Chủ động phòng chống mưa lũ

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có mưa nhiều trên diện rộng, đặc biệt khu vực Bù Nho, Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập có mưa lớn, xuất hiện lũ.  

Nhờ chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nên không  thiệt hại về người và tài sản.

Trước đó, để chủ động ứng phó với các tình huống lũ, lụt, thiên tai, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các địa phương phân công trực ban theo đúng quy định. Các địa phương và các ngành chức năng từ tỉnh đến huyện, xã trên toàn tỉnh thường xuyên theo dõi, dự báo và báo cáo kịp thời diễn biến lũ, lụt, thiên tai về UBND tỉnh.

Sở NN&PTNT Bình Phước chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra an toàn hồ chứa đối với các hồ, đập trên địa bàn, yêu cầu xử lý những điểm không an toàn.

UBND các huyện, thị xã cũng chỉ đạo rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng chống lụt bão của địa phương cho phù hợp tình hình thực tế, kiểm tra phương tiện cứu nạn, cứu hộ để sửa chữa, mua sắm, bảo đảm cho công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trong tình hình thời tiết khá bất thường như hiện nay.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên chậm (Ảnh minh họa)

Ông Vũ Hồng Liêm, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước cho biết: Tỉnh Bình Phước do đặc thù địa hình chuyển tiếp lên vùng Tây Nguyên nên khi mưa, lũ tập trung về rất nhanh, nhưng rút cũng rất nhanh. Trước diễn biến đó, tỉnh xây dựng các phương án cũng như kế hoạch phòng chống lụt bão cụ thể cho từng vùng, từng khu vực, nhất là khu vực trọng điểm như khu vực suối Đâm ở xã Lâm Hà, Bù Nho…

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, mùa mưa năm nay ở tỉnh đến sớm từ đầu tháng 4 và có nhiều mưa lớn kèm theo giông, gió và lốc sét xảy ra ở hầu hết các địa phương.

** Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ thượng lưu sông Cả đang lên, hạ lưu sông Cả đang xuống chậm. Mực nước lúc 10h ngày 18/9, trên sông Cả tại các trạm như sau: Tại Dừa: 21,69m, dưới BĐ2: 0,81m; Tại Nam Đàn: 6,84m, dưới BĐ2: 0,06m.

Dự báo, lũ hạ lưu sông Cả biến đổi chậm và ở mức cao. Ngày mai (19/9), lũ trên các sông ở Thanh Hóa và hạ lưu sông Cả lên lại. Đến tối mai, mực nước trên sông Cả tại Nam Đàn có khả năng ở mức: 7,1m, trên BĐ2: 0,2m; các sông ở Thanh Hóa còn dưới mức BĐ1. Do lũ duy trì ở mức cao nên tình trạng ngập úng ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu sông Cả vẫn còn tiếp diễn.

Trong 2-3 ngày tới, trên các sông ở Bắc Trung Bộ xuất hiện một đợt lũ; riêng tại Nghệ An có khả năng xuất hiện lũ lớn; cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng cho biết, lũ sông Mekong đang lên, đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm. Mực nước cao nhất ngày 17/9 trên sông Tiền tại Tân Châu là 4,14m (trên BĐ2: 0,14m); trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,52m (trên BĐ2: 0.02m).

Dự báo, trong những ngày tới do lũ thượng nguồn về, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên chậm. Các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long cần chủ động phòng chống lũ lên cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên