50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển:

Con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam

Trước kẻ thù với sức mạnh quân sự vượt trội, con đường huyền thoại vẫn tồn tại trong suốt 14 năm, góp phần không nhỏ vào ngày toàn thắng 30/4/1975

Có một con đường đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Có những con người sẵn sàng hy sinh, lênh đênh trên những con tàu không số để vận chuyển vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tồn tại trong khoảng 14 năm (từ 1961 - 1975), đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam. Đây cũng là chủ đề cuộc Hội thảo khoa học sẽ được tổ chức trong 2 ngày (22 - 23/9) tại Hải Phòng.

Trước thềm Hội thảo, phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, một trong 2 đơn vị chủ trì Hội thảo.

Một con tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu)

Mở con đường huyết mạch giữa vòng vây kẻ thù

PV: Thưa ông, chủ đề “Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam” có phải là một tổng kết ngắn gọn nhất về con đường huyền thoại này không?

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Đúng như vậy, dù chỉ ngắn gọn, nhưng chủ đề đó đã hàm chứa tất cả những gì cần nói về con đường này. Nhớ lại lịch sử, chúng ta thấy rằng, trước sự chống phá của chính quyền Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (tháng 1/1959) đã xác định: Con đường giải phóng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng; miền Nam cần phải nhận được sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc, miền Nam phải có nhiều vũ khí để đánh giặc.

Tháng 5/1959, Bộ Chính trị giao Bộ Quốc phòng tổ chức “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”, mang phiên hiệu Đoàn 559, mở đường Trường Sơn, chi viện chiến trường miền Nam. Đến tháng 7/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Đoàn vận tải trên biển để đưa hàng vào miền Nam dưới danh nghĩa “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”. Khi đó, đường bộ chỉ đưa hàng hoá, vũ khí vào đến Khu V, Tây Nguyên, chưa vươn tới Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Muốn vậy, phải dùng đường biển. Việc mở 2 con đường trên bộ và trên biển thể hiện quyết tâm, ý chí của chúng ta, tìm mọi cách để đưa vũ khí vào miền Nam.

Trong suốt 14 năm, đã có hàng trăm chuyến tàu từ Bắc vào Nam. Mỗi chuyến đi có hình thức khác nhau, điều kiện khác nhau, con người khác nhau, vào những địa điểm khác nhau, nhưng những cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số, lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Hải quân và cao nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà… đều trực tiếp chỉ đạo tìm mọi cách, bằng mọi giá đưa vũ khí vào các tỉnh Nam Bộ. Tổng cộng, chúng ta đã đưa được trên 152.000 tấn hàng, hơn 80.000 người từ Bắc vào Nam và ngược lại.

Mỗi cân hàng, mỗi khẩu súng đưa vào miền Nam là phải trả giá bằng xương máu của các chiến sĩ. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ có 7% hàng hoá bị mất do bị địch bắt, hoặc chúng ta phải đánh chìm tàu để kẻ thù không lấy được và để giữ bí mật cho con đường. Điều đó cho thấy, hiệu quả rất lớn từ những chuyến tàu không số. Trước kẻ thù là hải quân Mỹ và hải quân Việt Nam Cộng hoà giăng kín bờ biển, từ Trung bộ vào đến Nam bộ, với những phương tiện tàu chiến, máy bay hiện đại, chúng ta vẫn đưa được những chuyến tàu vào Nam. Điều đó thể hiện một sự kỳ công, ý chí và sức sáng tạo rất lớn. Nhờ có ý chí mà chúng ta mới có sáng tạo. Chúng ta quyết làm thì sẽ nghĩ ra cách làm.

Có một tác giả nói rằng, có 5 đường mòn Hồ Chí Minh là đường trên bộ, đường trên biển, đường ống xăng dầu, đường vận chuyển quá cảnh qua Campuchia và đường hàng không vận chuyển tiền. Trong đó, đường Hồ Chí Minh trên biển đứng vị trí thứ hai về khối lượng vận chuyển.

Chiến sĩ tàu không số năm xưa (Ảnh tư liệu)

Con đường hiếm hoi trong lịch sử quân sự thế giới

PV: Ông từng nói rằng, đường Hồ Chí Minh trên biển là một con đường hiếm thấy trong lịch sử quân sự trên thế giới. Xin ông phân tích rõ hơn về nội dung này, cũng như những đánh giá nhìn nhận của đối phương về con đường này?

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Đường Hồ Chí Minh trên biển là một sự sáng tạo độc đáo, là con đường hiếm hoi trong lịch sử quân sự thế giới. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Đức, Liên Xô, Anh, Nhật đều dùng tàu chở hàng, chở quân, nhưng không bao giờ có một tuyến đường hình thành từ thô sơ đến hiện đại, tồn tại mười mấy năm trời và trở thành tuyến vận chuyển rõ ràng như đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trong chiến tranh thế giới, các nước có vùng biển rộng, vận chuyển tàu và hàng theo từng địa điểm cụ thể, quân di chuyển đến đâu thì họ vận chuyển đến đấy hoặc vận chuyển định kỳ từ đảo này sang đảo kia. Còn chúng ta, vận chuyển suốt một dải từ Trung Bộ vào Nam Bộ. Bất kể chỗ nào có vũng, vịnh, lạch… có khả năng đưa tàu vào được, chúng ta đều cho tàu cập cảng. Chúng ta đã tổ chức được một đội quân đón tàu và giải phóng hàng rất lớn. Có con tàu chỉ trong hơn 3 giờ, các cán bộ, chiến sĩ trên tàu và những người trên bờ đã giải toả trung bình được 8 tấn hàng mỗi người. Trong nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, đó là sự sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Có thể nói, đây là điều hiếm thấy trong lịch sử, nếu như không muốn nói là duy nhất.

Qua nghiên cứu các tài liệu từ phía đối phương, chúng tôi thấy rằng, phía đối phương rất bất ngờ với tuyến vận chuyển này. Suốt từ năm 1961 đến đầu năm 1965, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn không thể phát hiện ra. Mãi đến đầu năm 1965, với sự kiện Vũng Rô (Phú Yên), chúng ta không kịp đưa tàu ra, do neo tàu bị mắc và bị máy bay địch phát hiện, địch mới biết rằng, miền Bắc Việt Nam mở một con đường đưa hàng hoá, vũ khí vào miền Nam.

Trong các tạp chí của hải quân Mỹ hay hải quân Việt Nam Cộng hoà đều khẳng định, một đội tàu với số quân rất nhỏ đã len lỏi giữa một rừng tàu thuyền và máy bay dày đặc của Mỹ và hải quân quân đội Sài Gòn. Họ đánh giá rất cao các cán bộ, chiến sĩ của đoàn tàu không số và họ so sánh khả năng cũng như hiệu quả vận chuyển của đoàn tàu này gấp hàng chục lần hiệu quả của hải quân Việt Nam Cộng hoà. Chính nhờ những đội quân như vậy, họ khẳng định, Việt Nam có lý do để chiến thắng. Đó là một sự sáng tạo phi thường, lập nên một huyền thoại trên biển.

Theo các tài liệu mà chúng tôi có được, trong tổng số 94 liệt sĩ trên những chuyến tàu không số, chúng ta mới chỉ tìm thấy hài cốt 1 người. Số còn lại đều gửi thân xác vào biển cả. Sự mất mát của các cán bộ, chiến sĩ trên tàu không số, nếu tính về số lượng không phải là nhiều, nhưng hiệu quả họ làm nên rất lớn. Theo tôi, tất cả những người tham gia đoàn tàu không số đều xứng đáng phong tặng danh hiệu anh hùng. Khi ra đi, họ đơn độc trên biển cả, giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù. Khi bị phát hiện, họ chỉ có thể chiến đấu hoặc chấp nhận phá huỷ tàu chứ không đầu hàng. Trước mỗi chuyến đi là một lần truy điệu sống. Họ biết là cái chết ở phía trước, nhưng vẫn sẵn sàng lên đường. Những người nghiên cứu như chúng tôi và phía đối phương đều thừa nhận, chính những con người này đã làm nên sự huyền thoại của con đường.

Bia di tích Đoàn tàu không số tại Vũng Rô

Sự giúp đỡ quốc tế cao cả

PV: Thưa ông, trong quá trình vận hành tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ như thế nào từ bạn bè quốc tế?

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Trong quá trình vận chuyển của những chuyến tàu không số, chúng ta không đơn độc, chúng ta có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là giai đoạn sau năm 1965. Đặc biệt, chúng ta ghi nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc. Để có thể vận chuyển được nhiều hơn, đi với tốc độ lớn hơn, Trung Quốc đã giúp chúng ta đóng một số con tàu, huấn luyện cách sử dụng, cách đi biển và bạn đã giành cho chúng ta một số cảng như cảng Phòng Thành, cảng Hậu Thuỷ, Duy Ninh, Bắc Á, Hải Khẩu để tiếp nhận hàng hoá viện trợ, không chỉ hàng hoá của Trung Quốc mà có cả hàng hoá của Liên Xô (cũ) viện trợ cho Việt Nam thông qua Trung Quốc.

Sự giúp đỡ này diễn ra liên tục và hiệu quả. Khi có sóng to, gió lớn, không đi được, chúng ta lại quay lại các cảng của bạn ở đảo Hải Nam. Có thể nói, sự giúp đỡ quốc tế lớn nhất đối với đường Hồ Chí Minh trên biển chính là Trung Quốc. Từ 1966 - 1969, Trung Quốc giúp ta khoảng 10 con tàu, các con tàu đó đã vận chuyển hàng chục ngàn tấn hàng vào các tỉnh Nam Bộ, cập cảng Sihanoukville của Campuchia và từ đó, chúng ta vận chuyển bằng đường bộ vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đó là một con số rất lớn, chiếm hơn 1/2 số lượng hàng hoá vận chuyển của chúng ta vào Nam. Trong lễ mít tinh sắp tới kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng ta dự kiến mời các đồng chí Trung Quốc -  những người đã từng giúp đỡ chúng ta. Tại lễ mít tinh này cũng sẽ có cuộc gặp gỡ giữa những người đã từng sang Trung Quốc nhận tàu huấn luyện, nhận hàng với những người bạn Trung Quốc từng làm việc tại các cảng thời kỳ đó.

PV: Thưa ông, trong dịp kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, rất nhiều tư liệu quý sẽ được công bố. Vậy, Hội thảo sắp tới tại Hải Phòng có thể xem là cơ hội để công bố các tài liệu một cách đầy đủ nhất?

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Trong các dịp kỷ niệm 30 năm, 35 năm, 40 năm, 45 năm , Ban liên lạc đường Hồ Chí Minh trên biển đã họp và đã có những cuốn sách về con đường huyền thoại này. Trong cuốn lịch sử của Đoàn 125, lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam cũng đã có nhiều tư liệu về đường Hồ Chí Minh trên biển, tuy nhiên, cuộc Hội thảo tới đây sẽ tổng hợp đầy đủ nhất tư liệu về đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là lần đầu tiên có một cuộc Hội thảo quy mô do Bộ Quốc phòng tổ chức.

Chúng tôi đã in một cuốn Kỷ yếu gồm 76 bài tham luận của các nhà khoa học, các vị chỉ huy, các nhân chứng lịch sử tham gia con tàu không số. Đó là bộ tài liệu tương đối đầy đủ về lịch sử con đường Hồ Chí Minh trên biển. Tôi nghĩ, có rất nhiều điều thú vị trong cuốn kỷ yếu này.

Tôi cho rằng, thời gian qua, chúng ta chưa nói rõ, chưa tuyên truyền hết về những chiến công của những người tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển. Dù những người tham gia đoàn tàu không số chỉ chiếm một số lượng nhỏ, nhưng khi nghiên cứu, chúng tôi mới thấy được, họ đã làm những điều rất lớn lao, rất đáng trân trọng. Cho đến nay, người dân Việt Nam hiểu về con đường Hồ Chí Minh trên biển cũng còn chưa nhiều.

Chúng tôi hy vọng rằng, sau thời điểm kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, nhân dân ta và bạn bè quốc tế sẽ càng hiểu hơn về con đường này và những con người quả cảm, âm thầm, đã góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên