Đảm bảo tối đa quyền lợi cho 2.000 lao động Việt Nam tại Algeria

VOV.VN - Không thể để người lao động chịu mức lương thấp hơn lương công nhật ghi trong hợp đồng khi đưa lao động đi.

Liên quan đến vụ việc một số lao động Việt Nam trong tổng số 57 lao động do Công ty Cổ phần SIMCO Sông Đà (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đưa sang Algeria làm việc theo hợp đồng bị hành hung ngày 16/9 vừa qua, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về những thông tin cụ thể.

Ông Phạm Viết Hương trả lời phỏng vấn của PV Đài TNVN 

PV: Trước hết xin ông cho biết vì sao lao động Việt Nam lại bị hành hung tại Algeria?

Ông Phạm Viết Hương: Như chúng ta đã biết, 57 lao động của SIMCO Sông Đà đưa sang Algeria làm việc từ tháng 7 theo hợp đồng. Đây là theo hợp đồng mà 15 doanh nghiệp được Cục cho phép đưa lao động sạng làm việc ở Algeria, hợp đồng đã được thẩm định ở Cục, điều kiện hợp đồng phù hợp với thị trường này và lương theo hợp đồng là công nhật.

Trong hợp đồng có ghi rõ là sau một thời gian, thường khoảng 3 tháng, chủ sử dụng lao động có thể thỏa thuận mức lương khoán. Tất nhiên, trường hợp người lao động thấy rằng mức lương không hợp lý hoặc người lao động không đồng ý thì có thể có ý kiến. Tức là dành thế chủ động cho người lao động và sau một thời gian đưa ra mức khoán mới người lao động không thống nhất với chủ nên hai bên có xung khắc và không giải quyết được, sau đó có một số lao động của Trung Quốc đến gây rối và đánh bị thương vài ba lao động của Việt Nam.

PV: Là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã vào cuộc xử lý vụ việc ra sao, thưa ông?

Ông Phạm Viết Hương: Ngay khi có thông tin thì Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo công ty cử ngay cán bộ sang Algeria. Đến thời điểm này tình hình tương đối ổn định. Ngày 24/9 vừa qua SIMCO Sông Đà đã cử ngay cán bộ sang để giải quyết. 

Ngày 7/10, Cục đã cử thêm một đồng chí nữa của công ty sang phối hợp với chủ sử dụng lao động cũng như Đại sứ quán Việt Nam bên đó để giải quyết tình hình. Tôi cũng đã trực tiếp gọi điện cho ông Đại sứ để cử người xuống xem xét tình hình và hỗ trợ cán bộ của SIMCO Sông Đà cũng như chủ sử dụng lao động để giải quyết tình hình. Cục cũng đã có văn bản chính thức gửi Đại sứ quán. 

Theo báo báo đến thời điểm này có 7 lao động đã thống nhất mức khoán mới, chuyển sang công trường mới, 23 lao động khác cũng đã thống nhất mức lương khoán mới nhưng chưa đi được vì những lao động còn lại chưa muốn cho nhóm đấy đi. 

Việc này Cục đang chỉ đạo công ty, phối hợp chặt chẽ với chủ cũng như Đại sứ quán Việt Nam bên đó làm sao có thể kiên trì, thuyết phục để hai bên thống nhất mức lương. Tất nhiên, không thể để người lao động chịu mức lương thấp hơn lương công nhật ghi trong hợp đồng khi đưa lao động đi. Mục tiêu là đảm bảo tối đa quyền lợi cho người lao động.

PV: Thưa ông, vấn đề trước mắt quan trọng nhất cần giải quyết ngay lúc này là gì nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động, thưa ông?

Ông Phạm Viết Hương: Ngay từ đầu chúng tôi đã chỉ đạo công ty sang đấy, thứ nhất phải đảm bảo an toàn cho người lao động. Thứ hai, đối với những lao động có xô xát, bị thương thì phải điều trị y tế cho họ. Trường hợp những lao động về nước, doanh nghiệp phải chuẩn bị các thủ tục cần thiết mua vé máy bay để tổ chức đón lao động về. 

Quan trọng nhất lúc này là hợp đồng đưa đi hai bên đã ký thống nhất rồi bây giờ doanh nghiệp đưa lao động sang phải đảm bảo được các điều kiện cho người lao động về thu nhập, ăn ở, đảm bảo tối thiểu về mức lương như hợp đồng đã ký. 

Sau một thời gian nếu như người lao động cũng như chủ sử dụng lao động cần thỏa thuận mức lương khoán mới cao hơn mức lương công nhật, phải tư vấn cho người lao động mức lương đó đã hợp lý chưa để hai bên là chủ sử dụng lao động và người lao động thống nhất theo mức lương mới. 

Tôi nghĩ đấy là phương án rất tốt cho người lao động và doanh nghiệp. Trường hợp mà một số lao động thấy không hài lòng với mức khoán đưa ra người lao động có thể về nước doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đưa lao động về và tiến hành thanh lý hợp đồng và các các khoản trách nhiệm như thế nào thì doanh nghiệp phải chịu.

PV: Ông có thể cho biết việc thẩm định và cấp phép của cơ quan quản lý Nhà nước đối với những doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Algeria được tiến hành như thế nào?

Ông Phạm Viết Hương: Quy trình thẩm định bao giờ các doanh nghiệp cũng gửi hồ sơ lên Cục Quản lý lao động ngoài nước. Nếu Cục có Ban quản lý thị trường lao động tại thị trường đấy sẽ có yêu cầu ban quản lý thẩm định. 

Tuy nhiên, với thị trường Algeria hiện chưa có Ban quản lý nên Cục đã có văn bản yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria thẩm định các điều kiện hợp đồng cũng như tư cách pháp nhân của chủ sử dụng lao động để Cục có văn bản trả lời cho phép doanh nghiệp đưa lao động đi hay không. 

Công ty SIMCO Sông Đà là 1 trong 15 doanh nghiệp được Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp phép đưa lao động sang làm việc tại Algeria. Các điều kiện hợp đồng với mức lương khoảng 450 đến 1.200USD. Thường lao động xây dựng có mức lương khoảng 450 đến 500 USD. 

Thực tế mức khoán với hơn 2000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các công trường xây dựng tại Algeria hiện nay thì mức thu nhập làm thêm cao hơn thế, khoảng 600 đến 700 USD. Các điều kiện về hợp đồng về chi phí đã được Cục thẩm định.

PV: Vậy sau vụ việc này, Cục có chỉ đạo gì đối với 15 doanh nghiệp đã được cấp phép đưa lao động sang làm việc tại Algeria cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khác để tránh sự việc đáng tiếc tương tự có thể xảy ra, thưa ông?.

Ông Phạm Viết Hương: Đối với các công ty đưa người lao động đi nước ngoài nói chung cũng như các doanh nghiệp đưa người lao động sang Angieria, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp trước khi đưa lao động sang đó phải cử cán bộ sang để khảo sát, nắm bắt tình hình, phải thẩm tra kỹ. Thứ hai là cử quản lý, cử phiên dịch sang để quản lý. 

Nhiều doanh nghiệp cũng đã có quản lý và phiên dịch sang bên đó. Về cơ bản, với hơn 2.000 lao động đang làm việc ở Angeria có điều kiện làm việc tương đối tốt. Vụ việc vừa rồi xảy ra, chúng ta cần rà soát lại xem có khâu nào sơ suất để giải quyết. Tôi nhắc lại là phải có sự hợp tác giữa người lao động với người đại diện quản lý lao động và giới chủ để bàn cách giải quyết, đưa ra một phương án tốt nhất.

PV: Trong trường hợp người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bị đánh đập, ngược đãi hoặc gặp phải rủi ro thì cần liên hệ với ai để được giúp đỡ, thưa ông?.

Ông Phạm Viết Hương: Khi có vụ việc xảy ra, trước hết trong phạm vi nhỏ người lao động có thể phản ánh trực tiếp với đốc công hoặc cán bộ quản lý. Những trường hợp chưa thể giải quyết được thì người lao động có thể liên hệ với Ban quản lý lao động (Đối với những nước có Ban quản lý lao động). Còn với những nước chưa có Ban quản lý lao động thì người lao động liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại để có hỗ trợ cần thiết trong vấn đề giải quyết vụ việc.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên