Chuyện về 8 liệt sỹ xứ Thanh hy sinh ở Hang Tám Cô

VOV.VN - Câu chuyện về sự hy sinh của 8 thanh niên xung phong tại Hang Tám Cô đã gây xúc động mạnh với những ai tới Khu di tích Đường 20 Quyết Thắng.

Xúc động trước “ngôi mộ tập thể”

Những ngày tháng 7 lịch sử này, Khu di tích Đường 20 Quyết Thắng giữa đại ngàn Trường Sơn thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch – Quảng Bình đón rất nhiều đoàn khách tới thăm, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh khi tham gia mở con đường huyết mạch, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từng dòng người xếp hàng vào Khu di tích tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ

Nhiều người tới đây đã không cầm được nước mắt khi nghe người thuyết minh kể lại câu chuyện về sự hy sinh của 8 thanh niên xung phong, ở độ tuổi 18 – 20, cùng quê huyện Hoằng Hóa – Thanh Hóa vào tháng 11/1972 tại “tọa độ lửa” – Đường 20 Quyết Thắng này. Đó là một chiều đỏ lửa ngày 14/11/1972, khi B52 của Mỹ tiến hành “rải thảm” tuyến Đường 20. Đội Thanh niên xung phong 163 của Ban 67 đã chạy vào hang đá gần đó ẩn trú. Một loạt bom giáng xuống đã khiến 5 chiến sỹ pháo binh hy sinh ngay tại cửa hang. Ngay sau đó, một tiếng nổ khủng khiếp vang lên, tảng tá khổng lồ đã sập xuống bịt kín miệng hang, trong đó có 8 thanh niên xung phong, gồm 4 nam và 4 nữ.

Khi tiếng bom tạm lắng, những đồng đội bên ngoài đã nỗ lực tìm cách cứu các anh chị mắc kẹt bên trong, nhưng sức người vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên và tất cả đành bất lực nhìn đồng đội từng giờ, từng phút yếu ớt dần. Nghe tiếng kêu vẳng ra từ hang đá của đồng đội, những người bên ngoài chỉ biết xót thương, đau đớn gạt nước mắt. Chỉ cách nhau gang tấc mà đành nhìn các anh chị chết dần, chết mòn. Đến ngày thứ 9 thì không còn ai nghe thấy tiếng kêu vọng ra nữa. Có người kể rằng, tiếng kêu cuối cùng mà họ nghe thấy là tiếng gọi “Mẹ ơi”…

Du khách xúc động khi được nghe hướng dẫn viên kể lại câu chuyện hy sinh bi tráng của các liệt sỹ tại Hang Tám Cô

Đến năm 1996, tỉnh Quảng Bình quyết định phá tảng đá lấp cửa hang để đưa hài cốt 8 liệt sỹ về quê nhà. Giờ đây, du khách có thể vào trong lòng hang, nơi các anh chị đã ngã xuống, để thắp nhang hành lễ. Bên ngoài, tấm bia khắc tên của 8 liệt sỹ thanh niên xung phong cùng 5 liệt sỹ Binh chủng Pháo binh. Tên tuổi của các anh chị là Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Mậu Kỹ, Nguyễn Văn Vụ, Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Đỗ Thị Loan và Lê Thị Lương (đều quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa). 5 liệt sỹ Binh chủng Pháo binh là Mai Đức Hùng, Đinh Công Đính, Nguyễn Văn Quận, Sầm Văn Mắc và Nguyễn Văn Thủy.

Tám liệt sỹ có cả nam và nữ, nhưng người dân lại gọi là Hang Tám Cô. Có người cho rằng, tên hang có từ trước và con số 8 chỉ là sự trùng hợp. Cũng có những câu chuyện kỳ bí đằng sau sự hy sinh của các anh chị… Song câu chuyện có thật về sự hy sinh cao cả của những người con xứ Thanh tại đây được Ban Quản lý di tích, những hướng dẫn viên và người dân địa phương hết sức khâm phục và lan truyền như một kênh giáo dục truyền thống.

Bên trong Hang Tám Cô, nơi 8 liệt sỹ đã ngã xuống

Về quê những liệt sỹ Hang Tám Cô

Chúng tôi có dịp về vùng quê Hoằng Trường, Hoằng Hóa - mảnh đất anh hùng luôn tự hào với các cụ lão dân quân bắn rơi máy bay. Nơi đã dâng hiến 3 người con trong số 8 người đã hy sinh tại hang Tám Cô. Tìm về gia đình liệt sỹ Trần Thị Tơ, người con gái, người chị cả đang tuổi xuân thì đã xung phong ra chiến trận. Trong căn nhà mới được xây dựng, tấm Bằng Tổ quốc ghi công được người em trai đặt ở vị trí trang trọng, như muốn nhắc nhở các thế hệ sau về tấm gương của chị, liệt sỹ Trần Thị Tơ. 

Kể cho chúng tôi nghe về cái ngày người con gái đang là thư ký đội cho hợp tác xã nông nghiệp đã gác lại công việc để lên đường, người em ruột Trần Như Thảo nhớ lại: “Sau khi học hết lớp 5 thì chị làm thư ký đội cho hợp tác xã nông nghiệp lúc bấy giờ. Đến năm 1971, khi đó chị Tơ mới 17 tuổi, chị đã đăng ký đi thanh niên xung phong. Cả gia đình lúc đó ai cũng không đồng ý, lo lắng, thân gái tuổi mới lớn mà đã ra chiến trường, bom đạn. Nhưng chị ấy cứ khăng khăng xung phong đi. Gia đình tôi lúc ấy rất khó khăn, bố mất sớm chỉ còn mẹ và ba chị em, chị Tơ là chị cả, là lao động chính trong gia đình.

Tấm Bằng Tổ quốc ghi công luôn được người em trai của liệt sỹ Trần Thị Tơ gìn giữ cẩn trọng

Trước ngày chị lên đường, chị có dặn tôi phải chăm sóc mẹ, chờ chị về. Thế nhưng chị đã ra đi mãi mãi. Ngày biết chị hy sinh, tuy đau buồn nhưng mẹ tôi bảo, chị của các con đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, thế nên càng thôi thúc chúng tôi cố gắng. Sau đó, đến năm 1974 nối tiếp tấm gương chị, tôi lên đường nhập ngũ và đến năm 1981 thì phục viên trở về”.

Cùng thôn 3, xã Hoằng Trường với liệt sỹ Trần Thị Tơ, lúc bấy giờ còn có chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Phương, sinh năm 1954, cũng là một trong 8 người hy sinh tại hang Tám Cô. Khi đến gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Phương, người em trai Nguyễn Văn Phi đang tất bật với việc xây dựng ngôi nhà mới cho cậu con trai. Trong nhà, người mẹ già nay tròn 95 tuổi ngồi cạnh cơi trầu tò mò vì nghe tiếng người lạ đến chơi. Cũng dễ hiểu, bởi đã 42 năm qua, mẹ Lê Thị Ngơ (mẹ liệt sỹ Nguyễn Văn Phương) luôn mong mỏi người con trai cả Nguyễn Văn Phương trở về.

Mẹ Lê Thị Ngơ và người em trai Nguyễn Văn Phi của liệt sỹ Nguyễn Văn Phương

Tuy có nhiều chuyện mẹ muốn nói cho chúng tôi nghe về người con ưu tú của mình, nhưng do tuổi cao, sức yếu nên những dòng tâm sự luôn bị ngắt quãng. Thi thoảng mẹ lại dừng cuộc trò chuyện bởi cảm xúc ùa về, khiến người mẹ già nay chỉ biết đăm đăm nhìn về phía xa.

Mẹ Ngơ kể, mẹ sinh được 5 người con, liệt sỹ Phương là con cả. “Năm đó (năm 1971 - PV), nó mới 17 tuổi nhưng đã xung phong ra chiến trường. Nhà mẹ lúc đó đông con, nhà nghèo, hai vợ chồng chỉ có căn nhà hai gian lợp bằng rơm rạ gần bờ biển. Lúc thằng Phương đi, mẹ bảo nó là con cả, giờ nó đi đánh giặc, sau này về phải chăm sóc các em. Thế mà nó đi mãi chả (không) về… 

Hang Tám Cô đón đông đảo du khách tới hành lễ 

Đã 42 năm trôi qua kể từ khi những người con Hoằng Hóa đã anh dũng dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Tên tuổi của họ đã tạc vào những địa danh lịch sử nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã xây bức phù điêu để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Hang Tám Cô và Đường 20 Quyết Thắng. Đúng như lời khẳng định của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã viết trên bia trong Khu di tích: “Vươn cao muôn trượng bóng anh hùng/Tỏa sáng mười phương gương dũng kiệt… Đường 20: Một Miếu khang trang/Đỉnh Quyết Thắng: Trăm cờ khánh tiết/Tưởng niệm những anh hùng. Xót thương bao nghĩa liệt/Tuổi chẳng thọ, nhưng huân công mãi trường tồn/Thân dù tan, mà khí phách đời đời bất diệt…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều hoạt động tri ân Ngày Thương binh, liệt sỹ
Nhiều hoạt động tri ân Ngày Thương binh, liệt sỹ

VOV.VN - Các đoàn đến dân hương tưởng niệm tại các nghĩa trang; thăm, tặng quà thương bệnh binh, gia đình chính sách...

Nhiều hoạt động tri ân Ngày Thương binh, liệt sỹ

Nhiều hoạt động tri ân Ngày Thương binh, liệt sỹ

VOV.VN - Các đoàn đến dân hương tưởng niệm tại các nghĩa trang; thăm, tặng quà thương bệnh binh, gia đình chính sách...

Người thương binh 30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo
Người thương binh 30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

VOV.VN - Ngày nào cũng có hàng chục bệnh nhân ngồi chờ đến lượt chữa bệnh và họ gọi ông trìu mến: thầy Hai Tâm

Người thương binh 30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Người thương binh 30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

VOV.VN - Ngày nào cũng có hàng chục bệnh nhân ngồi chờ đến lượt chữa bệnh và họ gọi ông trìu mến: thầy Hai Tâm

Ngày thường của một thương binh
Ngày thường của một thương binh

VOV.VN - Dù bị liệt nửa người nhưng thương binh Trần Mạnh Tuấn (Hà Nội) vẫn cố gắng để có một cuộc sống bình thương như bao người...

Ngày thường của một thương binh

Ngày thường của một thương binh

VOV.VN - Dù bị liệt nửa người nhưng thương binh Trần Mạnh Tuấn (Hà Nội) vẫn cố gắng để có một cuộc sống bình thương như bao người...