ làm được 2 vụ/năm rồi. Nông dân rất mừng, cảm ơn Đảng, Nhà nước mang lại ấm no”.

Nhắc đến dòng kênh T5 mà nay là kênh Võ Văn Kiệt, người dân và chính quyền nơi đây lại nhắc đến một con người với cách nhìn sâu rộng và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện.

Trung tuần tháng 7/1996, trong lần về An Giang tìm giải pháp cho phát triển sản xuất, hạn chế ngập lụt, xây dựng nông thôn, sau 2 ngày đi thực tế, trao đổi, lắng nghe và tổng hợp ý kiến với cán bộ, nhân dân và các nhà khoa học, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định đào con kênh này mà không phải qua các khâu trình duyệt của thủ tục hành chính như thường lệ.

Chính quyết sách “táo bạo” này đã làm thay đổi cục diện khai thác đồng phèn Tứ giác Long Xuyên.

Công trình đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn lao cho An Giang và một số tỉnh thành Tây Nam bộ, trong đó, kênh T5 dài 48 km, có quy mô lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất nên được chọn làm đại diện để đặt tên kênh Võ Văn Kiệt, đồng thời dựng bia tưởng niệm tại đầu tuyến kênh.

Có thể nói, đây là công trình tri ân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tư cách là tổng công trình sư khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên. Trong đó, kênh Võ Văn Kiệt được xem như hạng mục hoàn chỉnh cho hệ thống công trình tiêu thoát lũ, chinh phục vùng đất mà các nhà khoa học gọi là “túi phèn”.

Kênh dài 36.700 m, có thiết kế mặt rộng: 30 - 36m; đáy rộng 20 m, sâu 4 - 4,5 m với tổng lượng đất đào trên 5,6 triệu m3, đất đắp trên 2,2 triệu m3. Công trình khổng lồ này hoàn thành trong 4 tháng (khởi công ngày 22/4 và hoàn thành ngày 30/8/1997) - một tốc độ “kỷ lục” như chính khoảnh khắc mà ông ra quyết định đào kênh.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhớ lại: “Anh Sáu là người mang nhiều dấu ấn đối với dân tộc. Riêng miền Tây, đặc biệt là An Giang, anh đến mọi nơi và có những quyết định không những có ý nghĩa trực tiếp mà còn có giá trị lâu dài. Chính kênh T5 đã góp phần giải quyết ngay sản xuất của Tứ giác Long Xuyên”.

Có thể nói, từ những quyết tâm bám trụ, mạnh dạn khai phá vùng đất mới, ngày càng nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú giữa vùng Tứ giác Long Xuyên, trong đó, ông Nguyễn Lợi Đức ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn là một minh chứng điển hình.

Năm 1997, từ 3 ha đất hoang hóa ban đầu, qua cải tạo, hạ phèn, ngay vụ lúa đông-xuân đầu tiên, ông Đức thu hoạch 4 tấn/ha. Nông dân, chính quyền địa phương bắt đầu chú ý học hỏi nhân rộng cách sản xuất mới. Làm ăn ngày một thuận lợi, đến năm 2000, ông Đức có trong tay 30ha đất lúa được cải tạo hoàn chỉnh. Đến 2011, ông đã có trên 70 ha đất lúa. Từ canh tác một vụ lên 2 vụ, rồi 3 vụ/năm, năng suất lúa 4 tấn lên 7 - 8 tấn/ha/vụ.

Vùng đất phèn nặng, hoang hóa Tứ giác Long Xuyên ngày nay đã trở thành một trong 2 vùng trọng điểm sản xuất lúa của ĐBSCL. Từ việc trồng 1 vụ lúa/năm, nhờ hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, ngày nay, toàn bộ diện tích trồng lúa vùng Tứ giác Long Xuyên đều sản xuất được 2 - 3 vụ/năm ăn chắc.

Hơn 90% diện tích sử dụng giống xác nhận, lúa chất lượng cao ngày càng chiếm ưu thế. Hiện diện tích sản xuất lúa của An Giang hơn 235.000 ha, mỗi năm trong tổng sản lượng 3,6 triệu tấn lúa, vùng Tứ giác Long Xuyên đóng góp hơn phân nửa.

Ở Kiên Giang, sản lượng lúa khoảng 3,5 triệu tấn, các địa phương vùng Tứ giác Long Xuyên vẫn đóng vai trò chủ lực.

Ông Đỗ Vũ Hùng - Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang khẳng định: “Vùng Tứ giác Long Xuyên đã được Chính phủ, đặc biệt là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có chỉ đạo quyết liệt. Diện tích sản xuất vùng này trước đây khoảng 1990 sản xuất chỉ 1 vụ, đến nay thì 100% sản xuất 2 vụ, 50% sản xuất 3 vụ. Qua đó đây là vùng sản xuất lương thực lớn, góp phần tạo an ninh lương thực quốc gia”.

Có thể nói kênh Vĩnh Tế và hệ thống công trình kiểm soát lũ lấy kênh Vĩnh Tế làm trung tâm là một công trình lịch sử nối hai thế hệ Thoại Ngọc Hầu và Võ Văn Kiệt, nhằm đem lại no ấm cho nông dân.

“Đất nhờ người có tên, người nhờ người dẫn lối...” và ông Sáu Dân đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam Bộ này. Người dân gọi đó là “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Ngày nay, thế hệ sinh sống trên vùng đất Tứ giác Long Xuyên cứ nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả niềm tự hào và lòng biết ơn sâu nặng ông Sáu Dân trong tim mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hồi sinh vùng “đất chết”
Hồi sinh vùng “đất chết”

(VOV) -Từ vùng đất được mệnh danh rốn phèn, rốn lũ, đến nay Đồng Tháp Mười đã trở thành vựa lúa, vùng nuôi trồng thủy sản lớn.

Hồi sinh vùng “đất chết”

Hồi sinh vùng “đất chết”

(VOV) -Từ vùng đất được mệnh danh rốn phèn, rốn lũ, đến nay Đồng Tháp Mười đã trở thành vựa lúa, vùng nuôi trồng thủy sản lớn.