Đê điều Hà Nội: Buông lỏng quản lý đến bao giờ?

VOV.VN - Rõ ràng, đã có sự “ngoảnh mặt làm ngơ” của chính quyền địa phương trước tình trạng xe tải băm nát mặt đê…

Tình trạng buông lỏng bảo vệ đê điều ở Hà Nội đã rõ, nhưng câu hỏi được đặt ra là chính quyền cơ sở, ngành chức năng thành phố “im lặng” đến bao giờ?

“Lực bất tòng tâm” - ông Phạm Văn Giang, Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều huyện Đông Anh đã phải xót xa thốt lên như vậy khi đề cập đến tình trạng xe quá tải băm nát mặt đê tả Hồng. Trên tuyến đê cấp một hơn chục km kéo dài qua địa bàn 3 xã (Võng La, Hải Bối, Vĩnh Ngọc) có đến 9 điểm tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng, với hàng trăm lượt xe tải vào ra mỗi ngày.

Xe tải trọng lớn nghênh ngang đi lại trên mặt đê

Ông Giang cho biết, trước tình trạng mặt đê bị sụt lún, xuất hiện ngày càng nhiều ổ gà, ổ voi do xe chở cát sỏi cày xới, Hạt quản lý đê đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn, nhưng kết quả cũng không được bao nhiêu.

“Xử lý không còn xe quá tải thì phải xử lý cái gốc, tức là xử lý toàn bộ bãi cát không phép. Có như vậy thì tình trạng xe quá tải, kể cả ban đêm mới không còn. Để làm được việc này thì các cấp chính quyền địa phương, xã, huyện và các cơ quan chức năng phải vào cuộc, nếu họ làm trọn vẹn được thì sẽ xử lý được” – ông Giang nêu quan điểm.

Một điều đáng chú ý là, tất cả các điểm tập kết cát sỏi tại đê tả Hồng đoạn qua huyện Đông Anh đều hoạt động không phép, vi phạm chỉ giới hành lang an toàn thân đê, nhưng không hiểu vì sao vẫn ngang nhiên tồn tại gần chục năm nay.

Trưa ngày 18/4 vừa qua, khi chúng tôi có mặt tại xã Võng La, địa bàn “nóng” nhất với 4 điểm tập kết cát, sỏi không phép thì dàn xe tải (hạng nhẹ có, hạng nặng có) đang ngang nhiên cày xới mặt đê mà không hề có bóng dáng của những người có trách nhiệm. Chưa dừng lại ở đó, sau khi vượt qua đê, những đoàn xe tải này rầm rập trên con đường ngay trước trụ sở Ủy ban nhân dân xã Võng La như thách thức chính quyền sở tại.

Núi cát tại địa bàn Vạn Điểm

Vi phạm đã rõ, nhưng khi làm việc với phóng viên Đài TNVN, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Võng La vẫn cho rằng, xã đã làm tốt công tác phòng chống lụt bão, việc xe tải hạng nặng chở vật liệu xây dựng vẫn chưa ảnh hưởng gì nhiều đến an toàn thân đê. Khi đề cập đến các điểm tập kết cát sỏi không phép, ông Phó chủ tịch xã vội “lái” trách nhiệm sang chính quyền các cấp: “Thẩm quyền, trách nhiệm tất nhiên là của chính quyền các cấp trong đó có của chính quyền địa phương là người tổ chức thực hiện nhưng cũng chưa được triệt để. Xã cũng thành lập tổ công tác thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật, nhà nước. Một số bãi đã chấp hành tốt như tự giải tán cũng như không tổ chức thực hiện”.

 

Tại địa bàn huyện Thường Tín, nơi có 7 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích hàng chục nghìn m2 ở các xã Hồng Vân, Ninh Sở, Thống Nhất không phù hợp quy hoạch, không có thủ tục pháp lý về đất đai… nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Sự tồn tại của những điểm tập kết này làm cho tình trạng hút cát ở sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện và xe quá tải chạy trên đê càng thêm nhức nhối. Vậy nhưng, khi đề cập đến vấn đề này, ông Uông Đức Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín lại cho rằng, đây là việc hết sức khó khăn:.

“Năm 2015, do vấn đề giá và nhu cầu nên vẫn còn một số trường hợp bơm, hút cát trái phép gây bức xúc cho người dùng. Tôi cũng tập trung chỉ đạo cho các xã xử lý hết sức kiên quyết. Tuy nhiên đây cũng là một việc hết sức khó khăn, phức tạp đối với nạn hút cát trên sông Hồng vẫn còn tiếp diễn” – ông Uông Đức Ngọc nói.

Mặt đê tả Hồng (xã võng La) vừa được nâng cấp chưa đầy 3 tháng

Rõ ràng, đã có sự “ngoảnh mặt làm ngơ” của chính quyền địa phương trước tình trạng xe tải băm nát mặt đê và những núi cát mọc lên ven sông trên địa bàn Hà Nội. Bởi, nếu thực thi quyết liệt các biện pháp bảo vệ đê, liệu những vi phạm kéo dài năm này qua năm khác và giữa “thanh thiên bạch nhật” tại các tuyến đê xung yếu bậc nhất thành phố tồn tại được không? Điều này càng được khẳng định qua kết luận thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “chính quyền địa phương một số nơi còn buông lỏng trong công tác quản lý đê điều”. Kết luận cũng nêu rõ, Hà Nội luôn là một trong những “điểm nóng” nhất, khi chiếm tới 20% số vụ vi phạm đê điều trên cả nước. Và điều đáng chú ý là tình trạng này không những không được ngăn chặn, xử lý mà có xu hướng gia tăng cả về quy mô và mức độ.

Bao giờ người dân Hà Nội, đặc biệt là người dân ven đê “bình yên” trước mùa mưa bão? Đó thật sự là câu hỏi chưa có câu trả lời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội chi hơn 45.000 tỷ đồng quy hoạch hệ thống đê điều
Hà Nội chi hơn 45.000 tỷ đồng quy hoạch hệ thống đê điều

VOV.VN -Từ nguồn vốn đầu tư tương đối lớn này, Hà Nội có thể kiên cố hóa được nhiều tuyến đê vốn được xây dựng từ hàng chục năm trước.

Hà Nội chi hơn 45.000 tỷ đồng quy hoạch hệ thống đê điều

Hà Nội chi hơn 45.000 tỷ đồng quy hoạch hệ thống đê điều

VOV.VN -Từ nguồn vốn đầu tư tương đối lớn này, Hà Nội có thể kiên cố hóa được nhiều tuyến đê vốn được xây dựng từ hàng chục năm trước.

Hà Nội: Hơn 2.400 tỷ đồng xây dựng, tu bổ đê điều
Hà Nội: Hơn 2.400 tỷ đồng xây dựng, tu bổ đê điều

VOV.VN -Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, định hướng của thành phố là xây dựng thêm lớp đê mới ở cấp độ chống lũ, đảm bảo an toàn cho dân cư

Hà Nội: Hơn 2.400 tỷ đồng xây dựng, tu bổ đê điều

Hà Nội: Hơn 2.400 tỷ đồng xây dựng, tu bổ đê điều

VOV.VN -Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, định hướng của thành phố là xây dựng thêm lớp đê mới ở cấp độ chống lũ, đảm bảo an toàn cho dân cư

Hà Nội: Nhức nhối xe quá tải xâm hại đê điều
Hà Nội: Nhức nhối xe quá tải xâm hại đê điều

VOV.VN - Chi cục đê điều đề nghị cơ quan báo chí vào cuộc cùng đi thực địa, xây dựng phóng sự, giúp cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý những vụ vi phạm

Hà Nội: Nhức nhối xe quá tải xâm hại đê điều

Hà Nội: Nhức nhối xe quá tải xâm hại đê điều

VOV.VN - Chi cục đê điều đề nghị cơ quan báo chí vào cuộc cùng đi thực địa, xây dựng phóng sự, giúp cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý những vụ vi phạm