Bài 3:

Đồng hành với trí thức trẻ

VOV.VN -Ông Vũ Đăng Minh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 600: Chúng tôi sẽ có chương trình hỗ trợ các em về tầm nhìn.

Luôn tin tưởng, sát cánh cùng đội viên

Theo các đội viên, khó khăn lớn nhất của họ chính là việc làm quen được với phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào địa phương. Nhiều đội viên đến từ địa phương khác nên việc hòa nhập bước đầu không dễ dàng. Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, phong tục tập quán còn lạc hậu; nhiều trí thức trẻ do yêu cầu có thể được bố trí đảm nhiệm công việc trái ngành học, nên việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn lúng túng; đôi khi đã xảy ra xung đột giữa đội viên và các cán bộ xã lâu năm do tâm lý “mới – cũ”, “chính quy – chuyên tu”…

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó chủ tịch xã Xuân Cẩm (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: “Ban đầu tất nhiên vẫn có những ý kiến tỏ ra nghi ngại về cán bộ trẻ làm Phó chủ tịch xã. Tuy nhiên, không phải thế mà chúng em nhụt chí, mà qua đó thấy được sự quan tâm của cấp trên, tầm quan trọng của vị trí mình đảm nhiệm và phải làm sao để khẳng định được mình. Tất nhiên với một cán bộ trẻ không thể hoàn thiện trong ngày một ngày hai, mà đòi hỏi sự phấn đấu, học tập không ngừng”.

 
 Phó chủ tịch xã trẻ tuổi lại Lào Cai cùng nhân dân làm đường nông thôn

Ông Võ Thương, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, Quảng Trị cho rằng: “Hạn chế của đội viên là tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm công tác chưa nhiều, chưa có sự phối kết hợp trong công việc, sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn chưa cao, còn lúng túng trong chỉ đạo điều hành. Chất lượng tham mưu công việc còn hạn chế, chương trình hành động để cùng UBND xã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội chưa cụ thể và mang tính đột phá”.

Song, ông Võ Thương thừa nhận, với sức trẻ, sự năng động, nhiệt tình trong công tác, có trình độ chuyên môn, gương mẫu, nhanh nhẹn, không ngại gian khó, đoàn kết, các Phó chủ tịch xã trẻ tuổi đã có những đóng góp đáng kể làm thay đổi diện mạo quê hương. “Chúng tôi cam kết sẽ quan tâm, gần gũi hơn nữa với các đội viên, giúp các đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” – ông Thương khẳng định.

 

 Ông Lê Văn Phích, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Văn Phích, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đánh giá rất cao năng lực, trình độ của Phó chủ tịch xã Vũ Thị Chiến, một đội viên Dự án. Ông cũng cho rằng, giữa lý luận từ nhà trường và thực tiễn có nhiều điểm rất khác nhau; nhất là làm cán bộ ở miền núi, công tác dân vận vô cùng quan trọng, đây chính là nhược điểm lớn nhất của những cán bộ trẻ, thiếu kinh nghiệm như các đội viên. Ông Phích vui vẻ nói: “Đến nay thì yên tâm rồi, bà con còn gọi Chiến là “con tộc” (tiếng gọi bà con dành cho những người họ yêu quý, như con cháu trong nhà – PV)–vì cô ấy biết nói tiếng Thái, thạo cấy lúa, trồng ngô. Vừa rồi, Chiến nghỉ sinh con, chị em ở xã kéo đến nhà cô ấy ngủ, bảo là xa nó thì nhớ lắm”.

Ông Lê Văn Phích nhận xét, đội viên về xã gặp không ít khó khăn, đó là không có phòng làm việc riêng, trang thiết bị không có gì ngoài cái tủ và bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ. “Trụ sở” cơ quan là gian nhà cấp bốn đã xuống cấp. Mạng điện thoại di động thì chập chờn. Chưa kể mùa mưa, nhiều vùng bị lũ chia cắt, đi lại rất nguy hiểm. Nhiều khi ông cũng ái ngại khi Chiến “thân gái một mình” ngủ đêm lại ở trụ sở xã vì làm việc muộn. “Lãnh đạo xã và nhân dân luôn tin tưởng, ủng hộ và hết sức tạo điều kiện để Chiến được cống hiến và hoàn thành tốt nhiệm vụ” – ông Phích nói.

Đặng Phúc Long, Phó Chủ tịch xã Phìn Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Báo chia sẻ, những thành công bước đầu trong nhiệm vụ được giao của Long có sự giúp đỡ rất lớn của các ngành, các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cơ sở. “Khi về huyện, chúng em nhận được sự quan tâm của thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện về điều kiện sinh hoạt, chỗ ăn, nghỉ. Chính đồng chí Bí thư Huyện ủy và các lãnh đạo trong UBND đã dạy chúng em, cung cấp cho chúng em những thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và có lời khuyên bổ ích cho chúng em trước khi về xã. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở xã, em luôn nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo xã, nhất là Chủ tịch xã. Ông đã giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực của bản thân trong từng thời điểm và luôn có sự hướng dẫn kiểm tra, giám sát. Vì thế, em đã có sự trưởng thành hơn trong công tác”- Long tâm sự.

 
 Đây là trụ sở UBND xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa – nơi Phó chủ tịch xã Vũ Thị Chiến coi như ngôi nhà thứ hai của mình

Gần hai năm thực hiện nhiệm vụ, các đội viên đều nhận thấy bản thân đã nỗ lực hết mình để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức và nhân dân giao phó. Chặng đường phía trước còn rất nhiều thử thách, song mỗi đội viên rất an tâm công tác và từng bước khẳng định mình. Để đội viên được cống hiến và hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn nữa, Phó chủ tịch xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa, Quảng Bình Ngô Thị Hương đề nghị tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương; được tạo điều kiện để đội viên được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cũng như học tập gương các lãnh đạo xã điển hình; đồng thời mong muốn được học tập các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi để về áp dụng tại địa phương. “Chúng em cũng muốn được tham gia học tập, nâng cao trình độ lý luận, quản lý Nhà nước và khao khát được đứng trong hàng ngũ của Đảng” – Ngô Thị Hương chia sẻ thêm.

Đưa đội viên sang Hàn Quốc học hỏi

Ngay trong thời gian đầu khi đội viên Dự án mới về xã công tác, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp đi khảo sát tại một số xã của huyện Hà Quảng và Thông Nông của tỉnh Cao Bằng. Phó Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ban ngành, lãnh đạo của 5 huyện nghèo và 44 đội viên Dự án của tỉnh Cao Bằng để nắm bắt tình hình và có ý kiến chỉ đạo kịp thời để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án.

Theo Bộ Nội vụ, 3 tháng một lần, Bộ Nội vụ yêu cầu đội viên Dự án báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, có văn bản hướng dẫn để giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, lúng túng trong phân công, giao nhiệm vụ và giải quyết chế độ chính sách cho đội viên bảo đảm đúng quy định của nhà nước.

 
 Ông Vũ Đăng Minh trong buổi giao lưu trực tuyến về Dự án 600 Phó chủ tịch xã tại Báo điện tử VOV

Có thể thấy, Dự án đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng địa phương. Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban Quản lý Dự 600 trí thức khẳng định với phóng viên VOV online: “Dù còn một ngày, chúng tôi vẫn phải có trách nhiệm làm đến cùng. Giai đoạn nàylàgiai đoạn tiền đề để đào tạo các em trở thành cán bộ tin yêu của Đảng và Nhà nước. Trước mắt, từ nay đến kết thúc Dự án, chúng tôi có chương trình hỗ trợ các em về tầm nhìn. Trước đây, cùng với các kiến thức trong nhà trường, chúng tôi đã cung cấp đầy đủ cho các em kiến thức về quản lý Nhà nước và các kiến thức cơ bản. Các em đã là cán bộ công chức của xã thì được đi đào tạo, tập huấn tại các chương trình của tỉnh, của huyện theo kế hoạch của địa phương. Ban Quản lýsẽ tập trung cung cấp thêm cho các đội viên những kiến thức, tổ chức giao lưu với các địa phương khác, để các em học hỏi; nghiên cứu những mô hình mang tính chất đột phá để đưa các đội viên đi học tập, từ đó có cách nhìn ở tầm chiến lược.

Ông Minh nói: “Chúng tôi đã làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức chương trình đưa các em đi học tập tại Hàn Quốc. Đến nay, Bộ Nội vụ đã ký chương trình hợp tác với phía Hàn Quốc và đang xúc tiến khẩn trương để làm các thủ tục, chuẩn bị lần lượt đưa các đoàn học hỏi. Dự kiến mỗi đoàn có 40 người và mỗi năm sẽ có 2 đoàn sang Hàn Quốc khoảng 2 tuần, để học hỏi kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo của bạn. Trong chuyến đi này, các em cũng được tham quan mô hình ngôi Làng mới của Hàn Quốc. Đây là mô hình đưa trí thức trẻ về nông thôn và xây dựng ngôi làng, được thực hiện thành công ở Hàn Quốc. Tôi cho rằng đây là một hoạt động rất bổ ích, cung cấp cho các em tầm nhìn và quan trọng hơn là các em được “mắt thấy, tai nghe”. Từ đó các em rút ra những kinh nghiệm đối với thực tiễn ở từng địa phương. Dự kiến đoàn đầu tiên sẽ đi học hỏi vào tháng 7/2014”.

 
 Đội viên Cà Văn Thể tổ chức cho thanh niên trồng rừng tại xã Nhạn Môn, huyện Pắc Nậm, Bắc Kạn (Ảnh do đội viên cung cấp)

Ông Vũ Đăng Minh cho biết, Ban Quản lý Dự án cũng đang xây dựng một Bộ tiêu chí theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, để áp dụng thí điểm thang điểm đánh giá từng sản phẩm của các đội viên. Tiêu chí rất cụ thể, chi tiết để đánh giá các đội viên chính trên công việc của họ, từ đó làm cơ sở cho công tác quy hoạch, sử dụng các đội viên sau này. Cùng với đó, Bộ Nội vụ phối hợp với cơ quan Trung ương xây dựng văn bản để hướng dẫn công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng các đội viên./.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, nhìn chung đội viên Dự án đã phát huy được năng lực, trình độ chuyên môn, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển kinh tế - xã hội, được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Vậy hiệu quả của Dự án được “cân đong đo đếm” cụ thể như thế nào? Những chế độ, ưu đãi dành cho đội viên sau khi Dự án kết thúc ra sao? Bộ Nội vụ, Chính phủ nhìn nhận thành quả bước đầu của Dự án như thế nào? Mời độc giả đón xem Bài 4: “Thủ tướng Chính phủ: Mô hình cần nhân rộng”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên