Đổi mới giáo dục phổ thông: Còn nhiều băn khoăn

VOV.VN - Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố lấy ý kiến của toàn xã hội về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trước khi hoàn thiện và ban hành chính thức, các chuyên gia giáo dục cho rằng chương trình có nhiều đổi mới, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế theo nguyên tắc học sinh được học tập sáng tạo và có hệ thống, gắn với thực tiễn đời sống nhiều hơn là lý thuyết hàn lâm...Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Theo Dự thảo này, thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm chỉ còn 7 - 8 môn đối với THCS và còn 4 môn đối với THPT. Các môn học ở cả 3 cấp học được chia thành môn học bắt buộc và môn học tự chọn.

Chương trình GDPT tổng thể còn nhiều băn khoăn.

Đa số ý kiến của giáo viên và các chuyên gia giáo dục cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nhiều điểm mới và phù hợp với xu thế tiên tiến hiện nay. Chương trình thiết kế thời gian phù hợp cho học sinh vừa học, vừa tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thực tế và có thể tự sáng tạo và thực hiện nghiên cứu khoa học của mình. Chương trình cũng thể hiện được sự dân chủ để học sinh tự quyết định phương hướng, nghề nghiệp của mình.

Bà Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ với chủ trương đổi mới của Bộ về hệ thống giáo dục mới. Tôi cho rằng rất nhiều hình thức đổi mới mà thực sự phục vụ nhu cầu người học đáp ứng được mong mỏi của phụ huynh. Với chủ trương đổi mới của Bộ từ bước định hướng cho các con lựa chọn môn học ngành nghề từ năm lớp 10 chứ không phải là các con đến năm lớp 12 mới định hướng chọn gì, nghề gì và nghề sẽ được chọn sớm hơn. Tôi cho rằng rất phù hợp với năng lực của học trò, hoàn toàn phù hợp với chủ trương đổi mới của ngành”.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chủ yếu áp dụng phương pháp tiếp cận dạy học tích hợp, chú ý đến việc hình thành các môn học tích hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và các chủ đề liên môn. 

Song song với đó là thực hiện dạy học phân hoá bằng cách học sinh được tự chọn một số nội dung trong một số môn học. Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là nhiều giáo viên phổ thông vẫn còn có thói quen dạy học theo phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều, nặng về ghi nhớ, ít gắn với vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống…dẫn đến việc học của học sinh còn thiên về ghi nhớ kiến thức có sẵn, không tích cực, sáng tạo vận dụng những gì đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. 

Mặc dù có nhiều trường ở Hà Nội đã triển khai dạy thử theo kiểu tích hợp nhưng theo ý kiến của lãnh đạo nhiều trường vẫn lo ngại nếu không được đào tạo trong quá trình triển khai giáo viên sẽ khó khăn không thể dạy được cả 3 nội dung cùng lúc như Toán, Hoá, Sinh...

Bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội nói: “Từ ba năm nay nhà trường đã tổ chức việc soạn giáo án liên môn tích hợp để cho giáo viên làm quen. Nếu sau này thực sự làm liên môn tích hợp thì chắc chắn sẽ phải đưa đi đào tạo chứ không phải là cứ thế mà dạy môn nọ sang môn kia. Cho nên đôi khi các em học rất sâu về một chương trình nhưng vào thực tế rất đơn giản các em không lý giải được.

 Bấy lâu nay cách dạy hàn lâm quá mà các em học Lý thì rất là sâu nhưng mà đến khi sử dụng điện thì cắm cái ổ điện thôi cũng lúng túng không biết làm thế nào cho chuẩn”.

Theo bà Hoàng Thị Tuyết, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TP HCM, Bộ GD-ĐT tạo dự kiến năm 2018 triển khai đại trà thì quá sớm. Bởi khi thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, khâu quan trọng nhất để thực hiện thành công là phải đào tạo được đội ngũ giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu dạy học và kiểm tra đánh giá theo mục tiêu phát triển những năng lực cốt yếu của người học mà chương trình đã đặt ra. Nếu chưa làm được điều này mà đã vội vàng triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Vì chương trình thay đổi lần nay là toàn bộ các cấp học từ sách giáo khoa, phương pháp dạy của giáo viên và cách học của học sinh nên không thể theo kiểu tập hợp các thầy cô từ các tỉnh thành đến tập huấn dịp hè, xong về tập huấn lại cho các đơn vị quận huyện, thì hiệu quả rất thấp, không đạt như mong muốn.

“Tôi băn khoăn cũng như nhiều nhà giáo dục khác băn khoăn lớn nhất vẫn là giáo viên có thể làm được hay không. Những người có khả năng dạy theo hướng đó, họ phải được đào tạo tích lũy từ thời đại học ít nhất là 4 năm mà bây giờ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đòi hỏi 2 đến 3 năm nữa là phải được áp dụng đại trà. Lẽ ra phải đào tạo giáo viên trước, trước khi đưa ra một giáo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, bà Tuyết nói.

Những băn khoăn của các giáo viên sẽ là cơ sở để Bộ GD-ĐT tiếp thu chỉnh sửa khi chính thức Ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Công bố tóm tắt dự thảo Đề án đổi mới toàn diện giáo dục
Công bố tóm tắt dự thảo Đề án đổi mới toàn diện giáo dục

VOV.VN -Đề án mạnh dạn chỉ ra những yếu kém, đồng thời xác định nhiều mục tiêu phát triển giáo dục- đào tạo.

Công bố tóm tắt dự thảo Đề án đổi mới toàn diện giáo dục

Công bố tóm tắt dự thảo Đề án đổi mới toàn diện giáo dục

VOV.VN -Đề án mạnh dạn chỉ ra những yếu kém, đồng thời xác định nhiều mục tiêu phát triển giáo dục- đào tạo.