Chủ động đối phó với hoàn lưu bão số 7

Các huyện miền núi ở Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La có mưa lớn, cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (12/9), bão số 7 đã đi vào địa phận các tỉnh từ Nam Định đến Thanh Hoá và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 7 giờ sáng nay (12-9), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên địa phận các tỉnh từ Ninh Bình đến Thanh Hoá. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 - 49 km một giờ, giật cấp 7, cấp 8).

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày mai 13/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 102,3 độ Kinh Đông, trên địa phận nước Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/h).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, ở vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Do vậy, để tránh thiệt hại các tỉnh ven biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cần tiếp tục nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.

Ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, riêng Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các huyện miền núi ở Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La có mưa lớn, cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất, tiếp tục huy động lực lượng di dời những hộ dân ở các vùng ven sông, bãi, và những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn, cần tích cực kiểm tra hồ đập, đê điều, vùng nuôi thuỷ sản, vùng lúa hè thu để kịp thời xử lý bảo vệ công trình và mùa vụ khi sự cố xảy ra do mưa to và nước lớn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên