Gặp người dựng nghiệp phát thanh

64 năm trước, ông và những cộng sự của mình đã biến điều không thể thành có thể để thực hiện bằng được trọng trách được giao phó: Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải gấp rút xây dựng ngay một Đài phát thanh. Ông là nhà báo Trần Lâm, người đã từng có 43 năm nắm giữ cương vị Tổng biên tập Đài TNVN

Nhân sự kiện Đài TNVN đón nhận danh hiệu Anh hùng các Lực lượng vũ trang Nhân dân, tôi cùng đoàn cán bộ, phóng viên Báo TNVN đến thăm bác Trần Lâm, vị giám đốc đầu tiên của Đài, với mục đích ghi chép những câu chuyện về hoạt động của Đài TNVN trong hai cuộc kháng chiến.

Bước sang tuổi 88, nhà báo Trần Lâm không còn khoẻ để có thể lục tìm trong trí nhớ của mình những câu chuyện cụ thể. Nhưng, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với ông đủ để tôi lý giải được một điều quan trọng hơn. Làm thế nào mà 64 năm trước, chàng thanh niên 23 tuổi có thể gây dựng được một Đài phát thanh Quốc gia và phát đi tiếng nói đầu tiên chỉ sau vẻn vẹn 15 ngày?

Căn phòng nhỏ chỉ hơn 10 mét vuông trên gác hai của một toà nhà cũ kỹ nơi góc phố Trần Phú, Hà Nội, không ngờ lại là nơi ở của một nhà cách mạng lão thành, người đã từng có 43 năm nắm giữ cương vị Tổng biên tập Đài TNVN. Giữa những đồ vật giản dị, giữa những tấm ảnh đen trắng treo khắp tường, giữa những cuốn sách gáy sờn trên giá gỗ… là dáng hình mảnh mai của một người mà tên tuổi gắn liền với lịch sử ra đời và phát triển của Đài TNVN.

Bất chấp cái nóng gần 40oC của buổi trưa cuối hạ, bất chấp những cơn đau nhói buốt vẫn hành hạ trái tim trong nhiều năm qua, ông vẫn nở nụ cười hồn hậu tiếp chúng tôi. Bà Trần Thị Ý, vợ ông Trần Lâm, là một trong những phát thanh viên đầu tiên của Đài TNVN, vồn vã pha trà tiếp khách. Nhà chỉ có hai ông bà. Khi chúng tôi đến, bà đang ngồi đọc cho ông nghe những bài viết trên tờ báo Tiếng nói Việt Nam số mới nhất. “Ông Lâm nhà tôi chưa bỏ một số nào của Báo TNVN” - Đó cũng là điều dễ hiểu! Cả cuộc đời, cả sự nghiệp của nhà báo Trần Lâm gắn liền với sự ra đời và phát triển của Đài TNVN.

Tháng 8 năm 1945, ngay khi vừa giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chỉ thị phải gấp rút xây dựng ngay một Đài phát thanh để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đồng thời phản ánh tình hình thời sự trong nước và quốc tế đến người dân. Trọng trách được giao phó cho chàng cử nhân luật 23 tuổi Trần Lâm. Theo trí nhớ của ông Trần Lâm, 9 giờ sáng ngày 22/8/1945, ông Trần Lâm cùng các ông Trần Kim Xuyến và Chu Văn Tích được gọi đến Bắc Bộ Phủ. Tại đây, các ông được ông Xuân Thuỷ truyền đạt Chỉ thị của Bác Hồ. Thật khó để có thể hình dung việc xây dựng một Đài phát thanh Quốc gia lại có thể được hoàn thành trong thời gian gấp rút như vậy.

Năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Đài, khi ông Trần Lâm về thăm Đài, tôi đã từng thắc mắc điều đó khi gặp ông. Lần đó ông chỉ cười và nói: “Tình thế lúc bấy giờ việc gì mà chẳng gấp rút!”. Câu trả lời ấy dĩ nhiên không đủ thông tin để có được một sự hình dung. Lúc bấy giờ, ông Trần Lâm và cộng sự gần như chưa có một khái niệm gì cụ thể về đài phát thanh. Thời ấy cũng chưa có internet để họ tra cứu thông tin một cách nhanh chóng. Nhưng, bằng sự nhiệt huyết, tận tâm của những người cách mạng đang hồ hởi trong không khí của một dân tộc vừa giành được độc lập tự do, họ đã tìm hiểu và hình dung rằng Đài phát thanh phải có ba bộ phận chính: Máy phát sóng, phòng thu thanh (studio) và bộ phận biên tập nội dung. Ông Trần Kim Xuyến được giao lo máy phát sóng, ông Chu Văn Tích do có quen biết với nhiều kỹ sư và những cửa hàng buôn bán sửa chữa máy tăng âm nên được giao lo xây dựng studio, còn ông Trần Lâm vốn có kinh nghiệm làm đội viên Đội tuyên truyền xung phong nội thành Hà Nội, lại từng tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ, nên trực tiếp lo phần tổ chức toà soạn và sản xuất nội dung. Song song với những công việc ấy, những trí thức trẻ còn phải lo việc đặt tên đài, chọn lời xướng và nhạc hiệu, những chi tiết sẽ gắn liền với Đài phát thanh Quốc gia trong suốt chiều dài của lịch sử.

Sau 15 ngày kể từ khi nhận nhiệm vụ, đúng 11h30’ ngày 7/9, năm ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức chào đời bằng việc cất lên tiếng nói đầu tiên: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

 

 Vợ chồng ông bà Trần Lâm - Trần Thị Ý

Hơn 10 năm làm báo phát thanh trong điều kiện của một Đài phát thanh được đầu tư hiện đại bậc nhất trong khu vực, với những công nghệ tiên tiến nhất, tôi biết rằng, để biến ý tưởng ra đời một chương trình phát thanh thôi cũng mất hàng tháng trời chuẩn bị về nội dung kịch bản. Đó là mọi thứ đều có sẵn, từ kỹ thuật, từ con người, rồi điều kiện vật chất… Chính bởi hiểu rõ điều đó mà tôi càng không thể hình dung nổi vì sao ông Trần Lâm cùng với các cộng sự của mình có thể cho ra đời Đài TNVN chỉ trong 15 ngày từ chỗ không có gì. Nỗi băn khoăn ấy chỉ được giải toả khi tôi ngắm nhìn ông trên căn gác nhỏ với những đồ vật đơn sơ, cũ kỹ ở góc phố Trần Phú. Chỉ cách căn gác đơn sơ ấy khoảng 15 phút đi bộ là Toà nhà Trung tâm phát thanh Quốc gia mới khánh thành, hiện đại và tráng lệ.

Có một chi tiết lẽ ra phải tự hào thì tôi lại cảm thấy xấu hổ vô cùng. Bà Trần Thị Ý, vợ ông Trần Lâm cầm tờ báo TNVN và nói rằng: “Bao giờ tôi cũng đọc câu chuyện của bác xe ôm Cả Chiêm trong mục Từ làng ra phố trước tiên” - Khi biết tôi chính là Cả Chiêm, bà tỏ ra ngạc nhiên mà nói “trẻ thế à?”. Tôi 37 tuổi rồi, khi sáng lập Đài TNVN, ông Trần Lâm chỉ mới 23. Ở tuổi ấy, tôi vẫn còn là một cậu thanh niên ăn bám gia đình.

Ngày khánh thành toà nhà, ông không đến dự được vì sức khoẻ yếu, nhưng ông vẫn đầy tự hào khi nhắc đến sự phát triển của Đài sau 64 năm. Ngắm nụ cười hồn hậu của ông khi nghe tin Đài TNVN chuẩn bị đón nhận danh hiệu Anh hùng các Lực lượng vũ trang Nhân dân, tôi chợt nhận ra rằng, với ông, di sản của một đời người không phải là một cuộc sống thừa thãi về vật chất, không phải những danh vị cá nhân, mà là niềm tự hào về những cống hiến của mình cho sự nghiệp chung. Đó cũng là phẩm chất của một người cách mạng chân chính. Với phẩm chất đó, 64 năm trước, ông và những cộng sự của mình đã biến điều không thể thành có thể khi không hề màng đến những khó khăn, thậm chí là những nguy cơ thất bại để thực hiện bằng được trọng trách được giao phó. Ngoài phẩm chất trên, ở vị tiền bối có công sáng lập Đài TNVN còn toát ra cốt cách của một nhà trí thức thực thụ.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh, ông đưa tay kéo bà vợ ngoại bát tuần lại gần “Em ngồi đây chụp ảnh cùng anh!”. Đôi vợ chồng già trìu mến sửa vạt áo cho nhau, rồi bà Ý cẩn trọng bôi chút sáp lên mái tóc trắng của mình trước khi “vào” ảnh. Một chi tiết nhỏ thôi, nhưng chừng ấy cũng đủ nói lên rất nhiều về cốt cách trí thức, lịch lãm và giản dị của ông bà. Cái cốt cách mà họ đã gìn giữ cả đời cũng là điều khiến cho 64 năm về trước, khi nhận nhiệm vụ từ Bác Hồ, ông Trần Lâm đã quên ăn quên ngủ để có thể thực hiện một cách tốt nhất việc xây dựng Đài TNVN.

Cuối cùng thì tôi cũng tìm được câu trả lời cho sự băn khoăn nhiều năm qua của mình trong những chi tiết rất đời thường của con người đặc biệt ấy. Đôi khi, những việc phi thường lại được lý giải một cách giản dị như vậy thôi!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên