Di dân đã vượt về lượng nhưng còn lo về chất

Đến thời điểm này, công tác di dân cả nước đã thực hiện vượt 19,5% so với kế hoạch thế nhưng chất lượng trên công tác này vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Dù số hộ dân được di dời trong 3 năm qua đã tăng tới 19,5% so với kế hoạch, nhưng Bộ NN&PTNT và các địa phương đều tỏ ra không yên tâm vì nhu cầu bố trí, sắp xếp dân cư giai đoạn 2006 - 2015 tăng lên 369.312 hộ, gấp gần 2,5 lần so với mục tiêu ban đầu đặt ra.

Số hộ cần di dời tăng “đột biến”

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết: Sau 3 năm thực hiện chương trình bố trí dân cư, đến nay cả nước đã tổ chức di dời được 89.414 hộ dân. Trong đó, các địa phương tự quy hoạch và sắp xếp, di dời được 83.254 hộ, Bộ Quốc phòng di dời được 4.877 hộ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh di dời, sắp xếp được 1.283 hộ (chủ yếu thông qua mô hình các làng thanh niên lập nghiệp). Trong tổng số 89.414 hộ được di dời, có 69.265 hộ (77,4%) được di dời về các điểm tái định cư tập trung, bước đầu đã hình thành hàng trăm điểm dân cư mới, 20.149 hộ (22,6%) được xen ghép vào các thôn bản hiện có, góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống bà con, hạn chế tới mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra, hạn chế tình trạng di cư tự do, bảo vệ an ninh khu vực biên giới, hải đảo.

“So với mục tiêu đề ra là di dời và ổn định cho 75.000 hộ, trong 3 năm qua, cả nước đã thực hiện vượt 19,5% so với kế hoạch” - Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng khẳng định.

Song, khi rà soát lại các hộ cần phải di dời, đặc biệt dân cư ở các vùng bị thiên tai thì số lượng hộ dân cần phải di dời bỗng tăng “đột biến” lên 369.312 hộ, gấp 2,5 lần so với mục tiêu trong Quyết định 1932006/QĐ-TTg (QĐ 193) về bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Mục tiêu ban đầu mà QĐ 193 đưa ra là: Giai đoạn 2006 - 2015, thực hiện bố trí, sắp xếp lại dân cư cho 150.000 hộ, trong đó giai đoạn 2006 - 2010 bố trí 75.000 hộ. Mặc dù số hộ có nhu cầu di dời tăng “đột biến”, nhưng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, con số này trên thực tế còn cao hơn.

Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: “Ở một số vùng miền núi, nhiều khi hàng chục năm không có mưa lớn. Bà con thường sống trên triền núi hoặc những nơi hợp thủy, thậm chí còn ở bãi ven suối. Mỗi khi lũ quét thường gắn liền với mưa lớn cục bộ, có nơi đến 800 - 1.000mm gây ra lũ, sạt lở núi...”.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tại những vùng núi này, nếu chỉ theo dõi ngắn hạn 5 - 10 năm thì có thể không biết. Trong khi đó, những người già lại có kinh nghiệm nên chính quyền cơ sở cần tận dụng những hiểu biết này để trợ giúp người dân khi cần thiết.

Chưa quan tâm nhiều tới chất lượng di dân

Mặc dù công tác di dời, sắp xếp lại dân cư đã vượt kế hoạch trong 3 năm qua, nhưng theo nhận định của Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng ta mới chỉ nói nhiều đến số lượng dân đã được di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm, mà chưa quan tâm nhiều tới chất lượng của di dân.

Đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 3 năm qua, tỉnh đã di dời, sắp xếp được cho 2.178 hộ dân. Tuy nhiên, do thiên tai liên tục uy hiếp, đặc biệt là hiện tượng sạt lở ven sông, suối… nên số hộ có nhu cầu di dời ngày càng lớn. Trong khi đó, quỹ đất để giải quyết tái sản xuất, tái định cư cho người dân cực kỳ khó khăn, phức tạp, nhất là khi kế hoạch di dân này lại phụ thuộc hoàn toàn vào thiên tai.

Đại diện nhiều tỉnh cũng “kêu khó” khi lượng vốn giải ngân chậm và không đáp ứng đủ nhu cầu của địa phương. Chỉ riêng 125 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai của 26 tỉnh, tổng vốn duyệt là 1.646 tỷ đồng, trong khi bố trí kế hoạch hết năm 2009 là 123,3 tỷ đồng, đạt 7,4%. Do vậy, các địa phương nhất là các tỉnh nghèo chưa cân đối được ngân sách để xây dựng các địa bàn đón dân. Một số nơi dân đã đến khu tái định cư nhưng còn thiếu các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là thủy lợi, nước sinh hoạt…

Ông Y DHam Ê Nuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Khó khăn lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk hiện nay là vấn đề vốn, bởi số vốn được giải ngân mới đáp ứng 11,9% nhu cầu. Đặc biệt, trong 19 dự án di dân của tỉnh có đến 10 dự án liên quan đến di dân tự do”.

Theo ông Y DHam Ê Nuôl, 10 dự án này dù đã có quy hoạch, kế hoạch cụ thể nhưng vẫn rất bị động vì dân không đi theo kế hoạch, hay quy hoạch của các bộ, ngành. Chỉ tính lượng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào từ năm 1976-2004 đã cao hơn dân số của Đắk Lắk. Trước thực tế này, ông Y DHam Ê Nuôl kiến nghị: “Cùng với việc di dời, sắp xếp lại dân cư, các tỉnh miền núi phía Bắc cần ổn định dân cư tại chỗ, tránh để xảy ra “làn sóng di cư” như thời gian vừa qua”./.

 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Làm càng sớm càng tốt!

Phóng viên Báo TNVN đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát về chương trình bố trí dân cư trong thời gian tới.

PV: Thưa Bộ trưởng, từ nay tới năm 2015, chúng ta phải di dời, sắp xếp cho 250.000 hộ dân - con số này quá lớn. Theo Bộ trưởng, liệu có thể về đích được hay không?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Có những việc chúng ta nhất thiết phải làm vì nhân dân sống ở nơi mà nguy cơ bị sạt lở núi, lũ quét, sạt lở bờ sông, ven biển... luôn cập kề. Điều đó bắt buộc chúng ta bằng mọi cách phải làm. Tôi thấy những số hộ đã được thống kê đều thuộc diện phải có sự hỗ trợ di dời, sắp xếp. Bằng mọi cách, chúng tôi phải báo cáo với Chính phủ có sự hỗ trợ các địa phương thực hiện càng sớm càng tốt.

PV: Hiện nguồn vốn Trung ương mới bố trí 2.011 tỷ đồng, bằng 52,9% nhu cầu của các địa phương. Trong thời gian tới, bằng cách nào để nguồn vốn này được tăng cường hơn nữa?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Một mặt, chúng tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ tăng sự hỗ trợ từ Trung ương. Mặt khác, trên địa bàn nông thôn của cả nước, trong đó có miền núi và các xã đặc biệt khó khăn, Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ về phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là một việc làm để đạt được mục tiêu đó, nên có thể cần có sự lồng ghép, phối hợp nhiều chương trình. Ví dụ, những huyện thuộc chương trình 30A - nơi có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% thì có thể lồng ghép, sử dụng nhiều chính sách hỗ trợ các huyện đặc biệt khó khăn đó để hỗ trợ luôn cho những hộ thuộc diện di dời này. Chúng ta có thể vận dụng chính sách về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cũng như hỗ trợ phát triển lâm nghiệp để hỗ trợ thêm bà con ở những nơi phải di dời để nhanh chóng cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống.

PV: Bộ trưởng đã từng nhận định, trong 3 năm, chúng ta mới nói nhiều về số lượng các hộ di dân mà chưa quan tâm tới chất lượng di dân - tức là đảm bảo cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho dân. Trong thời gian tới, Bộ sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Ngay trong Quyết định 193, Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý các địa phương về việc này. Ngoài việc di dời, sắp xếp, việc tạo điều kiện cho dân có điều kiện phát triển sản suất ổn định, cải thiện đời sống cũng cần được chú trọng. Về việc này, các địa phương đã quan tâm thực hiện, nhưng có một số nơi chưa đạt yêu cầu. Thực tế, vấn đề này cần phải có thời gian. Đây là một quá trình cần có sự nỗ lực liên tục mà để tạo điều kiện cho nhân dân - chủ yếu là các vùng nông thôn nên yếu tố quan trọng hàng đầu là phải có đủ đất sản xuất. Còn những nơi thiếu đất sản xuất thì phải tìm mọi cách hỗ trợ để nhân dân có thu nhập.

PV: Khó khăn lớn nhất trong di dân hiện nay là bố trí đất đai ổn định sản xuất. Vì thế, nhiều địa phương đã đề nghị chỉ nên di dời tại chỗ? Bộ trưởng có đồng ý với đề xuất này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Theo tôi, việc di dân là bất đắc dĩ mới phải làm nên tốt nhất chúng ta tạo điều kiện cho dân tới những địa phương lân cận - nơi phù hợp với nguyện vọng, phong tục, tập quán rồi truyền thống văn hóa. Với các hộ dân di cư, không phải chỉ có đời sống về kinh tế tốt hơn mà chúng ta còn phải tạo điều kiện cho họ có đời sống tinh thần thoải mái, phù hợp hơn, như thế sẽ tốt hơn. Vì thế, việc di dân xen ghép, di dân ở những vùng lân cận cần được ưu tiên.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.

Khương Lực (Báo TNVN) 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên