Cuộc sống của người Việt trên Biển Hồ, Campuchia

VOV.VN -Sống bấp bênh trên những ngôi nhà "nổi", người Việt ở Biển Hồ  Campuchia từng ngày phải đối mặt với thiên tai, dòng nước.

Biển Hồ Campuchia hay Tonle Sap rộng khoảng 15.000km2, không nhìn thấy bờ, trải dài qua sáu tỉnh, thành, gồm Pursat, Battambang, Kompong Chahnang, Moung Roessei, Kampong Luong và Siem Reap, là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Đây là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng to lớn đối với Campuchia. 
Các học giả độc lập cho biết có khoảng 400.000 - 1 triệu người sống tập trung ở vùng Biển Hồ và chưa được công nhận là công dân Campuchia. Ở tỉnh Siem Reap cũng là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân Việt Nam, hầu hết có nguyên quán thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Không ai biết rõ người Việt Nam đến sống tại Biển Hồ từ thời điểm nào. Có ý kiến cho rằng tổ tiên của họ theo dòng Mekong, từ Việt Nam ngược sông Tiền, sông Hậu dùng nghề chài lưới để mưu sinh. Nơi nào có cá thì dừng lại và nơi cuối cùng họ định cư là Tonle Sap, một cái hồ rộng mênh mông như biển. Một số tài liệu khác ghi nhận rằng trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Đông Dương đã đưa người Việt Nam sang Campuchia để trồng cao su, thời gian sau người Việt di cư ra khu vực Biển Hồ và sống tập trung tại đây.
Cuộc sống của họ gắn với nhiều cái “không” như: không trạm y tế, không giấy tờ tùy thân, không quốc tịch,...
 Người dân không có nước sạch sử dụng, nước, chất thải hàng ngày xả thẳng xuống hồ rồi lại sử dụng phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Bên cạnh đó, tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm do khai thác nguồn nước, du lịch quá mức khiến cuộc sống của người dân thêm nhiều khó khăn.
Cuộc sống của những người Việt Nam tại đây phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá. Tuy nhiên, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên Biển Hồ, chính phủ Campuchia quy định một năm chỉ được đánh cá 6 tháng, 6 tháng còn lại người dân... ngồi không. Do đó người Việt ở đây rất khó khăn, nếu đánh bắt trộm sẽ bị phạt rất nặng và tịch thu phương tiện.
Họ không thể lên bờ làm thêm vì không có giấy tờ tùy thân. Nhiều người không còn đường mưu sinh đành dẹp bỏ lòng tự trọng, chèo kéo, xin tiền du khách. Hình ảnh người phụ nữ bế con đến xin tiền đoàn từ thiện vào những ngày cuối tháng 9/2018.
Hình ảnh một em nhỏ ngồi trên cửa sổ nhìn đoàn từ thiện đi qua...
Người dân sống trên những ngôi nhà "nổi", có thể chỉ là bè neo chặt trên mặt nước rồi dựng chòi thấp lè tè, che chắn tạm bợ, đối mặt với hàng loạt nguy cơ mà dòng nước mang lại. Mùa nắng thì phải dời nhà ra giữa dòng, mùa mưa lại tìm nơi có nhiều bụi cây um tùm để neo nhà núp gió.
Theo những hướng dẫn viên du lịch tại đây, nhà nào ít thì cũng đẻ từ 4 đến 5 đứa, có nhà nhiều thì sinh gần chục đứa.
Nhiều lần buôn muối qua Biển Hồ nhìn thấy cảnh những đứa trẻ thất học đói khổ phải lang thang sóng nước theo mẹ đi xin ăn, ông Trần Văn Tư sinh năm 1937, từ Tây Ninh động lòng trắc ẩn, ông bỏ việc buôn muối, đến Biển Hồ mở một lớp học, dạy cho những đứa trẻ biết viết cái chữ của cha ông. 
Lớp học được thành lập từ năm 1997, dành cho tất cả các gia đình người Việt Nam hiện đang sinh sống tại Biển Hồ, vương quốc Campuchia.
Lớp học ban đầu chỉ có vài học sinh vì cha mẹ các em không thấy lợi ích của việc học chữ. Ông Tư phải chèo thuyền đến từng hộ dân vận động con em họ tới lớp. Ông nghĩ ra một phương cách để dụ bọn trẻ và các phụ huynh: “nếu đi học sẽ được ông cho ăn sáng”. Rồi sau đó, có đủ vốn vận động được từ các nhà hảo tâm, ông biến lớp học thành “Trung tâm giáo dục từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo Biển Hồ”. 
Hiện tại, lớp học miễn phí này có 5 lớp với 265 học sinh, dạy cả tiếng Việt lẫn tiếng Campuchia. Hai con trai và con dâu của ông Tư cũng là giáo viên trong số năm người tình nguyện ở đây. 
Việc đi lại của người dân ở đây chủ yếu là ghe, xuồng... Một em nhỏ dùng chiếc thùng nước hỏng làm vật dụng di chuyển.
Sống trên Biển Hồ, cách xa đất liền, cộng đồng người Việt sống như một tộc người biệt lập với thế giới bên ngoài, đói nghèo quanh năm đeo bám. 
Để giúp đỡ người Việt ở Biển Hồ, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị phía Campuchia tạo điều kiện để người dân Việt Nam có thể có giấy tờ hợp pháp, trẻ em sinh ra có giấy khai sinh để được đến trường, người lớn có giấy tờ tùy thân để có thể đi làm cải thiện cuộc sống; đồng thời có các chính sách để giúp đỡ người Việt tại Biển Hồ.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia kỷ niệm Quốc khánh 2/9
Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia kỷ niệm Quốc khánh 2/9

VOV.VN - Lễ kỷ niệm có sự tham dự của đông đủ các quan chức đại diện cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia, ngoại giao đoàn và bà con kiều bào.

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia kỷ niệm Quốc khánh 2/9

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia kỷ niệm Quốc khánh 2/9

VOV.VN - Lễ kỷ niệm có sự tham dự của đông đủ các quan chức đại diện cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia, ngoại giao đoàn và bà con kiều bào.

Campuchia đẩy mạnh tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam
Campuchia đẩy mạnh tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam

VOV.VN - Đợt tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam lần này sẽ diễn ra trong khoảng 8 tháng ở tỉnh Mondulkiri, Campuchia.

Campuchia đẩy mạnh tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam

Campuchia đẩy mạnh tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam

VOV.VN - Đợt tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam lần này sẽ diễn ra trong khoảng 8 tháng ở tỉnh Mondulkiri, Campuchia.