Đau đầu trị “bệnh lạm thu”!

Năm nào cũng vậy, nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng tình trạng này vẫn ngày càng trầm trọng khiến cho dư luận rất bức xúc

Trước khi năm học mới bắt đầu, Bộ GD-ĐT cũng như nhiều Sở GD-ĐT các tỉnh, thành đã có công văn yêu cầu “siết chặt” các khoản đóng góp đầu năm. “Siết chặt” đến đâu không biết, chỉ biết rằng, các bậc phụ huynh vẫn phải móc hầu bao chi cho những khoản đóng góp mà các trường đưa ra.

Mua sắm thêm các phương tiện học tập, cần chú ý đến "túi tiền" của phụ huynh

Bệnh khó chữa!

Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn quy định: ngoài các khoản thu cố định, học sinh Hà Nội sẽ chỉ còn phải nộp các khoản thoả thuận như: Tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền đồ dùng cá nhân (đối với các cấp học có tổ chức bán trú), tiền học phẩm, chi phí học ngày thứ 7 theo nguyện vọng (không kể tiền ăn), tiền nước uống. Có 4 khoản nhà trường không được thu của học sinh, đó là phục vụ bảo vệ, trông xe, an ninh và vệ sinh. Thế nhưng, thực tế nhiều trường đã “vẽ” ra hàng chục khoản thu “giời ơi”.

Phụ huynh N.T (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngay trong buổi họp phụ huynh, nhiều bậc cha mẹ ngỡ ngàng khi cô giáo mang máy chiếu ra trình chiếu cho phụ huynh xem để chứng minh rằng, việc dạy bằng máy chiếu sẽ khiến bài học sinh động, hấp dẫn hơn. Đặc biệt hơn là cô đã tự quyết định ứng 20 triệu đồng để mua chiếc máy chiếu này. Chính vì vậy, Ban phụ huynh lớp đã “vận động” mọi người tùy tâm đóng góp. “Sự đã rồi” nên hầu hết cha mẹ đều tự nguyện đóng góp từ 300.000 - 1 triệu đồng.

“Thực tế, chiếc máy chiếu đó chỉ dùng cho vài tiết học, nên không nhất thiết mỗi lớp phải mua một chiếc mà có thể cả khối dùng chung một chiếc. Như vậy sẽ đỡ lãng phí hơn!” - một phụ huynh chia sẻ.

Anh H.A, có con học ở khối 2 một trường Tiểu học thuộc quận Đống Đa cho biết: Vì con anh học lớp “chọn” nên các khoản đóng góp cũng trội hơn các lớp khác. Nhà trường có chủ trương thực hiện mô hình dạy học tương tác với một số lớp, nhưng toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho lớp này (khoảng hơn 100 triệu đồng) hoàn toàn lấy từ nguồn thu của phụ huynh học sinh.

Xem danh mục chi của họ thì thấy đúng là cách tiêu tiền “chùa”, vì cái gì cũng “xịn”. Máy chiếu hơn 28 triệu đồng/chiếc. Máy tính xách tay hơn 24 triệu đồng/chiếc... Nhà trường bảo, phụ huynh có thể không tham gia nhưng phải cho con mình chuyển sang lớp khác. Nhiều phụ huynh đành phải rút tiền ra đóng, dù chẳng biết hiệu quả “tương tác” đến đâu.

Giá tiền mua đồng phục cũng có nhiều mức rất khác nhau, nhưng mức cao nhất có thể kể tới bộ đồng phục của học sinh trường THPT Chu Văn An với các bộ hè, đông, vest, áo khoác... Nếu đủ các bộ sẽ phải chi khoảng 2 triệu đồng cho một học sinh. Hay tình trạng thu quỹ cha mẹ học sinh lớp lên tới 2 triệu đồng một học kỳ của một trường THPT công lập ở Hà Nội mà báo chí nêu gần đây…

Về vấn đề này, ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ GD-ĐT ban hành quy định, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, tuy nhiên đến nay, Hà Nội vẫn chưa đưa ra được mức thu cụ thể nên dẫn tới việc có nhiều mức thu khác nhau.

Trước hàng loạt thông tin phản ánh trên báo chí về việc thu chi tràn lan sai quy định của một số trường, mới đây, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đã có cuộc họp khẩn với Trưởng phòng GD-ĐT, các trường THPT và trường trực thuộc để tìm biện pháp kiểm soát tình trạng trên. Ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở khẳng định: Từ ngày 25/9, Sở GD-ĐT Hà Nội cử 5 đoàn công tác đi kiểm tra nhằm chấn chỉnh vi phạm trong việc thu phí đầu năm học của các trường mầm non, phổ thông công lập, tập trung vào các khoản huy động nguồn lực xã hội. Thời gian thanh tra kéo dài đến hết tháng 10/2011. Nếu các khoản thu sai quy định phải trả lại phụ huynh.

Cần quy định “mức trần” trong các khoản thu

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận: “Lạm thu ở các trường học luôn là vấn đề bức xúc của người dân. Các sở, ngành cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều biện pháp đưa ra để giải quyết vấn đề. Bộ cũng nhận được nhiều văn bản đề nghị của các sở về vấn đề này, nhưng vẫn rất khó “chữa” do bệnh đã nhờn thuốc. Trước tình hình trên, Bộ GD-ĐT đã mở diễn đàn bàn về lạm thu để nhiều nhà giáo dục, người dân hiến kế về vấn đề này”.

PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nêu: “Năm nào Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT cũng ra văn bản, chỉ thị nói về “lạm thu” chứng tỏ các giải pháp đưa ra là chưa khả thi. Khi đối diện với các khoản thu, phụ huynh ngại nói và nghĩ họ đóng được mình cũng cố đóng cho xong, vì sợ ảnh hưởng đến con mình. Bộ GD-ĐT nói phụ huynh giúp nhà trường là không hợp lý. Trong thu có khoản đúng, có khoản không đúng. Theo tôi chỉ có cách là tăng học phí. Tất cả các khoản thu đó đều nằm trong mức học phí này, như vậy các phụ huynh không phải đóng thêm khoản nào nữa và nhà trường lấy tiền trong khoản đó để chi tiêu theo quy định".

Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) lý giải: Trước khi nói về “lạm thu” thì nên hiểu rõ “lạm thu” ở các khoản nào, vì nhiều khoản học sinh phải đóng theo quy định. Theo tôi, vấn đề lạm thu nhiều nhất là ở quỹ cha mẹ học sinh và khoản “xã hội hóa” giáo dục như mua máy chiếu, rèm phòng học... Do vậy, Ban đại diện cha mẹ trường nên đưa ra mức thu trần cho các lớp và Hiệu trưởng là người duyệt. Nên giao quyền cho Hiệu trưởng để chịu trách nhiệm và giải trình với cấp trên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên