Chớp nhoáng Berlin, nhìn về Hà Nội

(VOV) -Berlin là một thành phố mang dáng vẻ lạnh lùng dửng dưng nhưng chứa rất nhiều sự kiện và câu chuyện cũ - mới đan xen.

Chuyến bay từ Frankfurt hạ cánh xuống sân bay Tegel Berlin khi thành phố Berlin đang vào đầu đông. Với Berlin, những tòa nhà lớn, xám xịt, sừng sững trong thời tiết giá lạnh làm ta dễ liên tưởng tới đội tuyển bóng đá quốc gia Đức mang hình ảnh cỗ xe tăng đồ sộ, lạnh lùng và ý chí. Thế nhưng chỉ chớp nhoáng Berlin trong rất ít ngày, tôi cũng kịp nhận ra một cuộc sống trong lòng Berlin không hẳn thế.

Giao thông và đường phố

Đứng trước phố xá rộng thoáng, xe cộ ngun ngút, những người mới đến như tôi ra đường hơi bị ngợp. Lớ ngớ nên khi đèn đỏ còn chưa hết đỏ tôi đã bước chân xuống đường. Vậy mà ngay lập tức chiếc ô tô đầu tiên rồi đồng loạt ô tô nối nhau dừng lại nhường đường cho tôi, một người đi bộ đi nhầm đường (thật ra là đi sai luật). Trước sự lúng túng hốt hoảng của tôi, đồng loạt các lái xe đều ra hiệu nhường đường cho tôi đi tiếp. Hú hồn, vi phạm như thế ở đường phố nhà mình thì khó tránh khỏi tai nạn, may hơn cũng hứng trọn những lời chửi bới tục tằn.

Đường phố Posdam

Berlin có đủ các loại xe với rất nhiều nhãn hiệu khác nhau trên đường nhưng tuyệt nhiên không vương một chút khói bụi, gần như không nghe thấy tiếng còi. Sạch tới mức để thu dọn lá rụng trên đường phố (mà cũng chỉ là đường phố nhỏ nhiều cây lá thôi chứ đường lớn vài làn xe hay đường cao tốc thì chả thấy bụi hay lá bẩn bao giờ) người ta dùng những cái máy thổi lá để dồn, gom các đám lá ấy về thành đống rồi mới hốt đi chứ không phải là quét bằng chổi như ở nước mình. Dọn lá mà cứ như trẻ con chơi trò chơi. Ở phố nhà mình mà thổi lá kiểu này thì bụi có mà bay ngút đầu và tung mù lên tận trời xanh.

Khoảng cách thế hệ

Những ngày chớp nhoáng tại Berlin, tôi có một bạn đồng hành người Đức tên là Volkmar Schulze, chúng tôi vẫn gọi thân mật là Phoi-ki. Đó là một người đàn ông ngoài 60 tuổi, dáng cao lớn khỏe mạnh, đầy râu ria với mái tóc trắng nên tôi vẫn gọi đùa là Ông lão đánh cá, bởi liên tưởng đến nhà văn Hemingway nổi tiếng với tác phẩm huyền thoại Ông già và biển cả. Phoi-ki là người Đông Đức, một người hoài cổ, hay nói đúng hơn là “hoài cũ”. Là người trải qua chế độ hai miền Đông và Tây trước kia và nước Đức thống nhất bây giờ, ông luôn hoài niệm, nhớ về và nuối tiếc chế độ XHCN tốt đẹp của Đông Đức cũ. Ở đó ông có cuộc sống thanh bình, yên ấm, có việc làm phù hợp và thu nhập ổn định. Khi bức tường Berlin sụp đổ, ông là một trong những người thấy mình bị tác động và tổn thương nhiều nhất. Giờ đây với hiệu ảnh nhỏ của mình, ông chật vật, cặm cụi hành nghề để lo toan đắp đổi cuộc sống. Mỗi lần chạy xe chở tôi qua vườn hoa nơi tượng Các Mác và Ăng-ghen đã bị chuyển vào phía góc khuất của vườn hoa thay cho ở vị trí trung tâm vườn hoa trước đây, ông đều cằn nhằn bất bình. Ông cũng luôn xót xa mỗi khi đi qua khu vực trước kia là nhà văn hóa, nơi từng diễn ra các sự kiện lớn, hay các lễ kỷ niệm lớn của CHDC Đức, nay đã bị phá bỏ.

Khách du lịch bên các mảng còn lại của “Bức tường Berlin”

Khi cùng chúng tôi đi thăm di tích Trại tập trung nơi phát xít Đức hành quyết và xịt hơi ngạt giết chết hàng triệu người dân Do Thái, Phoi-ki đã rất phẫn nộ khi thấy đám trẻ thời nay, vì tò mò và hiếu kỳ, cùng nhau thử nghiệm sự chết chóc với việc lăn, bò và chui nhủi để tìm cách thoát ra khỏi khu vực canh phòng đầy ắp sự chết chóc hiểm nguy xưa kia vẫn được giữ nguyên đến nay. Với Phoi-ki, cái đám trẻ này không thể mang một sự kiện đau thương như thế ra để làm trò chơi. Phoi-ki hoài cổ nhưng khá sắc sảo. Tôi có cảm tưởng ông là một hướng dẫn viên du lịch tài năng kèm tố chất của một nhà báo. Ở biên giới giữa CHLB Đức và Cộng hòa Séc, ông chỉ cho tôi chi tiết hai mặt trên một bảng giá bán xăng dầu. Ở mặt bên này giá bán ghi bằng đồng EUR, ở mặt kia thì là tiền Koruna (CZK).

Cuộc sống trong lòng Berlin

Trong Bảo tàng Lịch sử trang nghiêm và đẹp đẽ của Berlin, vào các chiều tối, khoảng sân rộng trước sảnh chính được cho thuê để tổ chức các sự kiện tiệc tùng, giải trí. Sân bảo tàng được kê đầy ắp bàn ghế với khăn trải bàn đẹp và rất nhiều loại ly tách dành cho một buổi tiệc ngoài trời vài trăm khách. Chốc nữa thôi, tượng của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử được gắn trên các bức tường trang nghiêm và đẹp đẽ trong sân bảo tàng sẽ bình thản chứng kiến các thực khách cụng ly và sử dụng dao nĩa - những hình ảnh như những lát cắt của cuộc sống hiện tại. Chợt nhớ ở Hà Nội nhà mình, vừa rồi cũng có khá nhiều bài báo, ý kiến gay gắt phản đối việc cho phép tổ chức các tiệc cưới trong sân Bảo tàng Cách mạng.

Tòa nhà Quốc hội Đức là nơi tổ chức các cuộc họp để quyết định mọi điều quan trọng của Liên bang, lại cũng là một điểm tham quan du lịch của cả người dân Đức lẫn du khách. Mặc dù thủ tục kiểm tra an ninh để vào tham quan diễn ra rất nghiêm ngặt, nhưng bất cứ ai muốn, chỉ cần trình giấy chứng minh và tuân thủ quy định là có thể vào tham quan.

Trại tập trung của phát xít Đức, nơi cả triệu người Do Thái đã bỏ mạng trong thế chiến (Ảnh: L.T.P)

Vị Phó Chủ tịch Quốc hội Đức - người được coi là nhân chứng của hai chế độ hai miền Đông Tây trước đây và một nước Đức sau đó, đưa chúng tôi đi thăm tòa nhà Quốc hội Đức. Bà rất vui vẻ giới thiệu với chúng tôi nơi làm việc của các vị đại biểu Quốc hội, vị trí ngồi họp của từng Đảng trong phòng và kể rất vui và thẳng thắn rằng, mỗi buổi họp như thế các đại biểu đều được nhận tiền thù lao.

Bất kể là ai, nếu quên thủ tục ký tên điểm danh sẽ không được nhận tiền. Bà kể mình cũng đã từng nhiều lần bị đi họp “không công” như thế. Ngay trong tòa nhà Quốc hội, trên tường vẫn thấy đầy rẫy những chữ ký cũ mà chúng tôi được giới thiệu phần lớn là của những chiến sĩ hồng quân Liên Xô vào giải phóng Berlin hồi Chiến tranh Thế giới thứ hai để lại. Rất nhiều vết đạn, vết tường nứt cũng được khoanh giữ, lưu lại song hành với hiện tại.

Trên phố Berlin, ở một góc đường, nơi trước kia từng là trạm gác, giờ đây có chàng trai cao lớn mặc quân phục của thời bấy giờ cầm súng đứng gác làm mẫu cho du khách chụp ảnh. Có điều, chàng trai này đeo một tấm biển có dòng chữ yêu cầu mỗi lần chụp ảnh, khách phải trả cho chàng ta 2 EUR. Hằng ngày thu nhập của chàng ta chắc chắn không hề ít.

Thói quen tạo phong cách

Ở Đức, điện được tiết kiệm đến từng chiếc bóng đèn nhỏ. Làm việc với một vị giáo sư thuyết trình về năng lượng sạch, ông rất hào hứng về những ưu thế phong điện của nước Đức. Tuy nhiên, khi tôi hỏi phong điện đang chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong việc sử dụng năng lượng của người Đức, ông cũng phải ngậm ngùi công nhận rằng mới chỉ có 16% mà thôi, còn lại vẫn là từ điện hạt nhân. Lại nữa, khi chúng tôi đi thăm một gia đình ở một thị trấn cách Berlin chừng 600km, hai bên đường xe chạy qua thấy loang loáng các “cánh đồng điện” với những cánh quạt gió lấp loáng. Cô bạn ở đấy kể nhiều người cũng muốn lắp đặt hệ thống phong điện, ngặt nỗi chi phí đắt quá.

Trong căng-tin của tất cả các cơ quan, văn phòng và cả những quán ăn bình dân (chỉ trừ có nhà hàng, khách sạn) tất cả mọi người đều tự phục vụ. Chúng tôi đã từng ăn trưa như thế với bà Phó Chủ tịch Quốc hội Đức ngay tại nhà ăn của tòa nhà Quốc hội, cũng như đã từng ăn trưa với vài trăm sinh viên và các giáo sư tại nhà ăn của trường Đại học Tổng hợp Posdam. Chúng tôi thật sự ấn tượng với bữa trưa tại Viện Nghiên cứu khoáng sản và môi trường. Ở đó, trước cửa nhà ăn, đoàn người rồng rắn cứ dài ra mãi nhưng vô cùng tự nhiên, trật tự và vui vẻ chờ đến lượt mình. Ăn uống xong, lại lần lượt xếp hàng tự đi trả khay đĩa vào nơi quy định. Không có một chút thức ăn thừa còn lại trên khay đĩa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nghe quan họ ở Berlin xa xôi
Nghe quan họ ở Berlin xa xôi

Hoàng Lê - một lương y đã hơn 20 năm sống trên đất Đức cũng là một “liền anh” tinh tế khi sánh vai cùng các nghệ sĩ của đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh.  

Nghe quan họ ở Berlin xa xôi

Nghe quan họ ở Berlin xa xôi

Hoàng Lê - một lương y đã hơn 20 năm sống trên đất Đức cũng là một “liền anh” tinh tế khi sánh vai cùng các nghệ sĩ của đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh.  

Quảng bá văn hóa Việt ở Liên hoan bia quốc tế Berlin
Quảng bá văn hóa Việt ở Liên hoan bia quốc tế Berlin

Gian hàng bia của Việt Nam cùng nhiều hoạt động ca, múa, nhạc phong phú đã góp phần làm cho hình ảnh Việt Nam trở nên quen thuộc, thân thiện.

Quảng bá văn hóa Việt ở Liên hoan bia quốc tế Berlin

Quảng bá văn hóa Việt ở Liên hoan bia quốc tế Berlin

Gian hàng bia của Việt Nam cùng nhiều hoạt động ca, múa, nhạc phong phú đã góp phần làm cho hình ảnh Việt Nam trở nên quen thuộc, thân thiện.

Hà Nội hợp tác với Berlin trên 4 lĩnh vực
Hà Nội hợp tác với Berlin trên 4 lĩnh vực

(VOV) - Ông Ralf Wieland, Chủ tịch Nghị viện thành phố Berlin đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Hà Nội.

Hà Nội hợp tác với Berlin trên 4 lĩnh vực

Hà Nội hợp tác với Berlin trên 4 lĩnh vực

(VOV) - Ông Ralf Wieland, Chủ tịch Nghị viện thành phố Berlin đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Hà Nội.

Người Việt ở Berlin kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động
Người Việt ở Berlin kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động

Chiều 1/5, tại Berlin, Hội Thiện Từ tâm đã tham dự các hoạt động sôi nổi kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động do quận Lichtenberg - Hohenschoenhausen thuộc Berlin tổ chức.

Người Việt ở Berlin kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động

Người Việt ở Berlin kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động

Chiều 1/5, tại Berlin, Hội Thiện Từ tâm đã tham dự các hoạt động sôi nổi kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động do quận Lichtenberg - Hohenschoenhausen thuộc Berlin tổ chức.