Đại tướng dạy chúng tôi làm theo lời Bác

VOV.VN -Sau này lớn lên,trong cuộc đời làm báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam,tôi có may mắn được gặp Đại tướng nhiều lần

Khi anh cả tôi đánh trận Điện Biên trở về Hà Nội (tháng 10/1954), tôi mới có hai tuổi. Chúng tôi lớn lên trong "hào khí Điện Biên". Những năm sau đó, chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp khổ lớn được nhiều gia đình ở Hà Nội treo trang trọng. Có lần tò mò mở an-bum ảnh kháng chiến của anh cả, thấy ở ngay đầu trang là ảnh Đại tướng cùng hàng chữ anh tôi nắn nót ghi:" Võ Đại tướng"...

Sau này lớn lên,trong cuộc đời làm báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam,tôi có may mắn được gặp Đại tướng nhiều lần, có hai lần được đi sát bên Đại tướng, một lần đưa Đại tướng từ thềm cao của Phủ Chủ tịch xuống dưới sân. Một lần khác đỡ Đại tướng từ trong Hội trường Ba Đình ra ngoài. Hôm đó, trời rét, tôi thưa:"Trời rét thế này,Bác mặc thế có đủ ấm không ạ".

Đại tướng trả lời: "Tôi đủ ấm".

Sở dĩ tôi có thể tiếp cận Đại tướng thân thiết như vậy,bởi ông biết tôi là Phóng viên"nhà Đài". Hơn nữa, lại còn hai lần phỏng vấn ông,được ông khen.




Lần phỏng vấn đầu tiên là ở trong vườn nhà Đại tướng nhân kỷ niệm lần thứ 35 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Lúc đó,ở Paris,một nhà sử học Pháp vừa cho đăng bài báo" Tướng Giáp suýt nữa thất trận ở Điện Biên như thế nào?". Tôi được đọc bản dịch tiếng Việt của bài báo này,thưa lại cùng Đại tướng và một trong những câu hỏi phỏng vấn là về việc này. Có lẽ vì thế mà Đại tướng chọn các câu hỏi của Phóng viên Đài TNVN và đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam cùng thu hình. Phóng viên  Đài THVN hôm đó là Trường Phước và chị Sanh Liên (nguyên phóng viên CP.90). Chúng tôi chia nhau: ba người ba câu hỏi. Buổi ghi âm và ghi hình đầu tiên thực hiện vào chiều ngày 6/5/1989. Chúng tôi rất phấn khởi vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sáng hôm sau, có điện từ Văn phòng Đại tướng gọi xuống, cho biết Đại tướng muốn các PV thực hiện lại cuộc phỏng vấn này. Đúng giờ,chúng tôi có mặt tại 30 Hoàng Diệu và được Đại tướng tiếp trong gian phòng nhỏ,nơi trang trọng nhất có bức tượng Bác Hồ kính yêu. Ở lần thu hôm trước, khi nói về những đồng đội, đồng bào ta hy sinh góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên, giọng Đại tướng nghẹn ngào, đôi mắt ngấn lệ. Tôi và anh Trường Phước đều thống nhất sẽ lấy đoạn băng ghi âm và ghi hình này dùng cho buổi phát trên Đài TNVN và Đài THVN, chiều và tối 7/5/1989.

Những giọt nước mắt của Đại tướng làm cho chúng tôi thêm hiểu hơn tấm lòng của vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam,người anh cả của Quân đội ta đối với chiễn sĩ,đồng bào.

Lần thứ hai, kỷ niệm

Lần thứ hai, kỷ niệm lần thứ 50 ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/1996). Tôi lại được giao nhiệm vụ phỏng vấn Đại tướng. Nhờ đọc kỹ những tác phẩm của Đại tướng, nên những câu hỏi gửi lên được Đại tướng khen là "hay". Lần phỏng vấn này thực hiện ở Trung tân Âm thanh của Đài. Tổng giám đốc Trần Mai Hạnh và nhà báo Phan Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đón Đại tướng và chào mừng Đại tướng đến thăm Đài. Đông đảo anh chị em cán bộ,công nhân viên Trung tâm Âm thanh nồng nhiệt mừng Đại tướng. Chị Kim Cúc,phát thanh viên còn mạnh dạn thưa:"Bọn cháu thích nhìn Đại tướng mặc quân phục hơn". Hôm đó, Đại tướng trả lời khá dài. Tôi thưa:"Vì khuôn khổ thời gian,nên xin được rút gọn lại. Trong không khí chan hòa,Đại tướng hứa: "Ngày mai, tôi đến nói lại. Đúng hẹn, hôm sau, trong quân phục Đại tướng, Đại tướng trở lại thăm Đài. Và nếu tôi nhớ không lầm,thì đây là lần cuối cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam.

Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi phóng viên VOV

Cuộc phỏng vấn Đại tướng nhân kỷ niệm lần thứ 50 Ngày toàn quốc kháng chiến được phát trong hai chương trinh Thời sự lúc 6 giờ sáng.  Thính giả nhiều nơi trong cả nước gọi điện về hoan nghênh . Đồng chí Hà Văn Lâu,nguyên Thứ trưởng Ngoại giao,từ trong Huế đề nghị phát lại cuộc phỏng vấn.

Hôm đó,trong giây phút thân tình,tôi xin Đại tướng viết cho mấy chữ gửi các phóng viên trẻ của Đài TNVN, đăng trên Tạp chí Phát thanh của Đài. Đại tướng vui vẻ nhận lời và còn kể thêm những kỷ niệm sâu sắc của Đại tướng với Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau này, chúng tôi còn nhiều dịp cùng các phóng viên trẻ của Đài TNVN đến thăm và phỏng vấn Đại tướng tại nhà riêng. Trong một lần cùng chị Kim Cúc, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chúc thọ Đại tướng, được nghe Đại tướng nói nhiều về việc giáo dục thế hệ trẻ. Đại tá Huyên,người trợ thủ đắc lực của Đại tướng,nhiều lần đề nghị Đại tướng giữ gìn sức khỏe. Đại tướng đều gạt đi và tiếp tục mạch suy nghĩ của mình. Với tôi, những lời tâm sự, dạy bảo của Đại tướng, đặc biệt là  câu nói của Đại tướng:"Tôi luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ "dĩ công vi thượng" là những bài học rất sâu sắc trong cuộc đời của mình.

Trong tủ sách của mình, ở phần trang trọng nhất, tôi đặt những tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những cuốn"Từ nhân dân mà ra", "Những năm tháng không thể nào quên," "Chiến đấu trong vòng vây", "Đường tới Điện Biên Phủ", "Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử", "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng"... đều có Thủ bút của Đại tướng.

Đại tá Trần Hồng, phóng viên ảnh báo Quân đội nhân dân, tặng tôi bức ảnh chụp Đại tướng áo sơ mi trắng, tay đỡ chiếc áo mang quân hàm Đại tướng, nụ cười tươi tăn trong một khuôn hình rạng rỡ. Bức ảnh đó đặt bên Huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên" là những kỷ vât quý báu đối với tôi, đứa bé được lớn lên trong câu hát"Vì nhân dân quên mình..."

Điều không ai muốn xảy ra cũng đã xảy ra rồi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vĩnh biệt chúng ta.  Nhà giáo dạy sử, phóng viên báo chí thời "Mặt trận bình dân", người làm báo"Việt Nam độc lập", người chỉ huy "Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân", Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam... Biết bao công việc,biết bao chức vụ... tập trung chỉ ở một con người. Trong phút giây này, tôi lại nhớ về chiến khu Việt Bắc, với khu rừng Trần Hưng Đạo ,với Nà Ngần, Phai Khắt, với sông Lô sóng ngàn với những đồng bào đồng chí người Tày, người Nùng, người Dao, người Mông... nơi đang đón anh linh của Đại tướng về với chiến khu xưa, sống với đông bào như ước nguyện mà ông đã có lần thổ lộ.

"...Dòng sông Lô vẫn trôi' đưa ông về cõi vĩnh hằng.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Võ Nguyên Giáp đồng nghĩa với Việt Nam
Võ Nguyên Giáp đồng nghĩa với Việt Nam

VOV.VN - Đối với thế giới, cái tên Võ Nguyên Giáp quen thuộc đồng nghĩa với Việt Nam, nên không cần phải phiên dịch, diễn giải. 

Võ Nguyên Giáp đồng nghĩa với Việt Nam

Võ Nguyên Giáp đồng nghĩa với Việt Nam

VOV.VN - Đối với thế giới, cái tên Võ Nguyên Giáp quen thuộc đồng nghĩa với Việt Nam, nên không cần phải phiên dịch, diễn giải. 

Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN - Vị Đại tướng danh tiếng, “người anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã từ trần chiều 4/10/2013, ở tuổi 103.

Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN - Vị Đại tướng danh tiếng, “người anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã từ trần chiều 4/10/2013, ở tuổi 103.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần

VOV.VN - Chiều nay (4/10), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần tại Bệnh viện Quân y 108.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần

VOV.VN - Chiều nay (4/10), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần tại Bệnh viện Quân y 108.