Để cây lúa đồng bằng bớt bấp bênh

Bài học “trúng mùa mất giá” đã được nông dân ĐBSCL thuộc nằm lòng nhưng không sao “cưỡng” lại được.

Những ngày này về các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhìn đâu cũng thấy những trà lúa đông xuân bông đang ngả vàng, chuẩn bị cho thu hoạch. Từ bà con đến các cấp, các ngành đều nhận thấy lúa năm nay trúng lớn; song hiềm một nỗi là giá lúa đang giảm mạnh, có nơi lúa thường chỉ còn hơn 5.500 đ/kg (lúa khô). Với giá lúa này, nông dân khó mà có lãi vì chi phí vụ lúa đông xuân bao giờ cũng cao (giá thành từ 3.000 – 4.000 đ/kg).

Có nhiều nguyên nhân khiến giả lúa giảm, nhưng chủ yếu do năm nay đầu ra gặp rất nhiều khó khăn. Các nước nhập khẩu tập trung như Philipinnes, Indonesia chưa mở thầu; trong khi Pakistan, Ấn Độ đang bán một lượng gạo phẩm cấp thấp với giá rẻ nên gạo cấp thấp của Việt Nam sẽ rất khó chen chân.

Theo dự báo, đến tháng 3 này, toàn vùng ĐBSCL sẽ thu hoạch rộ với diện tích lúa đông xuân 1,5 triệu ha; sản lượng lúa hàng hóa dự kiến sẽ đạt 10,3 triệu tấn. Nỗi lo về giá lúa không phải đến bây giờ mới được bàn đến mà đã qua nhiều mùa vụ, bài học “trúng mùa mất giá” đã được mọi người thuộc nằm lòng nhưng không sao “cưỡng” lại được, mà chủ yếu là do tập quán canh tác khó thay đổi.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa (Ảnh: Internet)

Vào đầu vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành trong khu vực đã khuyến cáo bà con nên hạn chế gieo sạ giống lúa phẩm cấp thấp IR5404; song nông dân vẫn bất chấp tiếp tục gieo sạ giống lúa này, có nơi chiếm tới hơn 30% diện tích. Trao đổi thì đa số bà con đều cho rằng, vẫn biết là lúa thường sẽ khó bán song dễ canh tác; mặt khác cũng có năm, giá bán khá cao nên nông dân thì cứ đánh liều “năm ăn năm thua vậy”.

Trong khi lúa có phẩm cấp thấp giá đang lao đao thì các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm, lúa đặc sản đang có giá. Giá lúa Jasmin khô, lúa thơm được doanh nghiệp mua ở mức 7.000 đ/kg và nhiều doanh nghiệp cho biết là đầu ra đang thuận lợi tại thị trường các nước EU, Tây Phi và Hongkong. Hiện các doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua các loại giống lúa chất lượng cao để chế biến gạo cấp cao, phục vụ cho các thị trường này.

Trước tình hình giá lúa có khả năng giảm mạnh, để tháo gỡ khó khăn cho nông dân, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã kiến nghị Chính phủ có kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ lúa đông xuân này khi vào thu hoạch rộ, với mức giá sàn để giữ giá lúa ổn định tại thị trường trong nước; đảm bảo nông dân trồng lúa có lãi theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ở đây giải pháp tình thế lại được lặp lại như nhiều năm trước: mỗi khi giá lúa xuống, Chính phủ lại phải trích ngân sách để hỗ trợ thu mua lúa tạm trữ cho nông dân. Điều này là hợp tình, thể hiện sự chăm lo toàn diện cho nông dân của Đảng và Nhà nước ta. Song điều đáng nói là nếu không tích cực tuyên truyền, vận động để nông dân thay đổi tập quán canh tác, tiếp tục xuống giống lúa cho gạo phẩm cấp thấp như hiện nay, thì nỗi lo về giá cả bấp bênh luôn là thường trực ở mỗi mùa vụ.

Một điều đáng mừng là ở ĐBSCL hiện nay, nhiều tỉnh, thành đang triển khai kế hoạch trồng lúa thơm, lúa đặc sản. Tỉnh Sóc Trăng trong vụ đông xuân này đã trồng được hàng chục ngàn ha lúa đặc sản; tỉnh xây dựng lộ trình đến  2015 sẽ giao sạ 80.000 ha lúa thơm và đặc sản. Tỉnh đã xây dựng được dòng thương hiệu lúa thơm, đặc sản dòng ST từ ST1 đến ST 18.

Hiện nay, hầu hết nông dân ở Sóc Trăng trồng  giống lúa thơm đều bán có lãi, bà con rất phấn khởi. Do vậy, ngành nông nghiệp địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của các giống lúa dòng ST; qua đó giúp nhiều bà con trồng lúa thường rút kinh nghiệm và hứa quyết tâm sang năm sẽ chuyển đổi.

Như vậy vai trò của các cấp, các ngành, nhất là định hướng của ngành nông nghiệp địa phương cơ sở là đặc biệt quan trọng. Cán bộ nông nghiệp ở đâu gắn bó với đồng ruộng, hỗ trợ bà con từ cách chọn giống đến canh tác đều được tín nhiệm và bà con nghe theo. Công việc này đòi hỏi sự tâm huyết và kiên trì.

Một điểm đáng mừng nữa là hiện nay, phong trào xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” đang được các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL triển khai, tạo ra một hướng đi đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây lúa. Việc thí điểm những cánh đồng mẫu lớn thời gian qua cho thấy giá thành sản xuất lúa không chỉ giảm  mà năng suất còn tăng cao; giá cả lại được doanh nghiệp bao tiêu; việc liên kết “4 nhà” được thể hiện rõ, tạo cho sản xuất luôn ổn định, cho nông dân thu nhập khá. Mô hình này cần tiếp tục  được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Một vấn đề lâu dài nữa là để khắc phục tình trạng giá nông sản nói chung và giá lúa bấp bênh nói riêng, thì công tác đào tạo nghề cho nông dân là đặc biệt quan trọng. Qua thực tế khảo sát tại nhiều nơi ở vùng ĐBSCL, chúng tôi nhận thấy, ở đâu nông dân chịu học hỏi, cầu tiến bộ, biết áp dụng tốt các tiến bộ khoa học vào sản xuất; thực hiện tốt các chỉ dẫn của ngành chức năng; ở đó sản xuất luôn  thành công; nông dân ít khi bị điêu đứng bởi giá cả thị trường.

Do vậy, dạy nghề cho nông dân là con đường đúng đắn, đòi hỏi một quyết tâm rất lớn từ các cấp, các ngành; để từ đó góp phần khắc phục tình trạng giả cả nông sản của bà con nông dân làm ra luôn trồi sụt, bấp bênh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên