Giải bài toán ô nhiễm ở các làng nghề?

Đã có nhiều biện pháp được triển khai để khắc phục, nhưng ô nhiễm làng nghề không giảm mà có chiều hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của chính những người làm nghề và người dân xung quanh.

Theo số liệu công bố mới đây của Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an, hiện nay cả nước có gần 2.800 làng nghề, nhưng có tới hơn 90% làng nghề vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và các quy định an toàn vệ sinh lao động. Đây là thực trạng đáng lo ngại, bởi ô nhiễm ở các làng nghề không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, sức khoẻ của những người sản xuất, mà cả người dân xung quanh. Đáng lo hơn là nhận thức của chính quyền và người dân địa phương về vấn đề ô nhiễm dường như chưa thay đổi nhiều so với trước.

Làng bún Phú Đô, thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội nằm cạnh Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Làng nghề truyền thống này có từ cách đây hơn 400 năm, cung cấp món ăn ưa thích cho nhiều người dân Hà Nội. Thế nhưng, chứng kiến quang cảnh nơi làm bún, quả thật khó tránh khỏi sự rùng mình. Phổ biến là cảnh xô nhựa lớn, nhỏ không có nắp đậy dùng để ngâm gạo, túi vải ủ bột… bày la liệt, ruồi nhặng bâu đầy, thấy người lập tức bay lên tứ tung. Đặc biệt, thứ “mùi chua loét đặc trưng” thì không phải vào tận cơ sở làm bún mới cảm nhận được, mà có thể nhận biết ngay sau khi bước chân vào cổng làng. Có cơ sở sản xuất bún nằm cạnh khu nhà vệ sinh, hoặc chuồng lợn và mặc dù nhiều khâu chế biến, như xay bột, đánh bột, ép bún đã được “cơ giới hoá”,  nhưng một số công đoạn, người sản xuất vẫn dùng tay trần bốc bún, xếp bún vào rổ rá đặt dưới sàn nhà ướt nước nhem nhép. Trong lúc làm việc, cũng có lúc, những bàn tay trần bốc bún được dùng gãi ngứa…

Ông chủ trẻ Nguyễn Văn Thắng, một trong những hộ có sản lượng bún nhiều nhất Làng bún Phú Đô, mỗi ngày sản xuất tới 1 tấn sản phẩm, hào hứng kể: “Để có mẻ bún ngon, đảm bảo năng suất, phải ngâm gạo, ủ bột tới vài ngày, mùa đông thì lâu hơn”. Anh bạn đồng nghiệp của tôi nhanh tay vớt mấy con ruồi đang bơi lóp ngóp trong xô nước ngâm gạo, tranh thủ hỏi thăm: “Sản xuất lớn như thế này, chắc mỗi tháng gia đình anh phải sử dụng nhiều nước lắm?”. Anh Nguyễn Văn Thắng trả lời một cách vô tư “Vâng, nhiều lắm, khoảng 50 khối”. Anh Thắng nói: “Ngâm khoảng 2 đêm thì vắt nước trong của bột, vắt hết nước chua đi. Bây giờ nước thải chảy thẳng ra sông Nhuệ, không bao giờ bị tắc cống. Tuy có bị bẩn ra nhà, có mùi bún, nhưng chúng tôi quen rồi”.

Xả nước, rác thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông ngòi gây ô nhiễm môi trường không chỉ diễn ra ở làng bún Phú Đô, mà hầu hết các làng nghề, nhất là ở phía Bắc, nơi chiếm tới hơn 60% tổng số làng nghề trong cả nước. Điển hình là làng nghề nấu rượu ở Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; làng nghề tái chế, cô đúc nhôm Văn Yên, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; làng nghề Đại Phu, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; làng nghề miến dong Dương Liễu, huyện Hoài Đức và các làng nghề dệt, nhuộm, hấp vải ở Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội…

Kết quả phân tích mẫu nước thải, khí thải ở các làng nghề của ngành chức năng cho thấy, hầu hết đều vượt tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần. Riêng nồng độ bụi vượt từ 113 đến 230 lần, hàm lượng một số kim loại trong nước thải, vượt tới hàng chục lần cho phép. Không những ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ của người dân, ô nhiễm làng nghề còn làm ô nhiễm luôn cả nguồn nước nước mặt, đến nỗi một số nơi, cỏ cây, hoặc tôm cá dưới ao không thể sống nổi.

Một người dân ở huyện Thanh Oai, bày tỏ: "Trước đây, người dân có thể tắm được bằng nước ao, nhưng bây giờ thì không tắm, không rửa được dưới ao. Ao bây giờ cũng không thả cá được, vì ô nhiễm nặng. Một ngày bao nhiêu bụi bẩn, dầu rửa bát, xà phòng… thải ra cống tiêu nước đều tràn cả vào ao. Mưa thì nó thoát đi, nhưng nắng thì đọng lại, mùi hôi bốc lên rất khó chịu”.

Mở rộng và phát triển làng nghề Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế- xã hội ở vùng nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Chủ trương phát triển làng nghề là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Đảng và Chính phủ ta trong việc thực hiện chính sách Nông nghiệp- Nông dân và Nông thôn. Tuy nhiên, do hình thành và phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, cộng với ý thức của người dân làng nghề đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái còn hạn chế nên đã gây ra những hậu quả xấu cho môi trường.

Theo nhận định của nhiều nhà chuyên môn, để giải quyết ô nhiễm môi trường gắn với việc đảm bảo phát triển bền vững các làng nghề, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Lê Văn Hợp, Vụ trưởng - Người phát ngôn Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường làng nghề, trước nhất là nâng cao nhận thức cộng đồng. Thứ 2 là phải xây dựng cơ chế chính sách để xã hội hoá công tác quản lý môi trường ở các làng nghề… Thứ 3 là phải tăng cường giám sát của các cấp, các tổ chức chính trị xã hội để góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng những sản phẩm thân thiện môi trường”.

Câu chuyện về phát triển làng nghề nông thôn sẽ tiếp tục là vấn đề nóng. Người dân làng nghề đang rất cần các ngành chức năng địa phương hỗ trợ thay đổi công nghệ, quy hoạch khu sản xuất với hệ thống xử lý nước thải, rác thải… Có như vậy, mới giải quyết được phần nào bài toán giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Có lẽ không có người dân làng nghề nào muốn sống trong những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, tài chính khá giả, nhưng môi trường sống bị ô nhiễm đầy khói bụi, mùi hôi thối… Có lẽ cũng không ai muốn con cháu mình trong tương lai bị huỷ hoại sức khoẻ do đất, nước, không khí bị ô nhiễm. Đã đến lúc toàn xã hội phải hành động quyết liệt vì sự bền vững ở các làng nghề và nông thôn Việt Nam./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên