Đề xuất cấm sử dụng amiăng trắng có dựa trên bằng chứng khoa học?

VOV.VN - Các nghiên cứu nhiều năm qua được thực hiện tại Việt Nam vẫn chưa xác định được bất cứ trường hợp ung thư trung biểu mô nào do amiăng trắng.

Vừa qua, Bộ Y tế đề xuất “Kế hoạch hành động Quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng với mục tiêu dừng sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam”. Đề xuất này tiếp tục gây tranh cãi khi những bằng chứng về amiăng trắng gây bệnh ung thư trung biểu mô chưa rõ ràng. Các nghiên cứu trong suốt hơn chục năm qua được thực hiện tại Việt Nam vẫn chưa xác định được bất cứ trường hợp ung thư trung biểu mô nào do amiăng trắng.

Amiăng trắng và ứng dụng trong các ngành công nghiệp

Amiăng là một loại sợi khoáng chứa hợp chất silicat kép magie, được phân thành 2 nhóm chính: Amphibole hay còn gọi là amiăng nâu và xanh (gồm 5 loại: Crocidolite, Amosite, Tremolite, Actinolite và Anthrophylite) và Serpentine chỉ có 01 loại là Chrysotile tức amiăng trắng. Tuy nhiên, sợi amiăng nâu và xanh đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới do nguy cơ gây bệnh ung thư ở người như một hậu quả cho việc sử dụng không kiểm soát từ Chiến tranh Thế giới thứ II đến những năm 80s tại Tây Âu, Mỹ, Úc và Nhật Bản. Ngày nay, chỉ có amiăng trắng là sợi duy nhất được sử dụng tại 147 quốc gia trên thế giới.

Nhóm amphibole có cấu tạo dạng thẳng, nhám, hình kim và chu kỳ bán tiêu hủy chậm. Các sợi thuộc nhóm amphibole khi vào phổi sẽ gây ra các khối u, triệu chứng viêm. Sau 10 – 20 năm ủ bệnh, các khối u sẽ phát tác thành ung thư và các bệnh về phổi. Trong khi đó, amiăng trắng có dạng xoắn, xốp mềm, là loại sợi được sử dụng nhiều nhất trong các ngành công nghiệp ngày nay. Chúng được xếp vào nhóm các chất có độ bền sinh học thấp hơn rất nhiều so với sợi len thuỷ tinh và len đá. Theo các nghiên cứu khoa học, sau khi thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, sợi amiăng trắng sẽ bị đào thải ra khỏi phổi trong vòng từ 0,3 – 11 ngày hoặc bị phân huỷ bởi môi trường axit do các đại thực bào tạo ra.

Sản phẩm có chứa amiăng trắng sản xuất tại Việt Nam có trong phân lân NPK. Cho đến nay Việt Nam đã phát hiện khoảng 17 điểm quặng amiăng phân bố chủ yếu ở khu vực phía Bắc Việt Nam thuộc địa phận các tỉnh Cao Bằng, Hoà Bình, Sơn La, Thanh Hoá và Phú Thọ. Đây đều là những mỏ nhỏ với trữ lượng quặng từ 10.000 tấn đến khoảng 60.000 tấn. Hàm lượng ở mỏ chủ yếu chứa amiăng trắng và thành phẩm là bột serpentine, quặng nghiền thô, và serpentine nung chảy. Đá thô được khai thác từ các mỏ quặng serpentine sau khai thác được nghiền nhỏ và được sử dụng để sản xuất phân bón cho khoảng 500 công ty sản xuất phân bón ở khắp mọi miền đất nước. Phân lân NPK được nông dân sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

Ngoài ra, sợi amiăng trắng tinh khiết nhập khẩu có dạng bột, sợi dài và được sử dụng trong công nghệ sản xuất tấm lợp, ống dẫn nước, má phanh ô tô và các sản phẩm dân dụng cách nhiệt, cách âm khác. Đặc biệt má phanh ôtô, đệm lót, khớp ly hợp và phanh cho thang máy là những sản phẩm phổ biến sử dụng loại sợi amiăng trắng. Theo báo cáo từ các tỉnh/thành phố gửi về, hiện tại chỉ có 01 cơ sở sản xuất má phanh làm từ sợi amiăng trắng là công ty cổ phần bao bì và má phanh Viglacera thuộc Bộ Công Thương. Còn lại, hầu hết má phanh đang sử dụng trong các nhà máy lắp ráp ô tô là linh kiện nhập khẩu nguyên chiếc. Nguồn: Công ty Viglacera. 2009- 2012

Chưa tìm ra các bằng chứng khoa học về amiăng trắng gây ung thư trung biểu mô tại Việt Nam

Amiăng trắng được sử dụng tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1963 tại 2 nhà máy thuộc công ty Eternit ở Biên Hoà (Đồng Nai) và Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào của Việt Nam xác định được bất kỳ trường hợp bệnh ung thư trung biểu mô do amiăng trắng.

Chính Bộ Y tế, với sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi của Nhật Bản, đã triển khai thực hiện “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiăng ở những người tiếp xúc” vào năm 2009 - 2011. Nghiên cứu được thực hiện với công nhân sản xuất tấm lợp Amiăng xi-măng (tấm lợp AC) năm 2010 và các bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm bệnh liên quan đến amiăng tại 6 bệnh viện lớn từ 1/2009 đến 12/2011.

Không có bằng chứng rõ ràng về việc amiăng trắng gây ung thư trung biểu mô.

Kết quả phỏng vấn tìm tiền sử nghề nghiệp liên quan đến amiăng ở 447 trường hợp bệnh liên quan đến amiăng bao gồm ung thư phổi, mảng dày màng phổi và ung thư trung biểu mô cho thấy có chỉ có 46 trường hợp được chẩn đoán ung thư trung biểu mô màng phổi. Sau sàng lọc, chỉ còn lại 39 mẫu bệnh phẩm đối tượng được chẩn đoán ung thư trung biểu mô được lựa chọn gửi sang Bệnh viện Hiroshima, Nhật Bản và đã được chuyên gia Nhật Bản xác định chẩn đoán là 08 trường hợp trong đó không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng.

“Ở 46 trường hợp bệnh nhân ung thư trung biểu mô trong kết quả nghiên cứu này cho thấy, số bệnh nhân có phơi nhiễm với amiăng không nghề nghiệp là 6 ca (13%), không có bệnh nhân nào có tiền sử nghề nghiệp tiếp xúc amiăng.

So với kết quả của một số nghiên cứu ngoài nước là 75-80% trường hợp ung thư trung biểu mô có tiếp xúc với amiăng, ở nghiên cứu này kết quả phơi nhiễm amiăng lại rất thấp. Một lý do có thể giải thích cho kết quả điều tra này là loại amiăng mà người bệnh phơi nhiễm có thể không phải thuộc nhóm amphibole, loại amiăng độc hại hơn so với nhóm serpentine với một chất đại diện duy nhất là chrysotile, loại amiăng trắng được sử dụng ở Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 1960.

Đáng chú ý hơn là trong số 46 trường hợp ung thư trung biểu mô, tất cả 26 bệnh nhân nam đều có tiền sử hút thuốc lá, chiếm 56,53%; 100% các trường hợp hút thuốc đều có thời gian hút trên 10 năm. Số bệnh nhân nữ mắc ung thư TBM, cả 20 người đều không hút thuốc. Kết quả này trùng hợp với kết luận của hầu hết các nghiên cứu trong nước và trên thế giới cho rằng thuốc lá là nguyên nhân chính gây 90% ca ung thư phổi, trong đó có cả ung thư trung biểu mô màng phổi, màng tim [9,5]. “

Nguồn: Tạp chí Y học dự phòng, Tập XXVI, Số 11 (184) Trang 120 – 121. 2016 

Ngoài ra, năm 2002 – 2003, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã có đề tài nghiên cứu cấp bộ “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng Môi trường các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng xi măng và những ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người - Kiến nghị các giải pháp". Kết quả nghiên cứu tình hình sức khoẻ trên 1,032 công nhân đang sản xuất và hưu trí cho thấy không có trường hợp nào bị mắc bệnh ung thư trung biểu mô.

Cũng trong suốt 9 năm qua (2008 – 2016), ngành tấm lợp cũng tổ chức Chương trình Khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân phối hợp với Bệnh viện Xây dựng – Bộ Xây dựng. Đây là chương trình được tổ chức khoa học, bài bản, định kỳ hàng năm và khám cho tổng số 5,466 công nhân các nhà máy tấm lợp AC (những người lao động trực tiếp tiếp xúc với amiăng trắng trong sản xuất). Kết quả hội chẩn dựa trên xét nghiệm, chụp CT và X-quang trong 9 năm liên tiếp được công bố bởi Hội đồng đọc phim uy tín cho thấy: Không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiăng trắng. 

Nghiên cứu này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu quốc tế được thực hiện bởi các nhà khoa học ở Anh, Mỹ, Thuỵ Điển, Úc, Đức… được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín có hệ thống bình duyệt (peer-reviewed), không tìm thấy bằng chứng về bệnh tật do amiăng gây ra nếu được sử dụng có kiểm soát. Các nghiên cứu quốc tế này cũng được trích dẫn bởi Tổ chức Nghiên cứu về Ung thư Quốc tế (IARC) trong báo cáo của mình về amiăng. Ngoài ra, báo cáo của Hội đồng về Khoa học và Y tế Hoa Kỳ năm 2007 cũng tham khảo kết quả của những nghiên cứu này khi đánh giá về rủi ro của các loại amiăng khác nhau.


Ảnh hưởng của đề xuất cấm đến doanh nghiệp và người lao động

Theo báo cáo của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng đã tồn tại ở Việt Nam 56 năm và hiện có 39 cơ sở sản xuất với tổng công suất thiết kế lên đến hơn 110 triệu mét vuông mỗi năm. Ngành tấm lợp hiện nay đang tạo công ăn việc làm cho hơn 5,000 người lao động và đáp ứng 40 - 42% nhu cầu sử dụng tấm lợp tại Việt Nam. Do đặc tính bền bỉ với thời tiết khắc nghiệt và giá thành hợp lý, tấm lợp fibro xi măng đang là lựa chọn phù hợp cho người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng ven biển nơi thường xuyên xảy ra mưa lũ với biên độ nhiệt thay đổi lớn. Với nhu cầu tiêu thụ khoảng 80 - 90 triệu mét vuông mỗi năm, đủ thấy tầm quan trọng của loại tấm lợp này với đời sống của người dân Việt Nam.

Cho dù chưa phát hiện được trường hợp bệnh nhân bị ung thư trung biểu mô do liên quan đến amiăng trắng tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước những thông tin gây hoang mang dư luận về việc amiăng trắng gây ung thư, đặc biệt là khi dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng” được đề xuất nhưng mục tiêu là “dừng nhập khẩu sợi amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020” đã tác động nghiêm trọng đến thị trường tiêu thụ tấm lợp fibro xi măng. Như một kết quả tất yếu, hàng loạt các nhà máy đã phải cho dừng dây chuyền sản xuất hoặc duy trì vài ba ngày mỗi tháng do hàng hoá làm ra không thể bán được.

Những cảnh báo không rõ ràng về amiăng trắng đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Tại Công ty Cổ phần Bạch Đằng tỉnh Nam Định hàng làm ra chất đầy trong kho mà không thể tiêu thụ, người lao động hoặc bị cắt giảm lương, hoặc phải cho nghỉ việc. Cùng chung mối hoạ, công ty Cổ phần Tấm lợp Từ Sơn cũng phải cho công nhân nghỉ chờ việc từ đầu tháng 7. Đứng trước những khó khăn này, các nhà máy đã phải đồng loạt gửi thư cầu cứu lên Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan quản lý mong có một chính sách ổn định để đầu tư, sản xuất.

Bất chấp những luận cứ khoa học về amiăng trắng cả trong và ngoài nước, nhiều tổ chức phi Chính phủ vẫn đang tiếp tục vận động nhằm cấm sử dụng và nhập khẩu amiăng trắng dưới danh nghĩa “loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng”. Sự nhập nhằng, đánh tráo giữa amiăng nói chung (gồm cả nâu và xanh) với amiăng trắng đang khiến công ăn việc làm của hàng ngàn công nhân và tổ ấm của nhiều người dân nghèo bị đe doạ. Bởi vậy, các cơ quan quản lý cần nhận thấy tính cấp thiết của một nghiên cứu nhằm đánh giá toàn diện ảnh hưởng của amiăng trắng đến sức khoẻ con người cũng như tác động của lệnh cấm sử dụng amiăng trắng đến doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng, đặc biệt là người đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên