Dòng sông trên cao

Tôi gọi làn sóng Đài Phát thanh Quốc gia là “dòng sông trên cao”, dòng sông khởi nguồn từ Cách mạng tháng Tám mùa Thu lịch sử mà khoảnh khắc tuôn trào là 11h 30’ ngày 7/9/1945

Từ bấy đến nay, dòng sông âm thanh chưa khi nào ngơi nghỉ, dù rằng phải chảy qua bão lửa chiến tranh vệ quốc và giữ gìn biên ải. Một dòng chảy liên tục mà khởi nguồn là sứ mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho: “Các cô các chú phải giữ gìn bằng được tiếng nói liên tục của Đảng và Chính phủ trong mọi tình huống”. Ấy là lời Bác chỉ dạy vào đêm Giao thừa giá rét của Tết Đinh Hợi (1947) tại Chùa Trầm. Để từ đây, “bước chân sóng” dài theo kháng chiến, qua 14 địa danh rải khắp núi rừng Việt Bắc: Ao cá, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Ba Bể, Bản Vèn, Bản Vài, Bản Đung, Cát Trong, Cát Ngoài… 14 lần bí mật chuyển đổi địa điểm với hơn ba chục con người là hàng chục lần thoát hiểm bởi bom đạn, sốt rét, lũ rừng, đói ăn… Hơn ba chục con người ấy chỉ một tâm niệm “làm sao để giữ được làn sóng phát thanh liên tục”.

Quên làm sao được những đêm đói, rét và căng thẳng, các cụ: Trần Lâm, Nguyễn Cung, Nguyễn Văn Nhất, Trần Sinh, Hồng Giang, Lê Qúy, Lê Quang Lân, Nguyễn Trọng chụm đầu bên nhau bàn bạc di chuyển Đài đến địa điểm mới. Cơ quan được chia làm hai bộ phận, mỗi bộ phận có đầy đủ lực lượng nội dung, kỹ thuật và hậu cần. Trong khi bộ phận xây dựng Đài ở địa điểm mới thì bộ phận cũ bảo đảm phát sóng liên tục. Khi Đài ở nơi mới phát sóng an toàn thì bộ phận ở địa điểm cũ mới được di dời. Một quy trình làm việc khép kín như nhà báo lão thành Trần Lâm - Giám đốc đầu tiên của Đài Phát thanh Quốc gia cho là phải bảo đảm hai nguyên tắc: một là giữ cho làn sóng liên tục, hai là đồng lòng nhất trí, chỉ bàn vào, không có bàn ra.

Nhớ lại chiều mùng 6/10/1947, Đài được lệnh báo động khẩn “địch có thể nhảy dù”. Hôm sau, Pháp bắt đầu cuộc hành quân chiến lược tấn công Việt Bắc. Trước đó một ngày, nhà báo Lê Quý đón bộ phận phóng viên biên tập, phát thanh viên từ Bắc Cạn lên Bản Vài, kịp phát sóng chương trình phát thanh Quốc gia trong khi địch hò hét tiến công, bắt sống các cơ quan đầu não của Việt Minh, trong đó Đài Tiếng nói Việt Nam là một trọng điểm.

Cũng ngày hôm đó, khoảng 4h sáng, lợi dụng sương mù dày đặc, đoàn xe và người của Đài từ cây số 3 Bắc Cạn hành quân lên Bản Vài. Đoàn đến Phủ Thông thì quân Pháp nhảy dù xuống cây số 6, số 7. Trong khi đài phát thanh của Pháp ở Hà Nội ngạo mạn loan tin là đã chiếm được Đài Phát thanh của Việt Minh ở Bắc Cạn thì từ Bản Vài cất lên tiếng nói đĩnh đạc: “Đây là Tiếng nói Việt Nam”, tiếp đến là lời ca hào hùng, mạnh mẽ “diệt phát xít… tiến lên nền dân chủ cộng hòa, giành lại áo cơm tự do.” của dàn đồng ca không chuyên. Họ là ca sỹ từ Hà thành vừa dứt áo ra đi theo kháng chiến, là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, luật sư, nhà nghiên cứu, phê bình, là nhà kỹ thuật, là chị cấp dưỡng, anh giao liên, bảo vệ cơ quan. Cứ hàng ngày, trước giờ phát thanh, chỉ cần một hiệu lệnh nhỏ nhưng dứt khoát là họ tạm bỏ mọi công việc đứng xếp hàng ngay ngắn sau lưng phát thanh viên đồng thanh hát bài ca “Diệt phát xít”, phát thẳng lên bầu trời xanh tiếng nói của người dân Việt không một phút ngưng nghỉ, quyết kháng chiến cho độc lập tự do, vẹn toàn đất nước. Họ chung lưng đấu cật, vượt qua gian khổ hy sinh để làm tròn công việc mà sau này lịch sử ghi nhận là: “Đài Tiếng nói Việt Nam vừa di chuyển vừa phát sóng, bảo đảm tiếng nói kháng chiến không lúc nào ngừng”1.

Ngay từ những ngày đầu thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã nghĩ đến việc xây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ, kịp bám sát, phản ánh nhanh nhất, sống động nhất cuộc sống, chiến đấu của đồng bào chiến sỹ Nam Bộ. Bởi một lẽ giản đơn như cơm ăn nước uống hàng ngày mà vô cùng thiêng liêng sâu nặng: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”2. Đài Tiếng nói Nam Bộ còn lãnh một sứ mạng thiêng liêng nữa là sẵn sàng thay thế Đài Phát thanh Quốc gia trong tình thế khẩn cấp. Tình thế đặc biệt ấy đã diễn ra. Nhà báo Nguyễn Văn Nhất nhớ lại: Đến ngày 16/10/1947, các cánh quân của địch hội nhau ở Bắc Cạn rồi tiến đánh Phủ Thông và hành quân càn quét nhiều nơi. Quân và dân ta liên tục đánh địch nhiều trận trên đường hàng tỉnh Bắc Cạn - Chợ Rã và khu vực Ba Bể. Trước tình thế ấy, thực hiện chủ trương chiến lược của Trung ương và “kế hoạch giữ vững làn sóng liên tục trong mọi tình huống” ông Nguyễn Văn Nhất (thay ông Trần Lâm đi công tác) cùng ông Nguyễn Chí Bình quyết định điện cho Đài Tiếng nói Nam Bộ phát sóng thay Đài Quốc gia với danh xưng “Đây là Tiếng nói Việt Nam” kéo dài đến hết năm 1947.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một lần nữa Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam trọng trách “bảo đảm làn sóng phát thanh Quốc gia liên tục trong mọi tình huống để truyền đi tiếng nói của Đảng và Chính phủ” và coi đó là một binh chủng sắc bén trong đạo quân hùng hậu chống Mỹ cứu nước. Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện “Kế hoạch 99” với các giải pháp tổng hợp, toàn diện bảo đảm phát thanh liên tục trong thời chiến mà nòng cột là các phương án kỹ thuật, trong đó xây dựng 14 đài phát sóng rải khắp miền Bắc với 20 làn sóng. Trận ném bom rải thảm của B.52 Mỹ xuống Mễ Trì rạng sáng ngày 19/12/1972, phá sập đài phát sóng trung 297m thân quen của thính giả. 9 phút ngưng sóng, bóp nghẹt hàng triệu con tim cả nước, nhưng bạn bè ở nước ngoài khâm phục Việt Nam vẫn giữ vững tiếng nói liên tục trong mưa bom bão đạn. Ấy là nhờ các máy phát sóng ngắn vẫn hoạt động trong khi máy phát sóng trung 297m bị phá hủy. Chính là nhờ có “Kế hoạch 99”.

Những người làm nên làn sóng phát thanh Quốc gia đã hai lần hội tụ và mấy lần sẻ chia cho “người ta thêm đông, sóng ta thêm mạnh, lòng ta thêm bền”. Cuộc hội tụ đầu tiên của những người xây nền đắp móng cho Đài Phát thanh Quốc gia mà tựu trung là sáng 5/9/1945 tại số 4 Đinh Lễ, Hà Nội với  mười gương mặt gồm những nhân sỹ, trí thức, nhà văn, nhà thơ. Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới có tới bảy vị lãnh đạo và trực tiếp làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Tiếng nói Nam Bộ trúng cử đại biểu Quốc hội. Đó là ông Trần Kim Xuyến, nhà văn Nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Cù Huy Cận, nhà thơ Xuân Diệu, nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Nguyễn, nhà Sử học Trần Huy Liệu và ông Huỳnh Văn Tiểng.

Cuộc hội tụ lớn thứ hai là năm 1954, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, cả nước tiến hành đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà mà ngôi nhà lớn là 58 Quán Sứ Hà Nội. Đó là những nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, nghệ sỹ, phát thanh viên, kỹ thuật viên từ các Đài: Tiếng nói Nam Bộ, Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến, Tiếng nói Đồng Tháp Mười, Đài Sài Gòn – Chợ Lớn, Đài Tiếng nói Miền Nam cùng nhiều cơ quan Văn hóa, Văn nghệ khác. Tên tuổi của họ gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gắn chặt với cuộc chiến đấu trên làn sóng điện. Đó là Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Kim Cương, Vũ Đường, Thái Bảo, Nguyễn Khắc Cần, Nguyễn Văn Thu, Mai Thúc Long, Huỳnh Minh Lý, Đặng Trung Hiếu, Nguyễn Văn Điểm, nhà thơ Bảo Định Giang, nhà văn Trọng Hứa, Nguyễn Sáng, Anh Đức, Phục Nguyễn, Huỳnh Thế Phương, Vân Chi, Phan Vũ, Mai Văn Tạo, Phạm Tường Hạnh, Khương Minh Ngọc… Các phát thanh viên: Minh Lý, Lan Hương, Ngô Phụng Ánh, Phi Nga, Kim Ngôn, Phi Điểu, Trần Phương, Minh Đạo… Một cuộc hội tụ của những người cùng thời: phóng viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên, văn sỹ, nghệ sỹ cũng là chiến sỹ.

64 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đài Tiếng nói Việt Nam đã mấy lần sẻ chia vì sự nghiệp Phát thanh Quốc gia và Quốc tế, vì sự nghiệp báo chí Cách mạng cả nước. Lần sẻ chia đầu tiên là cùng cả nước “Nam tiến”. Tổng biên tập Trần Lâm nhớ như in là những tháng ngày còn trứng nước, thiếu thốn trăm bề, nhất là phóng viên, biên tập, Đài vẫn cử hai phóng viên giỏi nhất là Nguyễn Văn Nhất và Hoàng Tuấn vào Nam Bộ phản ánh cuộc sống, chiến đấu của đồng bào chiến sỹ ruột thịt.

Năm 1960, Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cử các ông Vũ Đường, Huỳnh Minh Lý, Hồ Vĩnh Thuận bí mật vào miền Nam thành lập Đài Phát thanh Giải phóng. Sau đó cử ông Nguyễn Thành, Ủy viên Bộ biên tập tổ chức Đài Phát thanh Giải phóng A (mật danh là CP90) hỗ trợ cho Đài B, hoạt động liên tục cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Những ngày tháng Tư lịch sử, lực lượng Đài Tiếng nói Việt Nam cũng chia thành nhiều cánh quân tiến theo bước chân “thần tốc” của anh Giải phóng quân, nhanh chóng tiếp quản các đài Phát thanh Truyền hình ở Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh thành ở miền Nam. Ấy là những tháng ngày, những giây phút hào hùng mà sóng Đất, sóng Người, sóng Phát thanh cùng ào ạt tuôn chảy về một hướng duy nhất là ca khúc khải hoàn, thu Giang sơn về một mối.

Từ bấy đến nay, “dòng sông trên cao” mở rộng bến bờ, chở đầy thông tin đa chiều, cuộn chảy qua Đổi mới và Hội nhập, ngày càng xứng tầm với cơ quan truyền thông đa phương tiện của một quốc gia 86 triệu dân đang tiến vào Thế kỷ XXI trên xa lộ thông tin siêu tốc.

Bất giác tôi nhớ đến câu thơ hay của cố nhà thơ Bế Kiến Quốc:

“Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng

Tôi trả lời sinh ra từ những dòng sông”./.

Hà Nội, tháng 8/2009

Tùy bút của Vĩnh Trà

1 Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp- NXBQĐND – 1994

2 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr 246, NXBCTQG – 1995

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên