Hà Nội:

Chuyện lạ, chợ hoa quả Dương Liễu mới xây 2 năm xã muốn đập đi xây mới

VOV.VN - Hàng chục tiểu thương chợ hoa quả Dương Liễu lo lắng trước chủ trương của xã Dương Liễu muốn đập chợ mới xây cách đây 2 năm để xây chợ mới tương đương

Theo đơn thư phản ánh của các tiểu thương đang buôn bán tại chợ hoa quả Dương Liễu, năm 2015, UBND xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức,  cắm mốc giới giao cho các hộ và ký sổ nhận ô cho từng hộ dựng gian hàng cột thép bắn lợp mái tôn, cho mắc điện… để các hộ ổn định kinh doanh lâu dài.

Các dãy hàng chợ hoa quả Dương Liễu.

Theo đó, các hộ đã bỏ hàng trăm triệu đồng xây dựng các gian hàng để kinh doanh hoa quả. Mỗi gian hàng đầu tư khoảng 50 triệu đồng, có gian lên tới 100 triệu đồng quy mô khang trang, thông thoáng. Nhiều hộ phải vay mượn tín dụng để đầu tư kinh doanh chưa trả xong nợ.  Theo các tiểu thương cho biết, việc họ dựng cột thép và bắn tôn lợp kiên cố các dãy hàng, gian hàng đẹp thông thoáng có sự giám sát của Ban quản lý chợ hoa quản. Nếu các hộ kinh doanh tự ý lấn chiếm xây dựng trái phép thì đương nhiên chính quyền UBND xã sẽ lập biên bản xử phạt và bị cưỡng chế ngay.

Thế nhưng công việc buôn bán đang thuận lợi, bất ngờ các tiểu thương nhận được chủ trương phá bỏ chợ cũ để xây dựng chợ mới.

Bà Nguyễn Thị Phượng, tiểu thương chợ hoa quả Dương Liễu cho biết, ngày 15/8/2017 vừa qua, các hộ tiểu thương nhận được giấy mời của UBND xã Dương Liễu họp Hội nghị lấy ý kiến tham gia đóng góp vào Phương án quy hoạch nâng cấp, cải tạo chợ hoa quả.

UBND huyện Hoài Đức không có chủ trương cho phép xây chợ mới.

Phương án nâng cấp, cải tạo chợ, khiến các tiểu thương càng thêm bức xúc khi họ biết rằng, việc phá chợ hoa quả này, tương đương với chợ hạng 3 để xây một chợ cấp ba khác cùng hạng. “Việc xã triệu tập bà con ra họp và tuyên bố phá chợ làm lại để phân lô đấu thầu là rất mập mờ. Vì vậy chúng tôi không đồng ý với phương án UBND xã đưa ra”- bà Phượng nói.

Theo bà Nguyễn Thị Vân, buôn bán tại chợ hoa quả Dương Liễu, các hộ kinh doanh buôn bán hoa quả ở đây luôn chấp hành mọi quy định của xã, đóng góp đầy đủ các khoản thu của địa phương.

Các tiểu thương trong chợ hoa quả cho hay, qua tìm hiểu được biết, các chợ nông thôn và cận nông thôn chợ hoa quả xã đạt chuẩn (đường rộng 9m, cao 5m). Các tiểu thương cũng tố việc thu phí chỗ ngồi ở chợ hoa quả cao bất thường và không có biên lai đúng quy định.

Một tiểu thương cho biết: “Thu của chúng tôi hàng trăm triệu đồng nhưng xã chỉ thông báo thu được 50 triệu đồng”.

Các tiểu thương cho rằng, nếu xã muốn mở rộng thêm chợ thì quỹ đất của xã khu vực xung quanh chợ còn nhiều. Khu chợ rau ngay cạnh được xã xây dựng lên từ nhiều năm nay vẫn còn nhiều ô chưa sử dụng hết rất lãng phí.

Huyện không cho phép cải tạo chợ

Bức xúc trước ý định đập bỏ chợ hoa quả để xây chợ mới của chính quyền xã Dương Liễu. Các hộ tiểu thương tại chợ hoa quả Dương Liễu đã  có đơn thư tới UBND huyện Hoài Đức, trong đó 2 lần nhận được văn bản của Ban tiếp công dân huyện. Tại văn bản mới nhất ngày 29/8/2017, giải quyết kiến nghị của công dân xã Dương Liễu, Ban Tiếp công dân (HĐND -UBND huyện Hòai Đức) khẳng định: “Đã giao UBND xã Dương Liễu kiểm tra, giải quyết kiến nghị của các hộ kinh doanh, báo cáo UBND huyện. Hiện nay, huyện chưa nhận được báo cáo của UBND xã Dương Liễu về việc quy hoạch, nâng cấp và cải tạo lại chợ hoa quả và UBND huyện cũng không có chủ trương cho phép việc này”.

UBND huyện Hoài Đức đã khẳng định không có chủ trương, thế nhưng theo bà con tiểu thương, xã Dương Liễu vẫn quyết làm chợ?!

Ông Phí Đình An, Chủ tịch xã Dương Liễu trao đổi về chủ trương xây chợ của xã.

Ngày 13/9 vừa qua, phóng viên VOV làm việc với ông Phí Đình An – Chủ tịch UBND xã Dương Liễu xung quanh vấn đề xây dựng chợ mới. Ông An cho biết, xã đã có ý thức xây dựng một chợ hoa quả ổn định từ sớm nên quy hoạch đã có từ năm 2010 được HĐND xã phê duyệt. Xã đã đưa quy hoạch này vào các buổi tiếp xúc cử tri công khai, nhưng bà con tiểu thương có thể mải kinh doanh, hoặc biết nhưng cố tình không biết.

Hiện xã Dương Liễu đã mời một đơn vị về để lập quy hoạch chung, thiết kế phân lô các khu vực và mời toàn bộ người kinh doanh tham gia đóng góp ý kiến dự thảo. Hiện nay, dự án chợ mới vẫn chỉ dừng lại tại bước lấy ý kiến người dân chứ chưa triển khai các bước tiếp theo.

Lãnh đạo xã thông tin, chợ hoa quả tạm này không được xếp vào chợ hạng 3, bởi chưa có hệ thống tiêu thoát nước, phòng cháy, đường điện quy chuẩn… Hiện nay chợ tạm mới chỉ xây dựng trên 3.300m2, trong khi chợ tương lai sẽ rộng 12.000 mét vuông, có khoảng 190 gian hàng. Tương lai, chợ sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.

Các dãy hàng chợ rau ngay sát chợ hoa quả bỏ không lãng phí.

Mới đây, UBND xã đã có báo cáo nhanh với UBND huyện Hoài Đức về việc cải tạo chợ, đồng thời nhất trí giữ nguyên khu vực đang kinh doanh ổn định. Việc nâng cấp chợ vẫn được tiến hành tại các khu vực đã quy hoạch, vị trí các hộ đang kinh doanh sẽ được đầu tư ở phân đoạn sau cùng. Các hộ kinh doanh sẽ có thêm thời gian chuẩn bị, thu hồi lại vốn đầu tư. “Chúng tôi sẽ sớm có buổi họp với toàn bộ tiểu thương để trao đổi về quyết định mới này” ông An khẳng định.

Về phản ánh của tiểu thương câu chuyện  mập mờ trong thu tiền phí tham gia buôn bán, lãnh đạo xã khẳng định: “Do chợ tạm nên không có chủ trương thu phí”. Các hộ kinh doanh chỉ đóng góp tiền vệ sinh, tu sửa đường sá, thuế cho nhà nước… Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, Ban chấp hành (BCH) Đoàn xã đề xuất triển khai thu phí tại chợ, khi chưa được tập thể xã phê duyệt đã tự triển khai thu. Mỗi gian hàng phải đóng trung bình khoảng 2,5 triệu đồng/năm. “Chúng tôi đã yêu cầu BCH Đoàn xã, Tổ quản lý chợ báo cáo tiền thu rõ ràng, thu được bao nhiêu, chi bao nhiêu để báo cáo sớm nhất”, lãnh đạo xã Dương Liễu cho hay./.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chợ hoa quả xã Dương Liễu hình thành từ cách đây hàng chục năm tại khu Ải Cả. Vào đầu năm 2015, do nơi đây được quy hoạch làm trung tâm văn hoá- thể dục thể thao của của xã nên chợ được chuyển tới khu đất Cửa Đình. Khi đó, khu đất Cửa Đình là một bãi lầy, cỏ dại mọc um tùm do bỏ hoang nhiều năm. Khi giao đất, cán bộ địa chính xã đo đạc cẩn thận từng diện tích để bàn giao cho các tiểu thương. Từ một vũng bùn lầy, không được hỗ trợ gì, các tiểu thương đã đóng góp kinh phí làm đường, dẫn điện, làm các dãy hàng kiên cố, cao ráo…/.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chợ sắp sụp tiểu thương vẫn không dời sang chợ mới
Chợ sắp sụp tiểu thương vẫn không dời sang chợ mới

VOV.VN - Trong khi chợ mới vừa xây dựng khang trang, với số tiền 21 tỷ đồng, cách chợ cũ vài trăm mét nhưng tiểu thương lại không chịu vào chợ mới.

Chợ sắp sụp tiểu thương vẫn không dời sang chợ mới

Chợ sắp sụp tiểu thương vẫn không dời sang chợ mới

VOV.VN - Trong khi chợ mới vừa xây dựng khang trang, với số tiền 21 tỷ đồng, cách chợ cũ vài trăm mét nhưng tiểu thương lại không chịu vào chợ mới.

Dân Hà Nội bức bối với chợ tạm, chợ cóc gây ô nhiễm môi trường
Dân Hà Nội bức bối với chợ tạm, chợ cóc gây ô nhiễm môi trường

VOV.VN - Việc xóa bỏ các chợ tạm, chợ cóc là công việc khó khăn, nhưng cần triển khai ngay và cần có sự phân cấp rõ ràng.

Dân Hà Nội bức bối với chợ tạm, chợ cóc gây ô nhiễm môi trường

Dân Hà Nội bức bối với chợ tạm, chợ cóc gây ô nhiễm môi trường

VOV.VN - Việc xóa bỏ các chợ tạm, chợ cóc là công việc khó khăn, nhưng cần triển khai ngay và cần có sự phân cấp rõ ràng.

Chợ cóc tăng mạnh ở Hà Nội: Dẹp chỗ này lại “mọc” chỗ khác?
Chợ cóc tăng mạnh ở Hà Nội: Dẹp chỗ này lại “mọc” chỗ khác?

VOV.VN - Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nôi, trong quản lý chợ hiện vẫn còn một số hạn chế tồn tại quy trình chuyển đổi một số chợ chưa công khai minh bạch

Chợ cóc tăng mạnh ở Hà Nội: Dẹp chỗ này lại “mọc” chỗ khác?

Chợ cóc tăng mạnh ở Hà Nội: Dẹp chỗ này lại “mọc” chỗ khác?

VOV.VN - Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nôi, trong quản lý chợ hiện vẫn còn một số hạn chế tồn tại quy trình chuyển đổi một số chợ chưa công khai minh bạch