XKLĐ huyện nghèo

Gập ghềnh “cung đường” nhận thức!

Nhận thức, ý thức trong công cuộc XĐGN nói chung và XKLĐ ở các huyện nghèo nói riêng cũng gập ghềnh không kém gì những cung đường lên miền cheo leo

>> Chỉ có 30% doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động hiệu quả / Người nghèo xuất ngoại

Mới năm ngoái thôi, khi cậu con trai lại đòi đi XKLĐ lần nữa, bà Triệu Thị Hải (Xóm Nà Hin, xã Văn Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) thực sự “tá hỏa” và cương quyết can gián. Bà đã sợ lắm khi nhắc đến mấy từ XKLĐ! Nỗi sợ của bà có căn cứ sờ sờ là món nợ kếch sù lên tới trên 30 triệu đồng sau chuyến đi Malaysia của cậu con trai nhưng phải về nước trước thời hạn do suy thoái kinh tế không biết đời kiếp nào mới trả hết. Nhưng khi được cán bộ xã, rồi nhân viên của công ty tuyên truyền chính sách ưu đãi của Nhà nước gần như tuyệt đối cho LĐ ở huyện nghèo và sự cam kết của nhiều bên, bà đành cho con lên đường, dẫu còn không ít lo lắng, băn khoăn.

Hôm nay ngồi đây, nghe nhân viên công ty gọi đến lượt ký nhận lĩnh tiền, dẫu bước lên trong trạng thái lâng lâng như đi trên mây song nỗi lo bấy lâu nay trong lòng bà đã tiêu tan đâu hết. Cầm trên tay số tiền gần 10 triệu đồng, mới kính coong - tháng lương đầu tiên của cậu con trai đang làm việc tại Libya gửi về, bà Hải nở nụ cười hết cỡ: “Cảm ơn Nhà nước, cảm ơn Công ty Sona, nếu con tôi không đi xuất khẩu lao động, số nợ hơn 30 triệu đồng không biết khi nào tôi mới trả được. Ở nhà, nó đi làm cả ngày cũng không đủ tiền đổ xăng xe máy đi chơi... Một tháng mà được bằng này là mừng lắm rồi. Nó gọi điện về bảo công việc bên đó ổn định, cuộc sống tốt lắm, vui lắm, hết thời hạn 2 năm nó sẽ xin ở lại. Biết thế tôi đã cho nó đi sớm hơn”.

Bà Triệu Thị Hải với nụ cười rạng rỡ khi nhận tháng lương đầu tiên của con trai gửi về

Hàng tuần nghe con trai gọi điện thông báo tình hình công việc của một nhân viên pha cafe khá nhàn nhã, điều kiện sinh hoạt tốt và thuyết phục hơn cả là mức lương gần 10 triệu đồng/tháng, bà Hải đã nhẩm tính nhanh chỉ 1 thời gian ngắn nữa thôi, cuộc sống của gia đình bà đã có thể sang trang mới: “Cứ đà này chỉ 5 tháng là tôi có thể trả hết nợ. Sau đó để dành, lúc cháu về sẽ xây nhà, vì nhà tôi giờ rách nát lắm rồi. Hôm nay, 2 thằng cháu tôi cũng lên đây để đăng ký đi XKLĐ, còn 2 thằng nữa cũng muốn đi nhưng chưa đủ tuổi”.

Không riêng gì bà Hải, mà cả 46 LĐ trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) đi XKLĐ thông qua Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Viết tắt là Sona, thuộc Bộ LĐTB&XH) đều có thu nhập tốt. Như anh Vi Văn Hanh, thôn 3, xã Hữu Sản, huyện Sơn Động sang Lybia làm nghề thợ xây có mức lương tới gần 13 triệu đồng/tháng.

Là một trong 4 DN tham gia đề án, với trách nhiệm nặng nề hơn, cơ chế ràng buộc khắt khe hơn trong khi đó trình độ dân trí, tay nghề của bà con các huyện nghèo còn hạn chế nên bên cạnh các chính sách của Nhà nước, Công ty Sona luôn có những bước đi rất cẩn trọng cho những LĐ huyện nghèo.

Bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Công ty cho hay: Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi, các chế độ ưu đãi tốt nhất cho LĐ ở các huyện nghèo. Bên cạnh việc giảm các mức phí; đào tạo kỹ lưỡng tay nghề, ngoại ngữ,  việc chọn đơn hàng chúng tôi cũng thực hiện rất cẩn trọng. Bước đầu, phải làm thí điểm ở LĐ thường, sau thấy có kết quả đảm bảo mới dám đưa LĐ huyện nghèo đi…”.

“Chỉ với 1 bộ quần áo trên người và đôi dép là người LĐ có thể tham gia chương trình” - Đó là hình ảnh vui khi nói về sự ưu đãi của Quyết định 71 đối với người LĐ và đó cũng là điều kiện thuận lợi cho các DN khi thực hiện chương trình. Tuy nhiên, cũng như nhiều DN khác, sau gần 2 năm triển khai đề án, Sona cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất đó chính là ý thức của người LĐ. Khi mới bắt tay triển khai QĐ 71 ở Sơn Động, con số 167 LĐ đăng ký tham gia khiến Công ty Sona khá phấn chấn. Thế nhưng, cứ sau mỗi vòng, người LĐ tênh tênh, hồn nhiên ra về. Trên 60% LĐ bỏ chương trình và mới chỉ có 46 LĐ được xuất cảnh là kết quả sau hơn 1 năm DN vất vả. Đến nay số LĐ đã xuất cảnh mới chỉ có 46/70 LĐ của cả 3 tỉnh mà DN này đang thực hiện.

Bà Phạm Ngọc Lan than thở: “Mình mất bao công sức đi tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng, đào tạo rồi họ lại bỏ... Khi họ tham gia không bị ràng buộc gì, được hỗ trợ hết nên không thích là họ bỏ”.

Ngay trong buổi trao lương và tuyên truyền về đơn hàng mới của công ty Sona tại Nhà văn hóa xã Hữu Sản, nhiều thanh niên nghe và nhìn thực tế hiệu quả kinh tế những LĐ đã đi 2 tháng trước đó gửi về mà tiếc hùi hụi. Với gương mặt đỏ au vì men rượu, cổ áo phanh rộng hoác, Nịnh Văn Tắc (dân tộc Sán Chỉ) ở thôn Nà Cái, xã Lệ Viễn bần thần đứng ngồi không yên. Năm ngoái, sau 3 tháng học nghề xây dựng, học tiếng, anh Tắc đã được làm hộ chiếu. Thế nhưng sau năm lần, bảy lượt công ty gọi lên thi tuyển tay nghề, anh Tắc vẫn biệt phương nào. Anh Tắc phân trần: Do đợi lâu nên tôi tranh thủ đi Trung Quốc làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi gia đình. Tôi vừa mới về hôm qua, nghe ông cán bộ thôn thông báo hôm nay công ty có đơn hàng mới nên lên ngay... Tôi vẫn mong muốn được đi lắm”.

Dù luôn miệng nói “chính sách của Nhà nước và các chương trình của công ty đối với những người dân huyện nghèo như anh là tuyệt vời”, thế nhưng anh Nguyễn Văn Cáp ở xã Lệ Viễn vẫn hồn nhiên phá bỏ chương trình ở khâu cuối cùng bởi: “Do lương ký không đúng với tuyên truyền. Bảo thu nhập 350USD/tháng đối với LĐ có nghề nhưng khi đưa hợp đồng để ký thì lại ghi là LĐ phổ thông với lương chỉ có 250USD/tháng. Tôi là LĐ đã được đào tạo có tay nghề, đã trúng tuyển nên tôi không đồng ý mức lương đó”.

Mặc dù khăng khăng rằng mình đã đỗ cao trong đợt thi tay nghề thợ xây nhưng bản danh sách của công ty lại “tố” anh có tới... 5 lần thi trượt sau rất nhiều sự hỗ trợ của DN. Khi bản hợp đồng với mức lương thấp dành cho LĐ phổ thông được đưa ra, vậy là anh Cáp vùng vằng ra về. Và hôm nay, khi ngập ngừng đứng nơi ô cửa nhà văn hoá nghe tuyên truyền về đơn hàng mới với thu nhập cao hơn, đòi hỏi tay nghề tốt hơn thì anh lại háo hức muốn được lên đường tức thì!!!

Không riêng gì công ty Sona mà hầu hết các DN khi được “chọn mặt gửi vàng” tham gia QĐ 71 cũng hết sức lao đao trước thực trạng người LĐ “bỏ DN chạy lấy người”. Ông Vũ Công Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực (LOD) bức xúc: “Chúng tôi phải xuống tận những xã sâu xa nhất, đi lại hàng mấy tháng trời, tuyên truyền, tuyển được 80 LĐ đưa về HN đào tạo, nhưng rồi rơi rụng dần, chỉ còn lại 2 người...”.

Theo bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Công ty Sona, khi tham gia chương trình, với những ràng buộc chặt chẽ, trách nhiệm DN cao song với cách hành xử của người LĐ cũng như chính quyền địa phương, dù có cố gắng đến mấy cũng đành “bó tay”.

Có chứng kiến cảnh các cơ quan chức năng, các DN vất vả đi hàng ngày trời trên những cung đường gập ghềnh gian nguy để đến những xã, bản làng sâu hun hút; có tham dự các buổi tuyên truyền, tuyển dụng của DN, mà nhiều cuộc phải “ăn dầm ở dề” ở những vùng xa lắc mới thấy hết nỗi vất vả, cực nhọc để giúp người dân XĐGN. Thế mới thấy, trở ngại về nhận thức, về ý thức trong công cuộc XĐGN nói chung và XKLĐ ở các huyện nghèo nói riêng cũng gập ghềnh chẳng khác nào những cung đường lên miền cheo  leo!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên