Có thể diễn ra tình trạng “mưa béo”

VOV.VN - "Mưa béo" là hiện tượng lượng mưa dồn hết trong thời gian ngắn và không vượt quá lượng mưa dự báo hằng năm

Sáng 14/9, tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm về công tác phòng chống thiên tai 8 tháng đầu năm 2015 và  triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Hội nghị có sự tham gia của 44 tỉnh, thành trong cả nước. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh Quảng Ninh, Sơn La, Đắc Lắc, Ninh Thuận đã thảo luận rút nghiệm về công tác triển khai ứng phó phòng chống thiên tai và những vấn đề bất cập, tồn tại hiện nay ở mỗi địa phương và ý kiến của thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về vấn đề này.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo tổng hợp tình hình thiên tai và thiệt hại của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai: Từ đầu năm 2015, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên diện rộng.

Tổng thiệt hại về tài sản khoảng: 5.465 tỷ đồng (chưa tính thiệt hại do hạn hán).

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2015 đến nay, thiên tai cực đoan, bất thường đã trở nên bình thường, xảy ra liên tục và đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ sự cố, vỡ đập với các hồ chứa nhỏ là rất lớn. Thiên tai với cường độ cực đoan và khó lường không dự báo được, nếu xảy ra ở bất kỳ địa phương, vùng miền nào thì cũng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho rằng, những diễn biến bất thường của thiên tai như hạn hán, mưa lớn vừa qua, việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, khó khăn, tồn tại như: Việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn còn một số tồn tại, vướng mắc: xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp thiên tai tại một số địa phương còn nhiều khó khăn, chưa sát với thực tế nên bị động. Đến nay mới chỉ có 20 tỉnh, thành phố quyết định thành lập và hoạt động quỹ phòng chống thiên tai...

Đại diện tỉnh Quảng Ninh cho rằng mặc dù các thiết bị, công nghệ dự báo mưa, bão đã được đầu tư nâng cấp nhưng công tác dự báo vẫn còn chung chung cho vùng và chưa dự báo được cụ thể lượng mưa để chỉ đạo kịp thời và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai.

Theo Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, hiện nay hầu hết các mỏ đã trở lại sản xuất bình thường. Riêng đối với Mỏ than Mông Dương đang tập trung cao độ cho việc bơm thoát nước tầng -250, hiện nay mức nước đã xuống -238 (chiều cao ngập nước còn 12m); đã đưa được 9 gương đào lò và 1 lò chợ vào sản xuất; dự kiến đến ngày 18/9/2015 bơm cạn, khôi phục đến hết tháng 11/2015 ổn định sản xuất trở lại.

Theo Bộ Xây dựng qua kiểm tra ở  một số địa phương cho thấy thực tế chính quyền địa phương vẫn cấp phép xây dựng cho dân ở vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở; Dân ở vùng núi tự phát xây dựng ở các vùng dễ xảy ra thiên tai; Việc tiêu thoát nước ở các đô thị miền núi bám theo hai bên khe suối. Ở Cẩm Phả, Quảng Ninh là một điển hình. Năng lực tiêu thoát nước đô thị ở đây không đáp ứng được nên bị ngập 2 ngày từ 1-2m hoặc như ở mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh) cho thấy còn liên quan đến khoảng cách an toàn cho các bãi thải. 

Kết luận và chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng qua các đánh giá, phân tích các thiệt hại thiên tai, biến đổi khí hậu, biến động thời tiết và đánh giá những bất thường diễn ra trong năm 2015. Trên cơ sở đó cần cấp bách xây dựng các kế hoạch, giải pháp, để ứng phó tốt hơn với tình trạng cực đoan và bất thường của thời tiết. Về nhận thức người dân từ chỗ chưa biết nhiều về biến đổi khí hậu đến nay đã công nhận biến đổi khí hậu đã tác động đến từng địa phương, từng gia đình. Những bất thường của thời tiết khiến chúng ta lo lắng như nắng nóng, khô hạn, mưa lớn, lũ quét, giông tố. 

Cụ thể, đợt mưa lớn ở Quảng Ninh chỉ trong 5 ngày bằng 72% lượng mưa của cả năm khiến đảo lộn hạ tầng. Trong khi tiêu chuẩn thiết kế quy hoach hạ tầng của chúng ta theo chuẩn mực nhất định ổn định hàng mấy chục năm nay là những yếu tố cực đoan phải tính đến. 

Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm ứng phó thiên tai có 44 tỉnh, thành tham dự.

Phó Thủ tướng đề nghị cần phải hết sức theo dõi diễn biết bất thường của thời tiết. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có thể diễn ra tình trạng “mưa béo”- lượng mưa dồn hết trong thời gian ngắn và không vượt quá lượng mưa dự báo hằng năm. Đó là những bất thường cần cảnh báo.

Đánh giá cao việc xử lý thiên tai từ đầu năm đến nay từ Trung ương đến địa phương các bộ ngành đều có ứng phó rất hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại về người. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải con số người chết bị thương, mất tích do thiên tai như đã nêu không vượt quá bình quân của các năm trước. Tuy nhiên thiệt hại về vật chất gấp 3,5 lần. “Đây là con số cảnh báo rất lớn với chúng ta. Với những biến đổi cực đoan như hiện nay con số này sẽ không dừng lại”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định.

Vì thế  ngoài những giải pháp hạn chế thiệt hại về người cũng cần phải tính đến các giải pháp chống thiệt hại về kinh tế. "Với mức thiệt hại như thế này với một nền kinh tế nhỏ như chúng ta thì giá trị gia tăng của nền kinh tế không bằng được những mất đi do thiệt hại từ thiên tai. Đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp hiệu quả hơn mới có thể đáp ứng được việc hạn chế thấp thiệt hại do thiên tai", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

8 tháng đầu năm 2015: Thiệt hại về người có 98 người chết, 18 người mất tích, 112 người bị thương (riêng mưa, lũ từ ngày 26/7 đến ngày 6/8 tại tỉnh Quảng Ninh đã làm 17 người chết).

Nhà sập đổ, cuốn trôi: 1.130 nhà; Nhà bị ảnh hưởng, tốc mái, xiêu vẹo: 13.697 nhà ; Nhà bị ngập nước: 15.073 nhà.

Diện tích lúa bị ngập, hư hại: 45.499 ha; diện tích hoa màu bị ngập, hư hại: 17.441 ha; diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại: 4.057 ha; gia súc chết: 1.977 con; gia cầm chết: 43.250 con; diện tích bị hạn vụ Đông Xuân: 128.978ha; diện tích bị hạn vụ Hè Thu: 62.343 ha.

Chiều dài đê cấp III đến cấp đặc biệt bị hư hại: 2.302m; chiều dài kè bị thiệt hại: 8.812m; kênh, mương bị thiệt hại: 83.631m; công trình thủy lợi bị hư hại: 130 cái.

Về giao thông, đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở: 1.060.751 m3; khối lượng đất, đá đường giao thông nông thôn bị sạt lở: 769.429 m3; cầu, cống bị thiệt hại: 86 cái.

Về thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại: 4.636 ha; lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại: 2.380 lồng.

Về công nghiệp, than bị trôi, mất: 300.000 tấn; ngập các hầm lò sản xuất của Công ty than Mông Dương và Công ty than Quang Hanh; sự cố đập ngăn Công ty than Mông Dương (đập 790)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bão số 3: Miền Trung mưa, ngập nặng, học sinh buộc phải nghỉ học
Bão số 3: Miền Trung mưa, ngập nặng, học sinh buộc phải nghỉ học

VOV.VN -Do ảnh hưởng bão số 3, sáng nay (14/9), tại Đà Nẵng và các tỉnh trung Trung bộ có mưa to đến rất to.

Bão số 3: Miền Trung mưa, ngập nặng, học sinh buộc phải nghỉ học

Bão số 3: Miền Trung mưa, ngập nặng, học sinh buộc phải nghỉ học

VOV.VN -Do ảnh hưởng bão số 3, sáng nay (14/9), tại Đà Nẵng và các tỉnh trung Trung bộ có mưa to đến rất to.

Kêu gọi khẩn cấp các tàu thuyền tránh bão số 3
Kêu gọi khẩn cấp các tàu thuyền tránh bão số 3

VOV.VN -  Để phòng tránh bão số 3, trong sáng nay, Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học, Quảng Ngãi cấm tàu khách ra đảo Lý Sơn.

Kêu gọi khẩn cấp các tàu thuyền tránh bão số 3

Kêu gọi khẩn cấp các tàu thuyền tránh bão số 3

VOV.VN -  Để phòng tránh bão số 3, trong sáng nay, Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học, Quảng Ngãi cấm tàu khách ra đảo Lý Sơn.