Chúng tôi gặp BS Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 khi anh vừa thực hiện đặt ECMO xong cho bệnh nhân 1045 (bệnh nhân ở Hải Dương được Bộ Y tế công bố chiều 2/9). Cái nắng oi ả, ngột ngạt của cuối hè cùng với trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân làm cho các y bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là những ca bệnh nặng không những căng thẳng mà còn khá mệt mỏi. Một số bác sĩ sau khi thực hiện xong ca ECMO đã cảm thấy khó thở, tức ngực.

Nhìn họ sau khi cởi bộ đồ bảo hộ, chiếc áo ướt đẫm mồ hôi, những vết hằn dày đặc trên mặt bởi đeo khẩu trang mới thấu hiểu nỗi vất vả, hiểm nguy của họ khi hàng ngày phải đối mặt, chiến đấu với đại dịch.

Được biết, BS Phúc cũng là một trong những người đã thực hiện ECMO cho bệnh nhân 19 (hồi tháng 4/2020) - bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất tại miền Bắc trong giai đoạn đầu của dịch.

BS Phúc kể, vào thời điểm này, mặc dù trong khoa cũng không còn nhiều bệnh nhân nhưng các đối tượng mắc bệnh hầu hết là người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền nên bệnh diễn biến rất nhanh và trở nặng khiến việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn.

Ở thời điểm bệnh nhân 812 (bệnh nhân nam, 62 tuổi) mắc Covid-19, là một trong những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất tại Hà Nội, ngay khi nhập viện đã ở trong tình trạng nặng, phải thở oxy và điều trị tại Khoa Cấp cứu. Bệnh nhân có lúc có diễn tiến nặng, có biểu hiện yếu cơ, mệt mỏi, suy hô hấp khi thở máy không xâm nhập. Ngay trong đêm 12/8, ông đã được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và phải đặt ống thở máy.

BS Phúc chia sẻ, có những lúc, chức năng phổi của bệnh nhân 812 đã tổn thương đến khoảng 70%. Các bác sĩ đã phải nỗ lực dùng kháng sinh kháng virus và các thuốc ức chế miễn dịch để điều trị, đồng thời sử dụng máy móc hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân.

“Khi bệnh nhân được chuyển lên Khoa, tình trạng phổi rất nặng. Khi đó, chúng tôi cũng xác định có nguy cơ phải đặt ECMO. Nhưng may mắn sau đó, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt nên không phải đặt ECMO”, BS Phúc cho biết.

Điều trị đặt ống thở máy khoảng 2 tuần, bệnh nhân dần hồi phục và được rút ống thở. Ngày 1/9, bệnh nhân 812 được công bố khỏi bệnh và được chuyển lên Khoa Nội để cách ly, theo dõi tình trạng phổi.

Đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, khi dần hồi phục, họ thường có tâm lý hoảng loạn, lo sợ. Vì vậy, ngoài việc điều trị bệnh, các y bác sĩ cũng bổ sung điều trị thuốc an thần kinh, để giảm kích thích, hoảng loạn cho bệnh nhân; Đồng thời động viên, an ủi người bệnh để họ lấy lại tinh thần, chiến đấu với bệnh tật. Cũng theo BS Phúc, việc điều trị cho những bệnh nhân nặng đòi hỏi các y bác sĩ cần tỉ mỉ, cẩn thận hơn, phải theo dõi bệnh nhân 24/24h.

Khoa Hồi sức tích cực là nơi thường xuyên phải tiếp nhận những ca bệnh nặng. Vì vậy, với các y bác sĩ, sau những giai đoạn điều trị khó khăn, căng thẳng, thậm chí có những thời khắc cứu người bệnh thoát khỏi tử thần, chứng kiến người bệnh hồi phục từng ngày, khỏi bệnh và ra viện chính là niềm vui, đồng lực, giúp họ quên đi những mệt nhọc, lo âu để tiếp tục cứu chữa người bệnh.

Đến thời điểm này, còn 2 bệnh nhân đang được điều trị trong Khoa Hồi sức tích cực. Khi được hỏi đã cách ly trong bệnh viện bao lâu, bác sĩ Phúc chỉ cười và chia sẻ không thể nhớ nổi. Áp lực công việc, cùng với những lo lắng, trăn trở để tìm ra phác đồ điều trị cho những ca bệnh nặng đã cuốn vị bác sĩ trẻ này vào guồng quay công việc.

BS Phúc chia sẻ, khi có chút thời gian nghỉ ngơi, anh lại nghĩ về gia đình, lo lắng và thương vợ ở nhà tự xoay xở, vất vả chăm chút cho gia đình nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Mai Chi, vợ của bác sĩ Phúc vẫn nhớ và đếm từng ngày chồng vào viện cách ly, làm nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Gần 1 tháng qua, gia đình nhỏ này chỉ gặp và nói chuyện với nhau qua màn hình điện thoại. Thời gian đầu chưa quen, cô con gái nhỏ chưa đầy 2 tuổi của anh chị, mỗi lần nhìn thấy bố toàn khóc nhớ bố. 

Chị Chi tâm sự, công việc ở quầy giao dịch viên tại ngân hàng luôn đòi hỏi phải đúng giờ giấc, thậm chí cuối ngày vẫn phải ở lại để hoàn thiện công việc. Nhà chỉ có 2 mẹ con, những hôm công việc quá tải, chị Chi đành phải nhờ đồng nghiệp đón con gái nhỏ và tranh thủ để con chơi ở cơ quan đến khi xong việc, hai mẹ con mới trở về nhà.

“Trước đây, khi anh Phúc làm việc bên cơ sở Giải Phóng, những hôm không có ca cấp cứu hay công việc đột xuất, không phải ca trực, anh Phúc sẽ giúp mình đón con. Nếu để bố đón, con sẽ được về sớm hơn. Bây giờ, mẹ đưa đón thì lúc nào bạn ấy cũng là người đến lớp đầu tiên và cũng là người về muộn nhất lớp”- chị Chi chia sẻ.

Thấu hiểu công việc vất vả nhưng cũng đầy hiểm nguy của người bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, mỗi lần gọi điện thoại cho anh, chị Chi thường an ủi, động viên anh cố gắng vượt qua và hoàn thành tốt công việc. 

Anh Phúc cũng chia sẻ, đầu tháng 10 tới là sinh nhật tròn 2 tuổi của cô con gái đầu lòng, vì vậy anh cũng mong bệnh viện không còn phải tiếp nhận ca bệnh nào để bác sĩ trẻ này có thể được về nhà, kịp dự sinh nhật con gái.

Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới đã giảm rõ rệt, nhiều ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mắc trong cộng đồng. Từ kinh nghiệm ở Hải Dương, Bộ Y tế khẳng định, ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, nếu chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan y tế triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì sau khoảng hơn 1 tuần dịch có thể được kiểm soát.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho rằng, cần nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng bệnh thông thường nhưng hiệu quả như đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà, thậm chí cần những chế tài xử phạt.

Những biện pháp này nhằm phòng, chống dịch trong điều kiện bình thường mới, để ứng phó nhanh chóng, giảm thiểu lây nhiễm và tử vong trong trường hợp dịch xảy ra.

Ngày 8/9, Bộ Y tế đang tổng hợp lại tất cả các hướng dẫn phòng dịch và ra mắt “Sổ tay” cho tất cả các đơn vị, các địa phương… trong đó, có biện pháp cụ thể phòng, chống dịch trong trường học, trong các cơ sở sản xuất, tại các khu chợ, hàng quán và siêu thị…

Tại cuộc họp chiều 9/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 tiếp tục nhấn mạnh đến chiến lược xét nghiệm để mở cửa “bầu trời và biên giới”. Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát cơ bản dịch COVID-19. Nhưng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và dịch sẽ chỉ được đẩy lùi thực sự khi có vaccine. Do đó, kịch bản chung sống an toàn với dịch đã đặt Việt Nam vào tình hình mới với mục tiêu “vừa chống dịch và phát triển kinh tế”.

Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong sản xuất sinh phẩm y tế thời gian qua. Việc chủ động sản xuất được test kit đã góp phần quan trọng vào thành công trong công tác ứng phó dịch bệnh, nhất là khi Việt Nam chuẩn bị mở trở lại một số đường bay quốc tế từ ngày 15/9 tới. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tiếp tục siết chặt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh, không thể để cho mầm bệnh trong cộng đồng lây nhiễm vào các bệnh viện./.



Tác giả: Thy Hạt | Thiết kế: Hà Phương

Thứ Hai, 06:00, 14/09/2020