Còn lại trên đời một chữ “Tin”

(VOV) -Lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột là chấm son, là chữ TIN, tin vào Tổ quốc vẹn nguyên, chủ quyền dân tộc vững chãi

Một ngày cuối xuân đầu hạ cách đây gần 20 năm, tôi trở thành “hướng dẫn viên” giới thiệu cột cờ Hiền Lương với Giáo sư Tiến sỹ Hà Học Trạc, Tiến sỹ Phạm Văn Hữu, Việt kiều đầu tiên về xây dựng quê hương, Tiến sỹ, Luật sư  Ngô Bá Thành cùng anh Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Dưới chân cột cờ cao 36,6 mét này hơn 300 lần máy bay Mỹ dội bom, nã pháo từ Dốc Miếu ra, từ hạm tàu vào hòng hủy diệt lá cờ đỏ sao vàng rộng 134 m2 ngạo nghễ bay trên vùng trời giới tuyến.

Cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh


13 chiến sỹ công an vũ trang, dân quân hy sinh dưới chân cột cờ Tổ quốc nơi tuyến lửa này. Nhà điện ảnh Thụy Điển Giô rít Iven đến đây kinh ngạc, thốt lên: “Vĩ tuyến 17, nơi trưng bày sự man rợ đến tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam.”

Ấy là người ta chưa kể cho ông nghe mỗi người dân Vĩnh Linh phải gánh chịu 7 tấn bom đạn chiến tranh, chưa biết đến mẹ Nguyễn Thị Diệm vá cờ trong lửa đạn.

Mẹ thuộc diện phải sơ tán ra tuyến sau, nhưng một mực xin ở lại. Mỗi lần bom Mỹ dội xuống, làm rách cờ, mẹ có ngay ở chân cột để vá lại. Nhiều đêm mẹ thức trắng bên ngọn đèn dầu đủ một chấm sáng cho đường kim để khâu  bằng xong lá cờ, để sáng mai lên bà con hai bờ sông Bến Hải thấy cờ Tổ quốc vẫn tung bay trên đỉnh cột. Mấy lần thiếu vải đỏ, các cháu học sinh đã tự nguyện góp khăn quàng đỏ cho mẹ kịp vá cờ. Thấy nguy hiểm, có người ái ngại, mẹ nói ngay: “Có nhìn thấy cờ thì bà con hai miền Nam Bắc mới tin tưởng được con ạ”.

Vậy là mẹ Diệm, và người dân miền đất lửa sống, chiến đấu vì một niềm tin: niềm tin chiến thăng cho non sông thống nhất.

Giặc Mỹ triệt phá nguồn sống trên mặt đất, người dân đào địa đạo, sống trong lòng đất. Hai nghìn ngày sống trong 114 “làng hầm”, cuộc sống Vĩnh Linh vẫn sinh sôi. 60 trẻ em đã cất tiếng chào đời trong lòng đất mẹ. Nguồn sống mà không bất kỳ kẻ thù hung dữ nào hủy diệt được là niềm tin. Mẹ Diệm tin, dân tin như đinh đóng cột là sau chiến tranh được sống hòa bình trong yêu thương, ấm no, dân chủ, bình đẳng. Chiến tranh, bom đạn đã không khuất phục được, thì không ai có thể đe nạt được người dân. Niềm tin vào ngày mai. Chả thế mà trong một cuộc điều tra xã hội học quốc tế gần đây cho thấy: người Việt Nam lạc quan nhất.

Có chiến sỹ sinh ra bên dòng sông Hồng đã chiến đấu hy sinh bên bờ Hậu Giang. Trước khi nhắm mắt vĩnh biệt bầu trời phương Nam, anh nói với đồng đội: “Hãy nói với Mẹ rằng. Đứa con bất hiếu đã không về với mẹ, nhưng sẽ trao lại cho mẹ đất nước vẹn nguyên trong ngày chiến thắng”.

Anh chiến sỹ trẻ chiến đấu oanh liệt, bảo vệ đảo Gạc Ma đã thét vang: “Đảo này, đất này, biển này là của ta”. Anh đã cắm mốc chủ quyền dân tộc giữa trùng khơi bằng máu xương của mình.

Không gì cắt nghĩa được sự hy sinh cao đẹp này bằng niềm tin: tin vào Tổ quốc vẹn nguyên, chủ quyền dân tộc vững chãi ngàn năm.

Niềm tin sắt son ấy có vẹn nguyên trong mỗi người đang sống, đang biết tri ân tiền nhân và quyết tiếp bước cha anh trong thế kỷ hai mươi mốt này?

Tôi hỏi anh, anh hỏi tôi, tôi tự hỏi mình. Không có niềm tin thì sống để làm gì? Không có niềm tin vào ngày mai thì sống cũng bằng thừa. Vậy nên khi niềm tin bị xói mòn, teo tóp thì con người ta không chỉ buồn khổ, nghi ngờ mà còn đau. Nỗi đau tinh thần còn quặn thắt hơn nỗi đau thân xác.

Cả một thế giới giàu có, một thời ăn sung mặc sướng, ngây ngất trời Tây mà nay đảo điên trong cơn khủng hoảng kinh tế triền miên, chưa thấy điểm dừng. Thật là nghịch cảnh khi người đàn bà Hy Lạp có con ốm đến hiệu mua thuốc phải trả bằng đôi ủng, túi xách. Thật lạ lùng có người nông dân Ukraine sống không xa thành phố là mấy mà đến giờ này vẫn không có chiếc radio để nghe. May thay có anh nhà báo Việt Nam cảm thông, sẻ chia tặng cho chiếc đài bán dẫn. Ông mừng quá, reo lên: “thế là giờ đây cả thế giới lại về trong nhà tôi rồi”. Nhìn người mà nghĩ đến ta.

Năm trước, lạm phát lên hai con số làm điêu đứng doanh nghiệp và bào mòn sức dân, vậy mà năm ngoái xuống một con số và năm nay quyết tâm khống chế 7%, phấn đấu tăng trưởng GDP trên 5%. Ta có đủ niềm tin vào những con số ấy.

Đến giờ phút này có nước trên hành tinh xanh mới dám mở mạng Internet, còn ở Việt Nam ta có tới 30% dân số sử dụng thành thạo sản phẩm văn minh thời đại cho học tập và làm ăn.

Cứ mỗi ngày ta lại nghe ở Trung Đông, Bắc Phi, Tây Á đâu đó có loạn, nổ bom liên hoàn nơi công sở, trường học làm bao dân lành phải bỏ mạng. Đấu đá giữa các thế lực chính trị đã mang họa đến cho dân.

Có nghe, có thấy, mới biết quý trọng, nâng niu cái giá của ổn định chính trị, cái quý của an sinh xã hội.

Cái bệnh “thành tích” như tấm lưới mỹ miều còn giăng giăng đây đó như cạm bẫy, nhưng dân ta không ngủ yên trong thành tích.

Không thể ngồi yên khi thu nhập bình quân đầu người dân Việt xếp thứ 120 trên thế giới mà giá nhà đất đắt đỏ đứng thứ 20. Cái gì tạo nên khoảng cách chết người ấy? Phải chăng là hậu quả của phát triển nóng? Cả chục năm trước các chuyên gia đã cảnh báo độ nóng này, nhưng mấy người nghe ra?

Không thể không suy nghĩ khi lù lù ra đó một cục nợ khổng lồ: 133 triệu tỷ của doanh nghiệp nhà nước. Nợ đông, nợ cục, nợ công, nợ ngân hàng, nợ khó đòi còn sờ mó, đong đếm được, nhưng nợ lời hứa với dân, nợ trách nhiệm, nợ lương tâm là vô hình, nhưng trĩu nặng trong lòng dân.

Không thể làm ngơ trước nạn bạo hành, tội phạm đường phố. Chỉ vì mấy đồng bạc mà chém giết nhau, vì một miếng đất mà anh em, cha con thượng cẳng chân hạ cẳng tay, rồi thậm chí gây án mạng. Thậm chí chỉ vì một lời nói trái tai, một cái nhìn cho là ác ý mà đôi bên ra tay dao kiếm giết hại lẫn nhau giữa đám cưới. Khi cái ác len lỏi vào cuộc sống thường ngày, ấy là lúc phải xem lại, nhìn nhận cho thật thấu đáo để trừ họa.

Không thể chịu đựng mãi khi tham nhũng thành quốc nạn cứ kéo dài mãi, ngày càng nghiêm trọng hơn. Tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ, lợi ích địa phương, lợi ích nhóm mà cốt lõi là chỉ vì lợi ích cá nhân trên hết đang ngày ngày đục ruỗng đất nước này, cuộc sống này. Không còn là một cá nhân thoái hóa, tham nhũng “con sâu làm rầu nồi canh” nữa mà là “một bộ phận không nhỏ”. Trong cuộc hội thảo về phòng chống tham nhũng gần đây ở thành phố Hồ Chi Minh có nhà nghiên cứu cảnh báo: lợi ích nhóm đã thao túng cả chính sách bởi cán bộ thoái hóa biến chất.

Không có sự cảnh báo nào nghiêm túc và nghiêm khắc hơn là tuyên bố của người đứng đầu Đảng ta là tham nhũng đang thách thức sự tồn tại của Đảng, thách thức sự tồn vong cả chế độ này.

Có đảng viên “50 năm tuổi Đảng” nghỉ hưu ở ngôi nhà nhỏ trong ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà Nội đã thẳng thắn nói rằng: “Suốt đời đi theo Đảng, tôi không chống Đảng, không loại trừ Đảng. Tôi chỉ tin và mong Đảng đổi mới, thật mới cung cách lãnh đạo đất nước.”

Xin mượn ý của cụ Nguyễn Du để nói rằng “chữ TIN” còn “một chút” này… Dù nhỏ nhoi đến mấy cũng là điểm sáng, điểm đỏ có sức sống bất diệt.

Xin được nhắc lại và vâng theo câu nói của bà mẹ vá cờ Nguyễn Thị Diệm trên đất lửa Vĩnh Linh thời bom đạn ngút trời rằng: “Lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột là chấm son, là chữ TIN, đừng khi mô (khi nào) để tắt các con ạ”./.

Làng Mai Hà Nội, 20 tháng Chạp – Nhâm Thìn

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên