Công trình ngầm đô thị

Chưa có quy hoạch tổng thể

Quỹ đất bề mặt của các đô thị lớn ở Việt Nam đã gần như cạn kiệt, trong khi việc phát triển công trình ngầm lại bị lãng quên dù được đánh giá là “mỏ vàng” với rất nhiều tiềm năng...

Thiếu không gian ngầm đô thị

Phát triển các công trình ngầm tại các đô thị ở Việt Nam là lĩnh vực còn mới mẻ. Công tác quy hoạch và cơ chế điều chỉnh vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu chập chững. ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp... Dù bãi đỗ xe tĩnh rất thiếu, nhưng hàng loạt công sở, tòa nhà lớn xây dựng trong nội thành lại “quên” làm tầng hầm hoặc có nhưng quy mô không đủ đáp ứng yêu cầu. Hệ quả là: đường, hè phố vốn đã chật hẹp nay lại phải “gánh” thêm lượng xe cộ “tràn” ra từ các tòa nhà thiếu tầng hầm. TS. Lưu Xuân Hùng, Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, sử dụng các phương tiện giao thông ngầm như tàu điện ngầm sẽ giảm được tắc nghẽn giao thông mặt đất, giảm được lượng khí thải ô tô nhờ chuyển thị phần giao thông từ ô tô sang đường sắt.

Chưa có quy hoạch

Theo các chuyên gia, việc chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị, tức là thiếu một tầm nhìn tổng thể đang gây khó khăn cho công tác quản lý và đầu tư về lĩnh vực này. Ngay cả việc Hà Nội thực hiện dự án hạ ngầm đường dây nổi với chi phí rất lớn cũng chưa thể thực sự gọi là những công trình ngầm.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng: “Tại các đô thị Việt Nam do thiếu quy hoạch nên công trình xây dựng mạnh ai nấy xây, hệ thống móng cọc chằng chịt, máy đào chuyên nghiệp sẽ không phát huy hiệu quả vì vướng các chướng ngại vật trong lòng đất”.

Phát triển không gian ngầm đô thị hiện nay tại Việt Nam không chỉ tập trung vào những công trình mang tính hạ tầng kỹ thuật thuần túy như hệ thống đường dây, đường ống mà phải đi theo hướng những công trình ngầm đa chức năng bao gồm tổ hợp trung tâm thương mại, sinh hoạt công cộng, vui chơi giải trí... Có như vậy mới phát huy hết hiệu năng kinh tế của không gian ngầm đô thị.

Ông Lê Khắc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vincom

Còn TS. Nguyễn Hồng Tiến, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) ví von, những công trình “ngầm” ở Việt Nam đang thực hiện, hiện nay mới chỉ đơn giản là... “chôn xuống đất” chứ không có một quy hoạch tổng thể. Bởi thế việc đào lên rồi lại lấp xuống vẫn sẽ còn diễn ra.

Theo các chuyên gia, quy hoạch dưới lòng đất rất phức tạp bởi ngoài chuyện phải sử dụng kỹ thuật hiện đại của nhiều chuyên ngành như địa chất, thuỷ văn, xây dựng, văn hoá, lịch sử… còn phải có nguồn lực tài chính lớn và quan trọng nhất là tầm nhìn quy hoạch. Mặt khác, việc đào hầm sẽ làm thay đổi đất vĩnh viễn và việc dỡ bỏ cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, các vấn đề về thông hơi, chiếu sáng, chống ngập, cấp - thoát nước, phòng chống cháy nổ… là những vấn đề phải cân nhắc. Do vậy, “việc cải tạo phát triển đô thị luôn phải có sự kết hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa các công trình trên mặt đất và công trình dưới mặt đất” - ông Tiến nói.

Cần một khung pháp lý đồng bộ

Hiện nay, hầu hết các cơ quan chức năng và nhà đầu tư hiện nay vẫn hết sức lúng túng khi triển khai xây dựng và phải chờ đợi ý kiến của các ban, ngành chức năng trong một thời gian rất dài nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Chính vì vậy, thực trạng phổ biến tại một số công trình đã được triển khai trước đây, các cơ quan chức năng vẫn phải “tùy nghi” trong các quyết định.

Ông Trần Trọng Hiếu - Đại diện của Sở xây dựng Hà Nội - kiến nghị: “Bộ Xây dựng cần sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình ngầm đô thị; Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị thành phố Hà Nội mở rộng làm cơ sở cho việc xây dựng ngầm đô thị; Nghiên cứu, ban hành các thiết kế mẫu các tuy nen kỹ thuật và hào kỹ thuật để lắp đặt sử dụng; Ban hành cơ chế đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị để  xã hội hóa đầu tư”.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Luật Quy hoạch đô thị chưa đề cập đầy đủ các quy định về công trình ngầm; các đô thị chưa có quy hoạch không gian ngầm; quy chuẩn kỹ thuật cho các loại công trình ngầm chưa thống nhất. Tất cả những điều này đã và đang làm chậm quá trình đô thị hóa tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Trước những kiến nghị trên, ngày 14/8, Bộ Xây dựng đã có Thông tư Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình ngầm đô thị mang mã số QCVN 08:2009/BXD: Phần 1. Tàu điện ngầm; Phần 2. Ga ra ô tô. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2009./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên