Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tiếp xúc cử tri

Trong 2 ngày 28, 29/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã tiến hành tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII tại TP Hải Dương và các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà.

Tại các điểm tiếp xúc cử tri, đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã thông tin tới cử tri những nội dung dự kiến của kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra từ ngày 20/10 đến 23/11.

Kiến nghị của cử tri Hải Dương tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính: Vấn đề xây dựng luật, pháp lệnh và các vấn đề về kinh tế, xã hội. Đối với nhóm vấn đề xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị của cử tri tập trung vào các luật Đất đai, Đầu tư, Môi trường, Thuế…, cho rằng một số mục quy định trong luật chưa phù hợp thực tế. Vấn đề thực thi pháp luật còn hạn chế, chưa nghiêm túc, có biểu hiện cục bộ, phép vua thua lệ làng, nhiều biểu hiện tiêu cực trong thực thi pháp luật, từ đó dẫn đến hiệu quả của việc thực thi luật trong đời sống chưa được như mong muốn.

Kiến nghị của cử tri tập trung vào các luật Đất đai, Đầu tư, Môi trường, Thuế...

Đối với nhóm vấn đề về kinh tế- xã hội, ý kiến cử tri tiếp tục phản ánh về những bất cập trong cải cách giáo dục, chế độ chính sách (chính sách tiền lương, bảo trợ xã hội, chế độ dành cho cựu quân nhân…), vấn đề lao động nước ngoài ở Việt Nam, đổi mới hoạt động doanh nghiệp… Bức xúc về vấn đề đổi mới trong thi cử, một cử tri của thành phố Hải Dương đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương chuyển kiến nghị của mình tới Bộ Giáo dục-Đào tạo, rằng thi tốt nghiệp, kết quả báo cáo là tốt nhưng thật ra chưa tốt. Việc xáo trộn địa điểm thi cử của học sinh không phải là sự cải tiến. Theo cử tri, vấn đề cần được cải tiến chính là việc tổ chức chấm thi và ra đề thi.

Về nạn phá rừng tràn lan trong một thời gian dài tại nhiều địa phương trong thời gian qua chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, một cử tri ở phường Phạm Ngũ Lão (thành phố Hải Dương) cho rằng, Nhà nước cần có thái độ mạnh mẽ, dứt khoát hơn đối với lãnh đạo chính quyền ở những địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng, nếu không tình trạng sẽ còn tiếp tục kéo dài. Việc xử lý các cán bộ có sai phạm về tham nhũng, lãng phí, nhiều ý kiến cử tri cho rằng cần có biện pháp xử lý cụ thể và xử lý trong một thời gian nhất định, không nên để quá lâu và chỉ nêu chung chung “nghiêm khắc kỷ luật”.

Ý kiến cử tri cũng cho rằng cần phải cân bằng trong xử lý các sai phạm về tham nhũng cũng như lãng phí. Bởi trên thực tế, các sai phạm do lãng phí còn lớn hơn rất nhiều so với các sai phạm về tham nhũng. Xử lý sai phạm phải gắn với chế tài, bồi thường mới có tính răn đe.

Đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri ở phạm vi cấp tỉnh, lãnh đạo thành phố, tỉnh Hải Dương đã có những giải trình, phản hồi để làm rõ thêm vấn đề. Đối với những vấn đề ở phạm vi cao hơn, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tiếp thu và phản ánh lên các cấp có thẩm quyền; những kiến nghị hợp lý, xác đáng, đại biểu Quốc hội của tỉnh sẽ đưa ra tại các buổi thảo luận của Quốc hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên