Công ty Colecto đưa người lao động đi Angola trái phép

(VOV) -Nhiều lao động được Colecto đưa sang Angola, nhưng trước khi xuất cảnh đã biết mình bị lừa…

Cho đến thời điểm này, Bộ LĐ-TB-XH chưa cho phép bất cứ doanh nghiệp nào được đưa lao động sang làm việc tại Angola. Thế nhưng qua thông tin mà PV thu thập được trong thời gian gần đây lại cho thấy, hoạt động đưa người LĐ sang thị trường này lại có sự tham gia của doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động.

Công ty Colecto đã lừa người LĐ như thế nào?

Đầu tháng 4, lần theo thông tin tuyển nữ nấu ăn đi Angola của một người tên Hùng được quảng cáo trên một trang mạng, chúng tôi gọi điện cho nhân vật này và nhận được lời mời đến Công ty Colecto để được tư vấn trực tiếp. Lần theo địa chỉ mà nhân vật này cung cấp, chúng tôi tìm đến Công ty Cổ phần XKLĐ và Thương mại du lịch (viết tắt là Colecto) nằm trong khuôn viên Trường cán bộ Hội nông dân, phường Mai Dịch-quận Cầu Giấy, Hà Nội.

 

Ngang nhiên thông báo tuyển LĐ đi Angola

“Công ty em không làm thị trường Angola, bên ấy đang hỗn loạn lắm, nếu mình đưa đi  làm như thế khác nào đẩy người lao động vào chỗ khó. Thị trường nào cũng thế, Công ty không thể xui, ép người LĐ đi. Đi để xóa đói giảm nghèo chứ đi mà nghèo thêm thì chết à” – một nữ nhân viên của Công ty này khẳng định.

Mặc dù nhân viên của Công ty này khẳng định không nhận, không làm thị trường Angola, thế nhưng, thông tin mà nhóm lao động tập trung trước cửa Công ty, trong đó có không ít LĐ vừa trở về từ Angola, họ đến Công ty để đòi nợ do họ bị lừa đi Angola. 

Nhóm LĐ này cho biết, họ được tiếp thị theo nhiều kênh, thông qua các thông báo tuyển người đi Angola công khai ở một số tỉnh, thành - chính thức cũng như các các đường dây môi giới, với những hứa hẹn về điều kiện làm việc, ăn ở tốt, đặc biệt là nhập cao, lương trung bình 1.000-1.200 USD/tháng và nhiều chế độ ưu đãi khác, nên họ hoàn toàn tin tưởng để được công ty đưa đi xuất khẩu LĐ thị trường này.

Thế nhưng, khi ngày xuất cảnh đã sát nút, họ mới láng máng về nhiều sự lập lờ của Công ty. Anh Nguyễn Văn Trung, ở Thôn Thuần Túy, xã Đông La, huyện Đông Hưng, Thái Bình, xuất cảnh ngày 21/2/2013 cho biết: “Cả quá trình, hỏi hợp đồng, họ cứ khất lần, cuối cùng thì bảo ra sân bay rồi sẽ đưa. Nhưng ra đó họ đưa cho mình bản hợp đồng chẳng có dấu gì cả. Lúc đó mới ngớ người ra. Giờ nộp tiền hết rồi thì phải đi thôi, biết làm sao được”.

Bản hợp đồng lao động "Vô tiền khoáng hậu"

Theo các LĐ xuất cảnh cùng ngày 21/2/2013, nếu như hợp đồng chẳng chữ ký, con dấu song các khoản thu phát sinh lại rất rõ ràng. Anh Bùi Huy Vụ, ở xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định bức xúc: “Họ nói nộp 6.300 USD là lo trọn gói, không phải bỏ bất cứ khoản nào khác, nhưng ra đến sân bay thì lại bắt nộp 800.000 đồng lệ phí sân bay và 700.000 đồng nữa gọi là phí dịch thuật. Hỏi họ dịch thuật là gì, họ bảo dịch bản hợp đồng ra tiếng Bồ Đào Nha để đưa cho chủ. Ngay cả bản hợp đồng cũ nói là thu nhập từ 1.000-1.500 USD/tháng, ngày làm 8 tiếng; nhưng sát ngày lại đưa bản hợp đồng mới, nội dung làm 9,5 tiếng/ngày, lương cơ bản 800 USD... Lúc đó cũng đành chấp nhận thôi, giờ bay đến nơi rồi”.

Tuy nhiên, những “khó chịu” khi ở trong nước chẳng thấm tháp vào đâu so với những gì họ phải đối mặt khi đặt chân lên đất nước Angola. “Trước khi đi họ cam kết đến sân bay sẽ có chủ người Mỹ đón, sẽ được ký kết hợp đồng trực tiếp với chủ sử dụng LĐ, nhưng đợi mãi thì mới có một người phụ nữ Việt Nam tên Hương, cầm đầy đủ thông tin của đoàn LĐ Việt Nam. Lúc đó, chúng tôi cũng đành phải đi theo. Sang bên đó chẳng có chủ nào, chẳng ai cho mình việc làm. Muốn có việc thì người LĐ phải bỏ ra 100-200 USD, gọi là mua việc làm. Nếu không có, chủ nó cho ứng, trừ vào lương...” – một LĐ nói.

Bị bỏ rơi, các lao động phải tự xoay sở để cứu mình. Sau nhiều ngày vật vờ ở đất bạn, Vũ Hồng Kiều ở xã Nam Vân, TP Nam Định, xuất cảnh ngày 26 Tết vừa rồi cũng tìm được việc làm. Tuy nhiên, sau 2 tháng làm việc, Kiều không nhận được bất cứ đồng tiền công nào. Nhiều lần hỏi thì chủ toàn khất lần.

“Nhiều anh em bên này làm 6 tháng, 9 tháng không được chủ trả lương cũng đành phải chịu. Đi ra ngoài thì bị cảnh sát bắt, sống chui sống lủi, ốm đau, cướp bóc thì nhiều”, Kiều nói.

Lời chú thích ảnh trên Face book của LĐ Nguyễn Thế Nhân "Cảnh tôi đang sốt rét, nằm chờ chết. Đã vậy chủ lao động không trả lương, ăn quỵt luôn"

Sang Angola: Người LĐ “tiến thoái lưỡng nan”

Theo nhiều nguồn tin mà chúng tôi thu thập được, chỉ sau một thời gian, không thể chịu đựng hơn nữa, nhiều LĐ đi Angola thông qua Công ty Colecto đã trở về nước. Nếu như những LĐ như Nguyễn Văn Trung, Hoàng Xuân Trinh, Nguyễn Văn Thuấn, Đoàn Văn Sang ở Thái Bình chỉ chịu đựng được hơn chục ngày rồi vội vã giục người thân gửi tiền để mua vé về nước, thì những LĐ khác như Kiều, Vụ sức cầm cự cũng chỉ được 1-2 tháng rồi cũng tìm đường trở về quê hương.

“Không thể chịu đựng được hơn, nước thì mua từng can để uống, không có nước tắm. Em sang 1 tháng 10 ngày, được tắm đúng 3 lần, chi phí rất đắt đỏ. Khổ cực quá anh em rủ nhau về. Trước khi đi đã vay 170 triệu đồng, giờ gia đình lại phải vay thêm 27,3 triệu đồng để mua vé về. Ra đến sân bay còn bị cảnh sát “làm luật”, ai cũng phải chi từ 5-20 USD mới yên. Đã nghèo còn nghèo hơn” - những lao động này chia sẻ.

Không may mắn như những LĐ đã thoát nạn trở về, nhiều lao động khác do Công ty này đưa đi như anh Ngần ở Thái Bình; anh Đê ở Nam Định; anh Giáp, anh Quý ở Nghệ An; anh Nam ở Hải Dương... vẫn đang mắc kẹt tại Angola vì chưa có tiền mua vé máy bay về nước.

Nối điện thoại với LĐ Nguyễn Thế Nhân, ở thôn 8 xã Hoằng Đông, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, hiện đang làm việc tại Angola, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự hoang mang cũng như bất lực của LĐ động này khi bị kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.

 

Một đoạn băng ghi âm người LĐ chuyển cho chúng tôi có nội dung:

Đại diện Công ty: Chúng tôi không muốn dây dưa, không có nhiều thời gian. Anh giải quyết nhanh ở mức độ này, quyết cho em 55 triệu. Bây giờ không nói nhiều nữa. Anh em khác người ta lấy hết… Tao mất bao nhiêu thì giờ với mày. Thông cảm và hiểu nhau. Thôi bù thêm cho mày 5 triệu.

LĐ: Nhưng cả đi và về tổng mất 170 triệu. Giờ hàng tháng trả mất 1,4 triệu tiền lãi. Công ty đưa đi sai, các nội dung trong hợp đồng đều sai thì Công ty pải chịu hoàn toàn mới đúng.

Đại diện Công ty: Đừng nói chuyện cũ. Không phải so kè gì, phải hiểu cho tao, tao  phải nghĩ đến chuyện đi làm ăn...

Nhân nói: “Em cũng muốn về lắm nhưng Công ty không trả tiền thì làm sao về được. Họ đổ cho em phá hợp đồng, bỏ ra ngoài làm, nhưng làm gì có hợp đồng nào đâu, đến việc làm không có phải nhờ chú em xin cho. Không có tiền Công ty gửi sang thì em cố làm bên này còn hơn, chừng nào người ta bắt thì vay tiền để về. Bên này ông an bắt toàn phạt 3.100 USD. Họ mà bắt ở nhà bán nhà, bán đất cũng không đủ trả nợ…”.

Nếu như những LĐ nhanh chân về nước, sau rất nhiều phen vất vả cũng đòi được Công ty bồi hoàn số tiền 60 triệu đồng/người (chưa được 1/2 số tiền nộp cho Công ty), thì những LĐ chậm chân hơn xem ra việc đòi nợ sẽ vô cùng khó khăn.

Trở về nước phải đối mặt với khoản nợ lớn, ở lại thì đương đầu với hiểm nguy, rủi ro khó lường đang là tình thế tiến thoái lưỡng nan của những LĐ bị đưa đi Angola bất hợp pháp. Tuy nhiên, sự mất niềm tin của người dân đối với công tác xuất LĐ mới là sự mất lớn, như lời chia sẻ của một người mẹ có con đi theo Công ty Colecto xuất khẩu LĐ sang Angola: “Chỉ mong Nhà nước phải quản lý chặt chẽ việc đưa người đi làm ăn ở nước ngoài. Cứ đưa tràn lan thế này thì thiệt thòi cho người LĐ. Giờ người nông dân cứ còng lưng ra làm trả nợ, vì lý do đi xuất khẩu để xóa đói giảm nghèo mà bị lừa. Giờ chúng tôi biết tin vào ai, các gia đình khi cho con đi xuất khẩu LĐ cứ như đánh bạc, may rủi”.

Cơ quan quản lý và lãnh đạo Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động và Thương mại du lịch Colecto trả lời thế nào trước những sai phạm trong việc đưa người đi làm việc trái phép tại Angola?

Thông tin vụ việc này sẽ được chúng tôi chuyển tới bạn đọc trong thời gian sớm nhất./.

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) một lần nữa khẳng định: Đến nay, chưa có bất cứ công ty nào được phép đưa LĐ sang Angola. Tất cả các doanh nghiệp tuyển lao động đi Angola đều là vi phạm quy định của pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. “Những hành vi này nếu bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh. Cơ quan chức năng cũng mong tiếp nhận thông tin từ phía người dân, cơ quan báo chí… tố cáo những đơn vị như vậy” – ông Hải nói.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Một lao động Việt Nam tử vong ở Angola
Một lao động Việt Nam tử vong ở Angola

(VOV) -Bị sốt rét ác tính, mặc dù được đưa đến bệnh viện cứu chữa nhưng do bệnh tình nặng quá anh Nam đã tử vong.

Một lao động Việt Nam tử vong ở Angola

Một lao động Việt Nam tử vong ở Angola

(VOV) -Bị sốt rét ác tính, mặc dù được đưa đến bệnh viện cứu chữa nhưng do bệnh tình nặng quá anh Nam đã tử vong.

Đưa lao động Việt Nam đi Angola là phi pháp
Đưa lao động Việt Nam đi Angola là phi pháp

(VOV) -Phía Việt Nam chưa cấp phép cho bất cứ một công ty nào đưa lao động sang làm việc ở Angola.

Đưa lao động Việt Nam đi Angola là phi pháp

Đưa lao động Việt Nam đi Angola là phi pháp

(VOV) -Phía Việt Nam chưa cấp phép cho bất cứ một công ty nào đưa lao động sang làm việc ở Angola.

Xuất khẩu lao động ở Angola: Tan giấc mơ đổi đời
Xuất khẩu lao động ở Angola: Tan giấc mơ đổi đời

(VOV) - Phía sau những cái chết thương tâm ở đất nước Angola xa xôi là nỗi đau tột cùng của người ở lại...

Xuất khẩu lao động ở Angola: Tan giấc mơ đổi đời

Xuất khẩu lao động ở Angola: Tan giấc mơ đổi đời

(VOV) - Phía sau những cái chết thương tâm ở đất nước Angola xa xôi là nỗi đau tột cùng của người ở lại...

Nhiều lao động bị lừa đi làm việc tại Angola
Nhiều lao động bị lừa đi làm việc tại Angola

(VOV) -Khi đến Angola, nhiều người không được làm việc cho các công ty.

Nhiều lao động bị lừa đi làm việc tại Angola

Nhiều lao động bị lừa đi làm việc tại Angola

(VOV) -Khi đến Angola, nhiều người không được làm việc cho các công ty.