Chuyện về ngôi đền thiêng thờ Bác Hồ trên đất Cù Lao Dung

VOV.VN - Toàn khu vực ĐBSCL có khoảng 15 ngôi đền thờ Bác Hồ được người dân xây dựng ngay khi nghe tin Bác từ trần.

Mỗi ngôi đền thờ đều có những câu chuyện kể riêng về những trận chống càn, những cuộc đấu tranh chính trị quyết giữ đền như giữ gìn tấc lòng son sắt, thủy chung với Đảng, với dân tộc dưới ngọn cờ và con đường Bác đã chỉ ra. Trong đó, ngôi đền thờ Bác Hồ trên đất Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng là một ví dụ. Qua nhiều thăng trầm, ngôi đền vẫn luôn là niềm kiêu hãnh truyền đời của người dân xứ cù lao và thành điểm đến, địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. 

Gian lưu niệm đền thờ Bác cũ ở Cù Lao Dung (ảnh: Lệ Hoa).

Với niềm tự hào sâu sắc, ông Lâm Văn Hiệp - cựu chiến binh xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung kể với chúng tôi về một đám giỗ chung đặc biệt trên đất cù lao quê ông - đám giỗ Bác Hồ vào ngày 3/9 hàng năm: “Những người dân quanh đây, dân tự ý thức tới ngày đó, đến đền thờ của Bác dọn dẹp bàn thờ của Bác tươm tất, sạch sẽ, cái lễ cho nó khang trang. Con cháu sau này, hàng năm nhớ lại, người lớn thể hiện như vậy nhớ ơn một người cha kính yêu của dân tộc để con cháu mai sau nối bước theo. 

Cũng như bao nhiêu người khác, trong nhà cũng tập trung nói chuyện truyền thống Cách mạng, tại sao huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chọn điểm xây dựng đền thờ Bác ở đây, nói đó là một ý nghĩa, tấm lòng của nhân dân ở đây như thế nào đối với Bác. Cho con cháu biết có Bác mới có ngày hôm nay. Từ đó để con cháu hiểu trong cuộc đời hoạt động của Bác, Bác không có gì riêng cả”.

Người dân cù lao kể rằng: Đền Phủ thờ Bác được nhân dân và Đảng bộ huỵên Long Phú (trước đây) xây dựng tại xã An Thạnh Đông từ ngay sau ngày Bác Hồ mất năm 1969, đến đúng ngày 19/5/1970 thì khánh thành, là một trong những ngôi đền thờ Bác hình thành sớm nhất ở khu vực Nam bộ. Ngôi đền nguyên bản chỉ đơn sơ bằng tranh, tre, gỗ, lá có cổng rào và gian thờ nằm ẩn trong mát xanh cây lá của xứ cù lao. Đền được du kích và người dân trong vùng chăm sóc khói hương.

Suốt thời gian 5 năm trong kháng chiến, du kích Long Phú bảo vệ Đền thờ Bác chống giặc càn quét phá hoại, người dân thì đấu tranh chính trị với địch, đòi được tự do tín ngưỡng, thờ cụ Hồ như thờ một vị thánh. 

Cả xứ cù lao và vùng đất liền quanh cù lao, trong đó có nhiều gia đình binh lính địch truyền nhau lời đồn: ngôi đền cực kỳ linh thiêng nên không ai dám phá. Vì vậy, đền còn nguyên vẹn đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Điểm đặc biệt là từ ngày có đền thờ trên đất cù lao đến nay, mỗi năm, vào ngày 3 tháng 9, nhà nhà ở Cù Lao Dung, đặc biệt là các gia đình lão thành Cách mạng đều có chung một đám giỗ – đám giỗ Bác Hồ. Họ làm mâm cơm có hương hoa, gà luộc, có xôi nếp mới dẻo, thơm đem đến đền Phủ thờ Bác đặt cúng và khấn nguyện, báo công với Bác, mong anh linh Bác Hồ phò hộ cho gia đình hạnh phúc, quê hương không ngừng phát triển. Mỗi người dân, cán bộ ở đất cù lao theo đó như thấy Bác soi rọi tâm hồn mình và quyết lòng sống tốt, cùng xây dựng quê hương như nguyện ước lúc sinh thời của Bác.

Anh Trần Văn Đương - Bí thư huyện đoàn Cù Lao Dung cho biết: qua 4 năm thực hiện cuộc vận động tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, toàn huyện Cù Lao Dung đã có hơn 1 ngàn đoàn viên thanh niên được công nhận danh hiệu “Thanh niên làm theo lời Bác” và gần 2.970 đội viên thiếu niên đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, trong đó có nhiều cá nhân được tuyên dương cấp tỉnh: “Đoàn thanh niên của huyện đã thành lập được 1 câu lạc bộ thầy thuốc trẻ. 

Đền thờ Bác ở Cù Lao Dung (ảnh: Lệ Hoa).

Về phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, số đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu từ 15 đến 21 lần có khoảng 30 đoàn viên thanh niên, phong trào thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, cấp huyện cũng tuyên dương 55 thanh niên… 

Có thể khẳng định rằng: cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong đoàn viên thanh niên ở các cơ sở Đòan trong huyện, đưa cuộc vận động thực sự đi vào chiều sâu tạo nên sức lan tỏa sâu rộng trong công tác rèn luyện và giáo dục cho thế hệ trẻ hiện nay”.  

Đền thờ Bác Hồ ở ấp Phủ Thờ, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung theo đó đã trở thành địa chỉ đỏ quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và được nhiều lần sửa chữa, tôn tạo lại. Cuối năm 2001, đền được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Từ năm 2010, Đền được quy hoạch mở rộng và xây mới trên nền đất cũ để nhân dân các nơi có thể về viếng thăm, nghiên cứu lịch sử và tìm hiểu về tấm lòng người dân miền Nam đối với Bác Hồ. 

Ngày 19/5/2013, công trình Đền thờ Bác Hồ mới đã chính thức khánh thành. Gian đền chính mang hình tượng hoa sen cách điệu hiện lên trên khuôn viên rộng hơn 2 ha cùng nhiều hạng mục công trình như ao sen hai bên, nhà lưu niệm công trình gốc, nhà truyền thống trưng bày các hiện vật lịch sử, công viên cây xanh và sân lễ rộng để thanh thiếu niên trong tỉnh về đây tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. 

Bây giờ, đền thờ Bác ở Cù Lao Dung, không chỉ đón người dân tỉnh Sóc Trăng về viếng thăm mà còn tạo được ấn tượng đẹp từ những câu chuyện kể về lịch sử ngôi đền và nét đẹp văn hóa tổ chức giỗ Bác Hồ hàng năm của người dân cù lao. 

Ông Võ Thành Phước – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Cù Lao Dung cho biết, huyện, tỉnh đã phối hợp kỷ niệm, kỷ niệm 19 tháng 5, sơ kết nghị quyết Trung ương 03 về việc học tập và làm theo tấm gương Bác và những hoạt động khác trên khu di tích này. 

Khách tham quan nghe thuyết minh về câu chuyện xây đền thờ Bác ở Cù Lao Dung (ảnh: Lệ Hoa).

Thời gian qua, số lượng khách đến thăm quan, đặc biệt ở Trà Vinh, bạc Liêu và các tỉnh khác hàng năm đều tăng. Năm 2013, có 46 đoàn, đến 2014 có 48 đoà, khả năng 2015 sẽ tăng cao hơn. Phòng văn hóa thông tin huyện đã đề xuất với ủy ban nhân dân huyện đưa cán bộ đi tập huấn thuyết minh để đáp ứng được yêu cầu thuyết minh trong nhà trưng bày để phục vụ cho khách tham quan.  

Tháng 9 này, vào dịp lễ trọng 2/9, 3/9, 2 bến phà vượt sông Hậu từ huỵện Long Long Phú qua Cù Lao Dung lại liên tục đón những đoàn khách là cán bộ, cựu chiến binh, đòan viên, thanh niên các địa phương của tỉnh Sóc Trăng về dâng hương tại đền Phủ thờ Bác. Ngôi đền đã thật sự thành địa điểm tín ngưỡng linh thiêng của người dân xứ cù lao, cũng là nơi giáo dục truyền thống Cách mạng quan trọng cho thế hệ trẻ. Trong khói hương và tấc lòng thành kính, ngừơi dân phương Nam hướng về Bác Hồ như một vị thánh hiền từ mà gần gũi như thân tộc của mỗi gia đình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên