Chữa bệnh ung thư bằng Thuốc Đông y

Chưa có cơ sở để kết luận

Có bệnh thì vái tư phương”, đó là tâm lý chung của hầu hết người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư. Từ nuốt thạch sùng sống, ăn giun đất đến uống thuốc nam với hy vọng sẽ sớm khỏi bệnh. Tuy nhiên, công dụng của những bài thuốc đó đến đâu chưa ai rõ...  

Lắm thầy nhiều ma"

Anh Hà, quê ở Hải Dương đang nằm điều trị bệnh ung thư dạ dày tại Bệnh viện K tâm sự: Được người nhà “mách”, anh lên Hòa Bình với hy vọng cây xạ đen sẽ là “thần dược” cứu sống mình. Sau 3 tháng uống thuốc, anh thấy những biểu hiện bệnh ngày càng rõ lên. Lo lắng, anh quay trở lại điều trị tại bệnh viện thì được các bác sỹ kết luận bệnh của anh đã chuyển sang giai đoạn hai (giai đoạn trầm trọng hơn - PV) với các biến chứng phức tạp gây khó khăn cho điều trị.

Chợ thuốc Đông y tại phố Lãn Ông

Chị Thủy, quê Thái Bình, bệnh nhân bị ung thư vú, vừa qua cơn cấp cứu tại Khoa Ngoại - Bệnh viện K cho biết, khi phát hiện bị ung thư chị đã tự ý đắp cao của thầy lang gần nhà, khiến da bị hoại tử, lở loét nhiều vùng xung quanh.

Vào vai người nhà bệnh nhân ung thư đang tìm thuốc chữa, phóng viên đã được bà hàng nước ngay cổng Bệnh viện K “thuyết trình” rất nhiều loại thuốc như: nước lá đu đủ, canh dưỡng sinh, nước trái nhàu…, thậm chí có các loại rất đắt như vẩy tê tê, tắc kè bay, sừng tê giác, mật gấu… Qua tìm hiểu, giá của những thang thuốc trên cũng rất hấp dẫn người bệnh, đặc biệt những bệnh nhân nghèo, như: thang thuốc gồm táo tàu, cam thảo và một vài vị thuốc chỉ có giá 20.000 đồng/thang, 65.000 đồng/kg gốc xạ đen và 30.000 đồng/g lá trinh nữ hoàng cung,…

Có chữa được ung thư?

Để làm sáng tỏ công dụng của những thang thuốc trên đối với bệnh nhân ung thư, ngày 19/4/2010, PV Báo TNVN đã làm việc với GS.TS Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư. Ông Đức cho biết, cho đến nay, việc điều trị ung thư ở tất cả các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều phải dựa vào cơ sở khoa học hết sức chặt chẽ vì bệnh ung thư là một căn bệnh ác tính của tế bào, hay di căn. Nếu phát hiện sớm, có thể chữa khỏi được nhiều bệnh ung thư; nếu phát hiện muộn sẽ rất khó khăn, vì vậy phải chẩn đoán thật chính xác bằng các phương tiện khoa học tại các bệnh viện như lấy tế bào, soi kính hiển vi… Rất nhiều cơ sở chẩn đoán không rõ, mập mờ, tuyến y tế huyện, xã không thể chẩn đoán được bệnh ung thư vì không có thiết bị y tế đủ tiêu chuẩn, đặc biệt những thầy lang thì càng không thể chẩn đoán được căn bệnh ung thư. Phải căn cứ vào từng loại ung thư khác nhau, ở từng giai đoạn khác nhau mà có phương pháp điều trị thích hợp.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, hiện chỉ có 3 phương pháp điều trị bệnh ung thư đạt hiệu quả, đó là: phẫu thuật (cắt bỏ khối u); xạ trị (diệt nốt những tế bào ung thư hay những chỗ không cắt bỏ được) và hóa trị (dùng thuốc để điều trị loại ung thư lan tỏa, di căn mà phẫu thuật và xạ trị không xử lý được). Hiện nay, các phương tiện y học ngày càng hoàn thiện hơn nên có thể tiến hành ghép tạng, vi phẫu, phẫu thuật rộng hơn, xạ trị có máy gia tốc hiện đại phát ra tia phóng xạ tập trung vào vùng ung thư tránh ảnh hưởng đến chỗ lành bệnh,… vì vậy việc điều trị cho bệnh nhân ung thư đã đạt được bước tiến xa.

“Đến nay, chưa có một bệnh nhân hay công trình nào khẳng định thuốc Đông y giúp bệnh nhân ung thư khỏi bệnh. Điều này đã được các viện, Hội Y học cổ truyền không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Trung Quốc khẳng định. Việc chữa bệnh ung thư bằng Đông y ở Việt Nam là có một không hai trên thế giới vì hình thức chẩn đoán, kê đơn, thậm chí bốc thuốc đều được truyền miệng. Ngay tại Bệnh viện K, có nhiều trường hợp đang điều trị tại bệnh viện nhưng nghe lời giới thiệu đã bỏ đi chữa thầy lang, khi quay lại thì “cửa tử thần” đã mở rộng đón họ”, ông Đức khẳng định.

Cùng quan điểm với GS.TS Nguyễn Bá Đức, bác sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng khoa y học cổ truyền Bệnh viện K cho biết, thông tin thuốc Đông y chữa khỏi bệnh ung thư là không chính xác. Thuốc Đông y chỉ có công dụng hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh vì khi bị ung thư, người bệnh sẽ bị viêm nhiễm, bệnh xoang, suy kiệt nên thuốc Đông y giúp họ khỏe hơn, nâng cao thể trạng. Chẳng hạn như tắc kè bay chỉ có tác dụng bổ phế, giảm ho nên khi bị ung thư phổi sẽ giúp long đờm, giúp dễ thở; cây xạ đen hay vẩy tê tê sẽ giảm viêm nhiễm nên khối u sẽ nhỏ đi nhưng bản chất khối u không hết mà khối u chỉ không chèn ép nên người bệnh không thấy đau. Bác sỹ Hằng khuyên: “Bệnh nhân ung thư nên đến bệnh viện chuyên ngành để được bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị sớm. Việc dùng thuốc Đông y cũng phải theo đúng pháp đồ điều trị mới giúp cho người bệnh nhanh chóng hồi phục. Người bệnh đừng bỏ qua cơ hội cứu sống mình khi chưa quá muộn cũng như đừng quá đặt niềm tin vào thuốc Đông y”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên