Công tác xã hội- Nghề mới trong ngành y

Những người làm nghề này, không hẳn là y bác sỹ nhưng đã và đang góp phần vào việc cứu chữa bệnh nhân thông qua các biện pháp trị liệu về mặt tâm lý, xã hội

Một ngày làm việc của cán bộ, nhân viên Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Nhi Trung ương bắt đầu là việc chứng kiến nỗi lo âu, đau đớn và những giọt nước mắt của các bệnh nhân nghèo mắc trọng bệnh. Tuy nhiên, công việc lại được kết thúc rất có hậu khi người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân nở nụ cười cảm ơn vì họ được cán bộ, nhân viên công tác xã hội tư vấn và hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Chị Dương Thị Minh Thu - Trưởng phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải nên các y, bác sỹ dù cố gắng đến mấy cũng không thể giải quyết hết những nhu cầu bức xúc của bệnh nhân và càng không thể tìm hiểu hết hoàn cảnh của từng người để áp dụng biện pháp trị liệu về mặt tâm lý. Bởi vậy, bệnh nhân rất cần sự giúp đỡ của những người làm công tác xã hội.

Năm qua, Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Nhi Trung ương huy động được hơn 8 tỷ đồng hỗ trợ những bệnh nhân khó khăn và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực động viên bệnh nhi nhân dịp Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu và Tết Nguyên đán.

Cán bộ, nhân viên phòng công tác xã hội- bệnh viện Nhi Trung ương trao đổi công việc

Những người làm công tác xã hội không chỉ kết nối để bệnh viện và các mạnh thường quân hỗ trợ bệnh nhân nghèo mà còn đem dịch vụ y tế đến gần với bệnh nhân hơn, giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ giữa bệnh nhân với thầy thuốc và góp phần đẩy lùi tình trạng “cò bệnh viện”.

Chị Ngô Bình Minh - nhân viên Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Nhi Trung ương tâm sự: “Hàng ngày tôi có một niềm vui là được giúp đỡ bệnh nhân, cho dù chỉ là chia sẻ về mặt tình cảm và được bệnh nhi và người nhà rất quý mến”.

Cán bộ, nhân viên Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Nhi Trung ương mong muốn nghề công tác xã hội không chỉ có tại bệnh viện mà cần được thành lập theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương để việc giúp đỡ người nghèo thuận lợi hơn.

Ông Trần Đức Long - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án nghề công tác xã hội trong ngành y tế. Trước mắt sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền về vai trò quan trọng của nghề công tác xã hội, làm tốt công tác đào tạo, trang bị kiến thức kỹ năng công tác xã hội cho cán bộ y tế. Về lâu dài mở rộng hệ thống công tác xã hội đến tận cộng đồng để phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đảm bảo tính công bằng hiệu quả trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, triển khai nghề công tác xã hội tại 80% bệnh viện tuyến Trung ương và 60% bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân số, y tế đang tập trung đào tạo nhân lực.

TS Hoàng Thị Bích Hường - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân số, y tế nói: “Về lâu dài sẽ có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp được đào tạo chính quy. Hiện có 43 trường đại học đào tạo cử nhân công tác xã hội. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu trước mắt, Trung tâm chúng tôi phối hợp với các trường đại học tổ chức đào tạo cho cán bộ y tế tham gia học các khóa cử nhân công tác xã hội để bệnh viện có nguồn lực triển khai đề án”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên