Ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ gây nhiều băn khoăn, lo lắng

VOV.VN - Một số đại biểu Quốc hội và người dân lo lắng về những khó khăn khi chuyển quyền sử dụng đất.

Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có hiệu lực áp dụng từ ngày 5/12/2017 sẽ bổ sung thêm trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất. Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, Thông tư ra đời giúp quản lý nhà nước tốt hơn trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, có đại biểu lại bày tỏ lo lắng về những khó khăn phát sinh khi chuyển quyền sử dụng đất.

Trao đổi bên lề Quốc hội, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trước đây, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình. Người đại diện chủ sở hữu đứng tên. Tuy nhiên, đất đai và tài sản gắn liền trên đất là tài sản rất lớn, rất dễ phát sinh tranh chấp.

Thông tư 33 ra đời nhằm từng bước cá thể hóa quyền của những người đang sống trên mảnh đất đó, đó là quyền tài sản. Việc này hết sức cần thiết, không thể để một người đứng tên mang tính đại diện được. Những người có quyền tại thời điểm cấp giấy có tên trong hộ khẩu thì mọi người đều bình đẳng. Thông tư này xử lý những bất cập hiện nay khi chưa tính đến chuyện cá thể hóa, dẫn đến tranh chấp đang xảy ra, không thể giải quyết được. 

Theo đại biểu Nguyễn Chiến, đoàn Hà Nội, Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành nhằm quản lý nhà nước tốt hơn trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chiến băn khoăn, việc ghi tên của những thành viên trong hộ gia đình vào trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có thể phát sinh ra những vấn đề khác. Vì đất đai là một loại tài sản đặc biệt. Nhà nước giao quyền sử dụng và người có quyền sử dụng đất được quyền chuyển nhượng và thực hiện các quyền khác trên đất theo quy định của pháp luật. Việc viết tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ sẽ làm khó khăn trong việc xác định chủ của tài sản. 

Đại biểu Nguyễn Chiến, đoàn Hà Nội

Ông Nguyễn Chiến phân tích: “Khi có vấn đề thay đổi hoặc thực hiện quyền dân sự liên quan đến chuyển giao quyền sử dụng thì bắt buộc phải có xác nhận và lại phải có tất cả các chữ ký của các thành viên ở trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ấy. Vậy thì khi đó sẽ rất khó khăn nếu như trong gia đình có những xung đột, có những thành viên khác mâu thuẫn thì như vậy sẽ rất là khó để quyết định thực hiện quyền dân sự của mình đối với từng thành viên một trong gia đình”.

Một số ý kiến cho rằng, quy định này sẽ gây ra nhiều bất cập trong việc xác định, điều chỉnh thông tin của các thành viên trong hộ gia đình. Chị Lê Thị Quỳnh Mai, ở quận Hà Đông chia sẻ: Việc thêm tên các thành viên khác trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc khi chuyển nhượng hay thực hiện các quyền, từ quyền sử dụng đất sẽ phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong giấy chứng nhận đó. Điều này sẽ gây khó khăn cho các bên trong quan hệ pháp luật liên quan đến quyền sử dụng đất, đặc biệt là quan hệ mua bán. Ngoài ra, có thể phát sinh những rắc rối trong việc xác định ai là chủ sở hữu thực sự của tài sản này:

"Làm thế nào để có thể xác định được công sức đóng góp của từng người con trong tài sản chung đó do cha mẹ để lại. Bởi vì có hai thời điểm cần làm rõ: tài sản là quyền sử dụng đất của cha mẹ có được trước khi có con nhưng sau đó mới làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thứ hai là khi có con rồi nhưng con dưới 18 tuổi, còn sống phụ thuộc vào bố mẹ, vậy thì xác định sự đóng góp bằng cách nào để chứng minh quyền sử dụng đất đó người con có phần" - chị Mai phân vân.        

Về vấn đề này, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ- Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cách ghi như vậy sẽ dẫn đến một hệ quả pháp lý vì ai là người sẽ thừa nhận những người này trong hộ gia đình là có quyền sử dụng đất chung: "Theo tôi, giải pháp là chúng ta khoanh lại trường hợp nào cấp giấy cho hộ gia đình. Ví dụ trước đây chúng ta đã giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64, thì những ai có tên trên quyết định giao đất thì những người đó có tên trong giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình. Đối với các trường hợp khác, chúng ta đừng dùng khái niệm là hộ gia đình đứng ra nhận chuyển quyền sử dụng đất nữa. Lúc này nếu là tài sản chung của hai vợ chồng thì cấp giấy cho hai vợ chồng, thủ tục cũng đơn giản và không dẫn đến hệ quả pháp lý mà phải xử lý có liên quan đến khiếu nại về lợi ích".

Theo luật sư Đặng Hữu Biên, Giám đốc Công ty Luật BHD: Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể hơn tinh thần của Luật Đất đai 2013. Quy định này chỉ áp dụng với chuyển nhượng quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình mà trong đó con là thành viên. Trường hợp này khác với cấp đất cho cá nhân. Hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai thì là một chủ thể trong các chủ thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những trường hợp cấp giấy chứng nhận  mang tên hộ gia đình phải đảm bảo các yếu tố có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng và thứ hai là cùng sống chung và có tài sản đóng góp, công sức đóng góp chung vào hình thành nên tài sản đó.

Tuy nhiên, theo luật sư Biên, quy định này cũng chưa hẳn hoàn hảo về chế định hộ gia đình mà vẫn còn một số bất cập: "Hộ gia đình trong trường hợp này là một chủ thể theo quy định của Luật Đất đai, còn các trường hợp như cá nhân đứng tên hoặc vợ chồng đứng tên  trong sổ đỏ mà lâu nay thì không điều chỉnh bởi quy định Thông tư 33 này. Mặc dù ở đây là Thông tư, có lẽ là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể nhất nhưng ở góc độ nào đó, tôi nghĩ Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải có những công văn hướng dẫn về việc này. Và thứ hai là xác định các thành viên, tiêu chí xác định các thành viên mặc dù Luật Dân sự, Luật đất đai quy định cụ thể rồi nhưng để triển khai trên thực tế sẽ vẫn còn những vướng mắc nhất định".

Dự kiến, tuần sau, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức họp báo để thông tin cụ thể về quy định mới này để người dân hiểu rõ hơn và yên tâm khi đăng ký sử dụng đất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sổ đỏ sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình từ ngày 5/12
Sổ đỏ sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình từ ngày 5/12

VOV.VN - Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.

Sổ đỏ sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình từ ngày 5/12

Sổ đỏ sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình từ ngày 5/12

VOV.VN - Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.

Quyền lợi thành viên trong gia đình khi có tên trong sổ đỏ như thế nào?
Quyền lợi thành viên trong gia đình khi có tên trong sổ đỏ như thế nào?

VOV.VN -Việc bổ sung thêm tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất vào trong sổ đỏ sẽ đảm bảo lợi ích cho họ, giảm tranh chấp liên quan đến đất đai.

Quyền lợi thành viên trong gia đình khi có tên trong sổ đỏ như thế nào?

Quyền lợi thành viên trong gia đình khi có tên trong sổ đỏ như thế nào?

VOV.VN -Việc bổ sung thêm tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất vào trong sổ đỏ sẽ đảm bảo lợi ích cho họ, giảm tranh chấp liên quan đến đất đai.

Bộ TN-MT lên tiếng về việc ghi tên thành viên gia đình trong “sổ đỏ”
Bộ TN-MT lên tiếng về việc ghi tên thành viên gia đình trong “sổ đỏ”

VOV.VN - Bộ TN&MT đã lên tiếng về Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình.

Bộ TN-MT lên tiếng về việc ghi tên thành viên gia đình trong “sổ đỏ”

Bộ TN-MT lên tiếng về việc ghi tên thành viên gia đình trong “sổ đỏ”

VOV.VN - Bộ TN&MT đã lên tiếng về Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình.