Cô gái Sài Gòn đi tải đạn

Cùng nhiều bài hát viết về tuổi trẻ Việt Nam, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” góp phần khẳng định sức mạnh thần kỳ làm nên chiến thắng của dân tộc

Trong số những bài hát viết về tuổi trẻ Việt Nam, có một bài hát thật độc đáo, mới nghe lần đầu đã thấy ấn tượng, càng nghe càng thú vị. Đó là bài “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại, sáng mùng 1 rạng mùng 2 Tết Mậu Thân (1968), quân và dân miền Nam thực hiện cuộc Tổng tiến công, đánh cho Mỹ - Ngụy những đòn chí mạng. Sự kiện này khiến đồng bào chiến sĩ cả nước phấn khích. Rất nhiều bài hát ra đời vào thời điểm này đều có chung tiết tấu sôi động, nghe náo nức, lạc quan. Riêng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ lại chưa sáng tác được bài nào về sự kiện này.

Ở Hà Nội, mỗi khi gặp bà con đồng hương, họ đều nhắc ông rằng: các ông nhạc sĩ người Bắc, có người chưa một lần đặt chân đến Sài Gòn mà đã có bài hát về cuộc tiến công của quân và dân miền Nam nghe rất “đã”. Lư Nhất Vũ đích thị là người Nam bộ lại chưa sáng tác được bài nào. Trước đòi hỏi và lời nhắc nhở rất chính đáng đó của bà con, ông suy nghĩ và nhen nhóm quyết tâm.

Sau đó, ông đọc được một bài báo nói về các cô gái Sài Gòn tình nguyện rời gia đình, tham gia dân công hỏa tuyến, làm mọi việc, trong đó có vác đạn cho bộ đội. Họ là những cô gái sống ở thành thị, chân yếu tay mềm, phần lớn mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Lư Nhất Vũ rất cảm kích và xúc động trước sự việc này. Và ông đã viết nên bài hát với cái tên ban đầu “Đội nữ tải đạn Sài Gòn”. Viết xong, ông lập tức đạp xe đến gặp Nhật Lai, là bạn thân và là tác giả bài hát "Hà Tây quê lụa" nhờ góp ý. Nhật Lai khen và tỏ sự thích thú, nhưng đề nghị Lư Nhất Vũ làm thêm một đoạn ở giữa bài. Là người rất cầu thị, ông tiếp thu ngay.

Nghe bài hát "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn
Thể hiện: Tốp nữ

Quả là thêm một đoạn ngắn đó, bài hát nghe phong phú, thú vị hơn, đặc biệt gắn với lời ca thật ngộ nghĩnh, đáng yêu: “Quả pháo ơi, sao mà yêu như đứa trẻ. Suốt đêm ngày ta bế trên vai. Đường về đô thị còn xa. Ngày nay đi diệt thù cứu nước, có ta có mình”. Ngày hôm sau, ông hăm hở đến Đài TNVN ở 58 Quán Sứ, Hà Nội và được nhạc sĩ Lê Lôi - Phó Ban biên tập âm nhạc - chấp nhận ngay, nhưng đề nghị sửa tên bài hát thành “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”.

Ca khúc nhanh chóng được thu thanh rồi phát sóng. Chỉ một thời gian ngắn, “hữu xạ tự nhiên hương”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” đã “bay” đi khắp nơi. Rất nhiều thư yêu cầu của thính giả tới tấp gửi về Đài TNVN, yêu cầu được nghe lại trong chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả”. Rồi nhiều đoàn văn công đã đưa bài hát lên sân khấu trình diễn, đều dưới hình thức tốp ca nữ.

Viết “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, Lư Nhất Vũ đã tìm được một ngôn ngữ âm nhạc rất phù hợp với nội dung cần thể hiện. Giai điệu trẻ trung, tiết tấu hơi nhanh (allégretto), diễn tả vẻ hồn nhiên, nhí nhảnh, sôi nổi của những cô gái tuổi đời còn rất trẻ, đã hăm hở xung vào đội quân tiếp đạn cho chiến trường. Tác giả vào bài rất tự nhiên, phác họa một bối cảnh thiên nhiên, thật vui và đẹp làm nền cho những bước chân của các cô gái trẻ đi làm nhiệm vụ, khiến các cô dẫu có gian lao, vất vả mà vẫn thấy nhẹ nhàng, sảng khoái: “Chim kêu ven rừng suối gọi ta lên đường nặng trĩu hai vai, hoa mai vàng chen lá ngụy trang. Sương đêm ướt đẫm nón vải, ta xuyên rừng theo giải phóng quân...”.

Người nghe có thể nhận ra bài hát có chút hơi hướng của dân ca Nam bộ. “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” chiếm được tình cảm đặc biệt của người nghe còn ở phần lời ca. Tác giả không chau chuốt ca từ theo hướng cầu kỳ, tìm những chữ lạ, độc đáo mà chỉ sử dụng những ngôn từ rất đời thường, dung dị để phù hợp với việc nói về các cô gái trẻ hồn nhiên, yêu đời.

Cùng với nhiều bài hát khác viết về tuổi trẻ Việt Nam, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” góp phần khẳng định sức mạnh thần kỳ đã làm nên chiến thắng của dân tộc ta, trong đó có đóng góp đáng kể của những người phụ nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên