Chúng tôi đi chiến trường Quảng Trị

Chính những tin, bài nóng bỏng chân thực và rất kịp thời là sự động viên, cổ vũ lớn lao không chỉ với mỗi người dân, mỗi người chiến sỹ Việt Nam mà còn đến với cả bạn bè, người dân ở khắp năm châu bốn biển. Và đấy cũng là diện mạo, là thế mạnh của Đài TNVN  

Một sớm trong ngày cuối tháng 3/1972, tôi được anh Phạm Tuân - Trưởng ban Văn nghệ - gọi lên giao nhiệm vụ vào mặt trận Quảng Trị.

Ngắn, gọn, không vòng vèo, anh vào việc luôn:

- Ban Văn nghệ phân công Tuấn Vinh đi Quảng Trị. Sẵn sàng không?

- Sẵn sàng anh ạ.

- Thế thì tốt rồi.

Vốn kiệm lời khi giao việc, nhưng sau đó anh nói thêm:

- Đi chuyến này có khác đấy. Tuấn Vinh đã là người lính, sẽ thuận lợi hơn khi là phóng viên chiến trường. Gắng phản ánh kịp thời, viết cho thực, cho hay. Mấy cái bút ký, ghi chép của cậu về Quảng Bình, Vĩnh Linh vừa rồi được đấy. Phát huy lên. Có yêu cầu gì không? Không à. Tốt. Vậy coi như xong.

Ra đến cửa phòng, tôi được anh Phạm Tuân gọi lại:

- Suýt nữa thì quên. Có quà cho Tuấn Vinh đây.

Anh lấy trong ngăn kéo một hộp thuốc xì gà và đưa cho tôi một điếu. Anh bảo:

- Xì gà Cu Ba, bạn vừa đi Lahabana về cho đấy. Để dành, chưa hút điếu nào đâu. Tặng Tuấn Vinh một điếu.

Anh chủ động bắt tay tôi. Chặt, ấm áp và tin cậy. Rồi anh nói thêm.

- Đi, rồi lành lặn về. Đấy cũng là nhiệm vụ, rõ chưa Tuấn Vinh.

- Dạ. Rõ ạ.

Chân dung tác giả Tuấn Vinh

Anh Phạm Tuân đã mất lâu rồi, nhưng đến giờ tôi vẫn giữ những kỷ niệm đằm sâu về anh cũng như các bạn bè cùng lứa với anh ở Ban Văn nghệ hồi đó: Hoàng Tấn, Bùi Công Kỳ, Trần Thông Côn, Trần Chung, Phạm Thành…

Ba, bốn hôm sau khi anh Phạm Tuân giao nhiệm vụ thì tôi lên đường cùng với các phóng viên khác của Đài TNVN: Hữu Nam, Trương Nghĩa Tiến, Đình Lương, Trúc Thông, Đào Quang Cường. Chúng tôi được “Ban Thống Nhất Trung ương” trang bị khá đầy đủ theo tiêu chuẩn cán bộ đi B ngắn: Mũ tai bèo, quần áo, ba lô con cóc, bi đông, dao găm, chăn, màn, võng, tăng, thuốc phòng bệnh sốt rét và đường ruột, lương khô… Riêng tôi còn được phát thêm 4 băng đạn và một khẩu súng AK, loại súng mà hồi còn ở bộ binh trước khi chuyển sang binh chủng tên lửa (D1 E274) tôi đã từng sử dụng.

Không hiểu trước chuyến đi này, đồng nghiệp tôi ở các phòng, ban khác có gặp mặt, động viên chia tay hay không? Còn ban và phòng tôi thì không. Dẫu rằng phòng văn học chúng tôi sống thuận hòa, đùm bọc, nể trọng nhau. Cách sống này, không khí ấm áp ấy vẫn còn nguyên cho đến khi lứa chúng tôi luân phiên về hưu.

Việc không gặp mặt, chia tay, động viên cũng là bởi việc vào tuyến lửa, đi chiến trường vốn là chuyện tất nhiên, bình thường đối với mỗi phóng viên của Đài TNVN. Ngay cả gia đình tôi cũng vậy. Tôi ở nhà của bố mẹ ở phố Cầu Gỗ, vợ là cô giáo dạy toán, 2 con còn nhỏ. Giờ sau 37 năm viết lại những dòng hồi ức này, có một chi tiết khiến tôi càng áy náy và trách cứ vì sự vô tâm của mình. Ấy là khi sửa soạn đồ lề để tôi đi công tác, tôi có nói với vợ để lại một gói ruốc cho các con ăn. Nhưng vợ tôi không nghe, cứ nhét vào ba lô. Mà sao trước khi đi tôi không lén để gói ruốc đó vào cái chạn bát ở góc nhà.

Thời ấy khó khăn thiếu thốn lắm. Cả tháng con cái nhà Đài chúng tôi bữa cơm không có miếng thịt bạc nhạc là chuyện bình thường. Gói ruốc này những ngày sau đó tôi đã lấy ra mới biết là ruốc gà và cùng ăn với tổ giao liên ở Gio Linh khi phản lực Mỹ vẫn xèn xẹt trên không và phía Quán Ngang vẫn ầm ĩ, dội lại tiếng bom. Thấy mọi người khen ngon, khen lạ, tôi thương anh chị em, lại càng thương hai con và sự tần tảo chu đáo của vợ. Còn điếu xì gà Cu Ba mà anh Phạm Tuân cho, tôi và mấy anh em đặc công của bộ đội địa phương Quảng Trị cùng hút và cùng ho sặc sụa, cười hết cỡ, khi tôi gặp và nghe anh em kể những chuyện thần kỳ khi đánh tàu chiến ở Cảng Cửa Việt. Chi tiết này tôi không đưa vào trong bút ký “Chiều sâu Cửa Việt” mà sau đó được phát ở trên Đài, in báo cũng như ở tập truyện ngắn và ký đầu tay của tôi “O giao liên Gio Linh” được Nhà Xuất bản Lao động ấn hành tháng 1/1973.

Lại cũng có một chi tiết nữa, đó là chiếc đài bán dẫn 2-3 băng gì đó của Nhật. Đây là đài của cơ quan, Đình Lương đưa cho tôi sử dụng khi anh xong nhiệm vụ, về 58 Quán Sứ (đoàn chúng tôi đi hồi ấy được phân công nhiệm vụ khác nhau). Chiếc đài bán dẫn nhỏ xinh chất lượng cao, bắt được nhiều sóng này hồi ấy thực sự là của hiếm, phải là thủ trưởng cấp nào kia mới được phát. Phần tôi, sau những ngày được sống, được hòa vào một phần rất nhỏ của mỗi cán bộ, người dân trong những tháng ngày hào hùng gian khổ ở một ấp mới giải phóng bên con sông Vĩnh Phước, tôi không chỉ phản ánh mà còn tin tưởng và cả kỳ vọng cho một mai này nơi đây sẽ có những bước ngoặt hệ trọng, đổi thay lớn lao.

Làm đẹp ngay trong chiến trận (ảnh: Đoàn Công Tính)

Những cảm xúc của tôi, cảnh và người với những số phận cùng những khát khao mong ước của mọi người ở ấp này tôi đã trao gửi trong ký sự “Chuyện ở ấp mới giải phóng”. Nhưng có một chi tiết rất đắt, rất đời mà tôi không đưa vào trong ký sự. Cũng là do non nớt, thiếu từng trải. Ấy là mỗi lần làm việc không chỉ có chị Ly - Trưởng ấp, anh Nam - Bí thư chi bộ, anh Quân - Trưởng ban an ninh mà còn có nhiều bà con và anh chị em khác. Những lần gặp gỡ ấy đa phần vào buổi tối. Vì ban ngày có bao công việc lớn nhỏ, ngổn ngang bề bộn mà lãnh đạo ở đây phải giải quyết. Lần nào làm việc xong cũng đã khuya rồi. Nhưng các anh các chị ấy không muốn nghỉ và chỉ có một yêu cầu được nghe đài, nhất là chương trình “Tiếng thơ”, hoặc chương trình “Dân ca, nhạc cổ truyền Bắc Trung Nam”. Lúc ấy, dường như mọi người trong ấp đều tự động đến để nghe đài. Không có đèn đóm, chỉ có trăng sao mờ tỏ với bao gương mặt mê đắm như uống từng giọt ngâm, lời ca tiếng hát trên những giao thông hào, hầm chiến đấu. Rõ ràng ở một ấp mới giải phóng như thế này, Đài TNVN, đúng hơn chiếc đài bán dẫn là cầu nối, nguồn động viên vô tận với lãnh đạo cũng như bà con trong ấp. Vậy mà sau mấy ngày làm việc, khi tạm biệt bà con thì chiếc đài bán dẫn này dẫu là đài công thì tôi sao không sáng dạ, thông minh tặng lại bà con, về báo cáo với Ban, với Đài chắc là cơ quan không phê bình mà còn rất đồng tình với việc làm ấy.

Vậy là tôi đã bồi hồi hối hả khi đặt những bước chân đầu tiên lên cầu Hiền Lương vắt ngang con sông dằng dặc cách chia giữa ban ngày. Cũng giữa ban ngày, tôi vào Dốc Miếu, Cửa Việt, Đông Hà, Ái Tử, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị. Tôi cũng đã có đôi lần mà nếu không có sự thông minh, dũng cảm của mấy o giao liên ở các trạm hẳn cũng bị dính bom tọa độ, bom phản lực cũng như phi pháo của Mỹ từ ngoài khơi cấp tập… Nhưng tất cả những điều ấy nào có thấm tháp gì với bà con Quảng Trị, với những người lính, đặc biệt với những người lính anh hùng, vô danh trong 81 ngày đêm dữ dội, ác liệt để bảo vệ Thị xã - Thành cổ Quảng Trị.

Và cũng bởi thế trong bài viết này, tôi chỉ muốn chấm phá thêm một vài chi tiết nho nhỏ, đời thường để nhớ lại một thời anh em phóng viên Đài TNVN thênh thênh vào tuyến lửa trong những tháng năm gian khổ, ác liệt và cũng đầy bi tráng, hào hùng của cả dân tộc. Chính những tin, bài nóng bỏng chân thực và rất kịp thời là sự động viên, cổ vũ lớn lao không chỉ với mỗi người dân, mỗi người chiến sỹ Việt Nam mà còn đến với cả bạn bè, người dân ở khắp năm châu bốn biển. Và đấy cũng là diện mạo, là thế mạnh của Đài TNVN. “Tiếng nói Việt Nam” là thế đấy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên